Những ngày này, các trường đại học (ĐH) phía Nam đang lần lượt công bố điểm sàn. Nhiều trường có mức điểm sàn rất cao khiến nhiều người bất ngờ.
Cụ thể, theo thông báo từ Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), mức điểm sàn của các ngành năm nay dao động từ 18,5 - 21. Trong đó, rất nhiều ngành của trường này chỉ nhận hồ sơ với thí sinh có mức 21 điểm (gồm tổ hợp 3 môn) như ngành Báo chí, Truyền thông đa phương tiện, Ngôn ngữ Anh, Quản trị du lịch và lữ hành… Bên cạnh đó, nhiều ngành khác của trường này cũng chỉ nhận hồ sơ của thí sinh ở mức 20,5 điểm như ngành Nhật Bản học, Hàn Quốc học…
Hay như Trường ĐH Sài Gòn cũng thông báo mức điểm sàn khá cao so với mặt bằng chung. Cụ thể, rất nhiều ngành của trường này chỉ nhận hồ sơ ở mức 21 điểm, như ngành Kỹ thuật phần mềm, Ngôn ngữ Anh…Cá biệt có ngành Sư phạm Toán có điểm sàn lên đến 24,5 điểm; Sư phạm tiếng Anh là 23 điểm. Đây cũng là các ngành có mức điểm sàn cao nhất (ngoài khối ngành y, dược) được các trường ĐH công bố đợt này. Với mức điểm sàn nêu trên, thí sinh phải có trung bình hơn 8 điểm/môn (không tính điểm ưu tiên) mới đủ điều kiện nộp hồ sơ vào các ngành nêu trên.
Ngoài một vài ngành, vài trường có mức điểm sàn thuộc dạng cao chót vót nêu trên, hầu hết các trường ĐH phía Nam có mức điểm sàn dao động từ 17 - 20 ở khối các trường công lập và thường từ 15 điểm ở các trường tư thục. Cũng xin lưu ý, đây là mức điểm sàn, tức là mức giới hạn tối thiểu để nhận hồ sơ và khi xét tuyển, những ngành nghề có điểm sàn thấp nhưng hoàn toàn có mức điểm trúng tuyển cao và ngược lại. Bởi điểm sàn chỉ là mức dự kiến nhằm sàng lọc “vòng ngoài” trong kỳ xét tuyển sinh. Điểm quan trọng vẫn là điểm chuẩn chính thức của nhà trường công bố trong thời gian tới.
Theo nhiều ý kiến, điểm sàn của các trường ĐH phía Nam năm nay có xu hướng tăng hơn các năm trước. Theo đó, những năm trước ngoài khối ngành y dược, sức khoẻ và sư phạm có quy định điểm sàn riêng và thường cao hơn điểm sàn các ngành khác thì nhiều trường chỉ thông báo mức điểm sàn ở con số vừa phải, thậm chí là mức thấp nhất (thường 15 điểm) theo quy chế tuyển sinh. Bởi điểm sàn cao hay thấp không đồng nhất với chất lượng tuyển sinh, cũng không đồng nhất với “thương hiệu” của trường ĐH nào đó.
Tuy nhiên, kỳ tuyển sinh năm 2024 này, điểm sàn nhiều trường được nâng lên do các trường ĐH đã chủ động trong kế hoạch tuyển sinh, không phải cạnh tranh gay gắt tìm kiếm thí sinh. Từ trước khi thí sinh biết điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường ĐH đã công bố mức điểm chuẩn, biết rõ số lượng thí sinh trúng tuyển theo các phương thức khác (như thi đánh giá năng lực, xét học bạ…). Chính việc tuyển sinh sớm và nắm rõ số lượng tuyển sinh này nên các trường chỉ dành một phần nhỏ chỉ tiêu cho thí sinh có sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển.
Vì vậy, việc nâng cao điểm sàn tuyển cũng không ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch tuyển sinh mà phần nào đó giúp cho “thương hiệu” được nâng lên chút ít. Ngoài ra, với mức phổ điểm thi tốt nghiệp cũng chủ yếu từ trung bình khá trở lên, việc các trường ĐH áp điểm sàn cũng không ảnh hưởng nhiều tới sự lựa chọn của các thí sinh khi tiến hành nộp hồ sơ nếu có nhu cầu.
Có thể nói, với việc tuyển sinh sớm từ trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra, nhiều trường ĐH phía Nam áp điểm sàn ở mức cao là khá bất ngờ nhưng thực tế lại không ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch tuyển sinh khi điểm thi tốt nghiệp THPT ngày càng ít được sử dụng ở kỳ xét tuyển ĐH này.