Dù bị tác động của dịch bệnh Covid-19, song thị trường bất động sản nghỉ dưỡng không quá khó khăn. Thậm chí, thị trường đang có những động thái rất tích cực.
Phát triển bài bản, phù hợp nhu cầu
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, 3 quý năm 2021, có khoảng 10.000 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng được chào bán và tỷ lệ hấp thụ lên đến 30 - 40%. Đây là một tỷ lệ khá cao trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp tại các tỉnh thành lớn trên cả nước. Đặc biệt, giãn cách xã hội nghiêm ngặt, kéo dài với các Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ.
“Nguyên nhân bất động sản nghỉ dưỡng vẫn có điều kiện phát triển là do mô hình phát triển dự án của chủ đầu tư thay đổi. Thị trường ghi nhận không còn dự án nhỏ lẻ ăn theo hạ tầng chung mà phát triển thành các dự án đa mục tiêu, kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch sức khoẻ, một số dự án kết hợp thêm vui chơi, văn hoá, mua sắm...”, ông Hà nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc VNGroup cho rằng: “Dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, ở góc độ khác, dịch bệnh cũng có mặt lợi cho thị trường. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng không ghi nhận sự phát triển ồ ạt. Chính vì lẽ đó, bất động sản nghỉ dưỡng không bị thừa nguồn cung. Thị trường chỉ còn những nhà đầu tư làm dự án một cách bài bản và phù hợp với nhu cầu khách hàng”.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong quý 3/2021, cả nước có 26 dự án mới với hơn 1.300 biệt thự du lịch được cấp phép tập trung chủ yếu tại Bình Thuận và Lâm Đồng. Có 54 dự án với 14.500 căn hộ du lịch và gần 4.000 biệt thự du lịch đang được triển khai chủ yếu tập trung tại Khánh Hòa, Quảng Nam, Phú Yên…
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định, dịch Covid-19 diễn ra từ năm 2020 đến nay, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng, tổn thất nặng nề. Song, ngay sau cú sốc đó, các chủ đầu tư, các địa phương đã quay lại triển khai các dự án để đảm bảo nguồn cung trong thời gian tới. Dẫn kết quả nghiên cứu “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách” của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Hưng khẳng định, bất động sản nghỉ dưỡng tác động lớn đối với ngành du lịch. Theo đó, phân khúc này tăng 1%, sẽ góp phần tăng trưởng 0,325% cho ngành du lịch.
Kỳ vọng phát triển khả quan
Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng thị trường bất động sản vẫn ghi nhận sự quan tâm của giới đầu tư. Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương nhận định: “Chúng ta vẫn có thể trông đợi những triển vọng khả quan từ thị trường. Bởi du lịch là một ngành không ngừng thay đổi để thích nghi với các xu hướng mới. Hiện nay, có nhiều yếu tố đem đến sự khác biệt. Theo tôi, Việt Nam cần thêm nhiều sản phẩm du lịch chất lượng đem đến những trải nghiệm độc đáo và tạo ra một “điểm đến” đúng nghĩa”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) nhìn nhận, chỉ khi nào du lịch phát triển, bất động sản nghỉ dưỡng mới phát triển. Nếu du lịch còn gặp khó khăn, thách thức, thị trường này sẽ bị tác động ngay lập tức. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay lại đang nổi lên xu hướng nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe. Đây là xu hướng thời thượng đã xuất hiện trên thế giới và phát triển khá nhanh.
“Đại dịch Covid-19 bùng phát, vấn đề an toàn và chăm sóc sức khỏe càng được quan tâm. Nếu dịch bệnh được kiểm soát có lẽ thị trường này sẽ phục hồi nhanh nhất. Chính việc xuất hiện nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe mà khách du lịch quan tâm gợi mở cho bất động sản nghỉ dưỡng phát triển”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đề cập đến xu hướng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, ông Hưng thông tin, theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, số lượng cơ sở lưu trú đến năm 2025 đạt khoảng 754.000 buồng và đến năm 2030 khoảng 900.000 buồng, khách sạn lưu trú du lịch. Để đạt mục tiêu này, trong giai đoạn tiếp theo phải đầu tư thêm rất nhiều loại buồng, phòng. Cũng theo đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường và thị trường bất động sản, đến cuối năm 2016, Việt Nam mới có khoảng 420 nghìn buồng, phòng tại các cơ sở lưu trú du lịch.
Theo ông Hưng, các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới cũng sẽ mang tính quy mô lớn và đa mục tiêu, nhiều tiện ích trong một dự án. Trong giai đoạn trước, các dự án sản phẩm truyền thống phần lớn chỉ có hai chức năng chủ yếu là ăn uống và ngủ nghỉ. Nhưng thời gian tới, các dự án sẽ phải có thêm chức năng nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, thể dục thể thao....
Lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho hay, với mong muốn thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển bền vững, Bộ Xây dựng đã ban hành tiêu chuẩn thiết kế đối với căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng để các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định. Thời gian tới phải tiếp tục hoàn thiện quy định cụ thể về mẫu hợp đồng mua bán sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, tạo cơ sở vững chắc cho loại hình này phát triển. Lý do, một số nội dung về mẫu hợp đồng mua bán loại hình sản phẩm này hoặc các thủ tục liên quan đến sản phẩm chưa được quy định một cách cụ thể.