Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình từng khẳng định, nơi nào để “nóng” nạn cát tặc thì phải xử lý người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, bao gồm cả xã, huyện và tỉnh, kể cả các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Nếu phát hiện cán bộ dung túng, bao che, thậm chí bảo kê cho vi phạm thì xử lý nghiêm minh. Song, vấn nạn cát tặc vẫn ngang nhiên hoành hành, dù cơ quan chức năng có xử lý nhưng cũng chỉ như bắt cóc bỏ đĩa, không thể nào khống chế được.
Những chiếc vòi bạch tuộc cắm xuống lòng sông chỉ cách bờ 20m. Ảnh baotainguyenmoitruong.
Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ nguyên nhân chính khiến cát tặc lộng hành một phần không nhỏ là do cấp ủy, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, nương tay, thậm chí bao che, nếu không muốn nói là bảo kê cho những kẻ khai thác cát sỏi trái phép.
Ông Trương Hòa Bình cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, đằng sau hoạt động khai thác tài nguyên cát trái phép có bóng dáng của tội phạm có tổ chức, có tiêu cực từ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Theo đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các cơ quan tư pháp cần có biện pháp mạnh để răn đe, phòng ngừa.
Với nạn cát tặc ngang nhiên lộng hành như hiện nay, nói là các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã phải bó tay bất lực trước những kẻ coi thường pháp luật là không sai, nhưng có vẻ hơi quá. Tất nhiên như Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đã khẳng định có sự tiêu cực, bao che, bảo kê cho những kẻ khai thác cát trái phép, song không phải ở tất cả các địa phương có nạn cát tặc cũng đều có sự “nhấm nháy” giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương với những người vi phạm.
Từng được giao viết loạt bài điều tra về nạn cát tặc, người viết bài phát hiện bên cạnh việc dung túng, tiếp tay, bảo kê của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng còn có một số nguyên nhân khách quan khiến vấn nạn cát tặc khó bị đẩy lùi. Chẳng hạn, hiện hành vi khai thác cát sỏi trái phép khi bị phát hiện cũng rất khó xử lý hình sự, cộng với việc mức xử phạt vi phạm hành chính quá nhẹ (so với lợi nhuận thu được từ hành vi phạm pháp) nên đã tạo ra thói quen nhờn luật của không ít người. Khi biết chắc sẽ không phải ngồi tù, chỉ bị phạt số tiền bằng 1/100, thậm chí chỉ là 1/1.000 số tiền thu được thì những người khai thác cát sỏi trái phép có lý do gì để sợ đây?!
Có vị chủ tịch xã tâm sự rằng, cũng đã nhiều lần phát hiện và xử lý những người khai thác cát sỏi trái phép, song thẩm quyền của địa phương không lớn nên cuối cùng cũng chỉ phạt theo kiểu phủi bụi rồi thả. Chưa kể cấp xã thì không được phép thu giữ phương tiện như tàu, máy hút cát... của những người vi phạm nên sau khi được thả họ lập tức tái phạm nhưng “rút vào bí mật”, hoặc vẫn công khai như thách thức pháp luật. Khỏi nói ở những nơi giáp ranh giữa xã này với xã kia, giữa 2 huyện, hoặc giữa các tỉnh thì càng là địa bàn lý tưởng để cát tặc mặc sức tung hoành.
Một nguyên nhân khác cũng khiến nạn cát tặc diễn biến phức tạp, đó là hiện nhu cầu xây dựng đang vượt quá nguồn cung nên dù là cát có phép hay khai thác trái phép đều nhanh chóng được bán hết veo cho người sử dụng. Với một số người vi phạm dùng hóa đơn quay vòng để hợp pháp hóa số cát sỏi khai thác trái phép thì còn có thể lý giải khó phát hiện, nhưng cũng có không ít người vi phạm ngang nhiên lập bãi ven sông (cũng là trái phép luôn), đổ đống cát và bán công khai nhưng cũng không hề bị các cơ quan quản lý nhà nước như thanh tra, CSGT đường thủy, chính quyền xã, huyện... sờ gáy.
Nhiều người sẽ nói rằng, xây dựng mà không dùng cát sỏi thì dùng cái gì? Việc vật liệu xây dựng bày bán có hợp pháp hay không thì cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm thẩm dịnh, xử lý. Vâng, tất cả những điều đó đều đúng cả, xây dựng thì tất nhiên phải cần cát sỏi, trách nhiệm kiểm soát việc khai thác, tiêu thụ cát sỏi là của các cơ quan quản lý nhà nước. Song, xét cho đến cùng thì cần bao nhiêu cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ “ăn lương” rồi đi rình cát tặc cho đủ đây? Cát sỏi dùng trong xây dựng cũng đâu nhất thiết là phải khai thác từ tự nhiên, mà còn có thể sản xuất nhân tạo cơ mà.
Tất nhiên nói vậy không có nghĩa là các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương không có trách nhiệm gì trong vấn nạn cát tặc lộng hành. Để vấn nạn cát tặc nóng trên địa bàn thì cả các cơ quan chuyên môn cùng cấp ủy và chính quyền địa phương không thể vô can. Song, trong bối cảnh các chế tài trong khuôn khổ pháp lý còn đang yếu, thiếu thì dù các cơ quan chức năng có “căng” ra hết cỡ cũng không thể khống chế được chứ đừng nói đẩy lui nạn cát tặc. Thử hỏi đã có bao nhiêu người vi phạm khai thác cát sỏi trái phép bị hầu tòa?
Bên cạnh đó, việc sản xuất cát sỏi nhân tạo cũng không phải là công nghệ quá phức tạp, giá thành cũng chỉ tương đương với cát sỏi khai thác trong tự nhiên nhưng lại chưa được quan tâm chú trọng phát triển. Trên cả nước hiện những cơ sở sản xuất cát sỏi nhân tạo chỉ đếm trên đầu ngón tay thì làm sao có thể cung ứng đủ cho nhu cầu ngày càng lớn của xã hội? Có cầu ắt có cung, khi mà từ người dân đến các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp... đều cần cát sỏi để xây dựng thì vẫn còn nóng vấn nạn cát tặc. Khi mà cát khai thác trái phép vẫn có thể hợp pháp hóa, hoặc ung dung bày bán công khai thì việc xử lý cát tặc chỉ như bắt cóc bỏ đĩa mà thôi.