Theo ông Trương Khắc Nguyên Minh - Phó Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Việt Nam, đến tháng 4/2024, đã có khoảng 1,6 tỷ USD được các doanh nghiệp FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản (BĐS). Con số này cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái và là con số khá ấn tượng khi thị trường BĐS trong nước vẫn còn nhiều khó khăn.
Thời gian qua, có nhiều dự án lớn được đầu tư, trong đó có hãng trang sức Pandora (Đan Mạch) tổ chức khởi công Nhà máy Pandora Production Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP 3 (Bình Dương), với vốn đầu tư 150 triệu USD. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026, công suất lên đến 60 triệu món trang sức mỗi năm. Trước đó, cuối năm 2023, Công ty FM Logistis - đơn vị cung cấp dịch vụ hậu cần đến từ Pháp đầu tư trung tâm phân phối đa khách hàng hiện đại với diện tích trên 20.000m2 (khả năng mở rộng lên đến 50.000m2), cùng 78 cửa xuất nhập hàng tại Bình Dương.
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), BĐS công nghiệp vẫn giữ vững vị thế “ngôi sao” trên thị trường Việt Nam. Tỷ lệ lấp đầy của các dự án đang hoạt động luôn ở mức cao: các tỉnh phía Bắc đạt 82%; các tỉnh phía Nam là 92%. Nhu cầu tăng cao nên giá thuê đất công nghiệp cũng liên tục đi lên. Khu vực phía Bắc chứng kiến mức tăng giá mạnh nhất với giá thuê trung bình 135 USD/m2/chu kỳ thuê. Khu vực phía Nam, giá thuê trung bình cao hơn với mức 188 USD/m2/chu kỳ thuê.
Tuy nhiên, vẫn theo đại diện VARS, thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với nhiều dư địa tăng trưởng nhưng cũng đối diện với nhiều thách thức. Theo đó, các khu vực kinh tế trọng điểm như: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... đang gặp khó khăn trong việc mở rộng quỹ đất công nghiệp do tình trạng đô thị hóa nhanh chóng. Cơ sở hạ tầng mặc dù đã có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của các khu công nghiệp. Ngoài ra, chính sách và thủ tục hành chính còn nhiều phức tạp gây khó khăn cho các nhà đầu tư và phát triển khu công nghiệp đôi khi thiếu nhất quán và thay đổi đột ngột, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc lập kế hoạch dài hạn.
Trong khi đó, thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, 1.227 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 27,5% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ. Các nhà đầu tư tập trung vào nhiều ngành nghề, song ngành BĐS đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đạt gần 1,98 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh thành có lợi thế thu hút FDI như: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang.... Đây là những tỉnh có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nội lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư...