Khác với lo lắng của nhiều chuyên gia giáo dục khi lịch sử trở thành môn học tự chọn ở bậc THPT, kết quả khảo sát của nhiều trường THCS và THPT cho thấy tỉ lệ học sinh (HS) chọn học môn này không quá chênh lệch với các môn học khác.
Nhiều học sinh chọn Lịch sử
Thông tin với Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Marie Curie (Hà Nội) cho biết kết quả khảo sát học sinh lớp 9 của trường chọn môn Lịch sử khi vào học THPT đạt hơn 50%. Cụ thể, 401 học sinh lớp 9 của trường tham gia khảo sát, thì có 210 học sinh lựa chọn môn Lịch sử trong nhóm môn học lựa chọn. Tương tự với các môn học khác, kết quả cũng không quá chênh lệch khi Tin học được 71,1% học sinh lựa chọn, Kinh tế và Pháp luật là 69,8%, Sinh học là 65,6%, Âm nhạc (phân môn trong môn nghệ thuật) 59,1%, Công nghệ 48,1%, Địa lý 47,4%...
Ông Khang phân tích, HS chọn môn theo hai xu thế. Một là chọn đúng theo định hướng lĩnh vực sẽ học đại học và nghề nghiệp sau này. Hai là chọn những môn mà học sinh thấy dễ, học nhẹ nhàng. Có một số HS có định hướng đi du học từ sớm, hoặc xác định chỉ đầu tư nhiều cho các môn học bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đã thực hiện khảo sát với HS lớp 9 của nhà trường và cho hay không có sự chênh lệch lớn trong việc lựa chọn giữa nhóm môn học khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trong đó, các môn Lịch sử, Kinh tế và Pháp luật có tỷ lệ lựa chọn tương đương với nhiều môn khác như Địa lý, Vật lý, Sinh học...
Bà Nghiêm Thị Nguyệt Anh - Hiệu trưởng Trường THPT IVS cho biết, năm học 2020-2021, tất cả HS lớp 12 của nhà trường đều chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó có môn Lịch sử. Năm nay, dù HS chưa đăng ký hết trên Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng thống kê từ đầu năm học để có định hướng học và ôn thi từ sớm, không có HS nào chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên. Tới đây khi thực hiện 3 công khai trên trang web của nhà trường về tuyển sinh năm học 2022-2023, nhà trường sẽ công khai tổ hợp tuyển sinh ngay từ đầu để HS và phụ huynh lựa chọn.
“Với các trường công lập đang rất khó khăn về các môn nghệ thuật thì Trường IVS lại đang có sẵn các giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, yoga, khiêu vũ,… và chúng tôi sẵn sàng tuyển thêm giáo viên. Tổ hợp các môn xã hội chúng tôi cũng sẵn sàng rồi” - bà Anh thông tin.
Trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội vừa công bố phương án tổ hợp môn học lựa chọn cho HS lớp 10 vào trường năm học 2022-2023. Trong đó, Lịch sử xuất hiện trong 3/6 mô hình lớp học được nhà trường đưa ra để HS lựa chọn. Nhà trường sẽ tổ chức tư vấn hướng nghiệp nhằm giúp HS chọn mô hình lớp phù hợp với sở thích và khả năng của bản thân dự kiến vào ngày 10/7/2022.
Để học sinh không thờ ơ với môn Lịch sử
Theo bà Nghiêm Thị Nguyệt Anh, thực tế HS có điểm thi Lịch sử thấp kỷ lục trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây đã phản ánh về việc dạy và học môn học này trong trường phổ thông. Là trường có HS đầu vào thấp, tất cả HS chọn bài thi tổ hợp khoa học xã hội và đỗ tốt nghiệp 100% năm học 2020-2021, bà Anh cho biết, các thầy cô hướng đến đa dạng cách dạy học nhằm đưa lịch sử đến gần với HS. Các thầy cô cố gắng cải tiến phương pháp dạy học như kể chuyện sinh động về các giai đoạn lịch sử, tiểu phẩm hóa một giờ học trên lớp, kịch hóa một sự kiện ngắn…
“Giảng về hồi ức chiến tranh, các cô cũng làm video nói về chiến thắng, tạo điểm nhấn cho giờ học khiến HS hình dung rõ hơn về câu chuyện năm xưa… Trường mời các cựu chiến binh, các vị tướng lẫy lừng trong lịch sử như anh hùng Phạm Tuân đến nói chuyện để HS được gặp những con người bằng xương bằng thịt, các em sẽ có những nhận thức thực tế, cảm xúc sống động và bài học lịch sử dân tộc sẽ càng thêm ghi nhớ” - bà Anh chia sẻ.
Là người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, GS. TS Nguyễn Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - ĐH Quốc gia Hà Nội trăn trở phải xem lại vì sao lịch sử tự nó hay như thế mà môn Lịch sử lại khiến HS sợ rồi chán? Không phải dạy nhiều mới là quan trọng. Dạy nhiều mà dạy như cũ, dạy mà khiến người ta chán, sợ thì càng nhiều càng phản tác dụng.
Ông Giang cho rằng lịch sử phải dạy cho người học hiểu rằng đây là những kiến thức giúp cho một dân tộc tự nhận thức mình, cho ta biết gốc tích của mình ở đâu và những điều cơ bản trong lịch sử gì. Từ đó, hiểu sâu sắc hơn về cội nguồn, đặc điểm của lịch sử văn hóa dân tộc mình. Từ đó, người học có niềm tự hào đối với lịch sử, văn hóa dân tộc. Và trên cơ sở đó người ta khát khao đi tìm hiểu thêm, đấy là thành công.
Theo GS. TS Nguyễn Minh Giang: “Lịch sử vốn là cuộc sống, là những gì gắn với thực tiễn, cho nên phải cho HS trải nghiệm, tới các di tích, gặp những nhân chứng hay làm cách nào đó để người học thấy rằng lịch sử rất sinh động chứ không phải chỉ là những con số khô khan, những luận điểm, giáo điều. Đó là cách chúng ta dần dần làm cho HS yêu môn Lịch sử hơn, thấy rằng kiến thức lịch sử có ích cho mình”.