Giáo dục

Bất ngờ xếp hạng đại học năm 2024

Thu Hương 22/01/2024 08:29

Năm thứ 2 công bố bảng xếp hạng đại học (ĐH) Việt Nam do một nhóm nghiên cứu độc lập gồm GS Nguyễn Lộc và 5 cộng sự thực hiện có sự biến động khá lớn ở top 100.

anhbaiduoi.jpg
Các trường cần chú trọng nâng cấp cơ sở vật chất để giữ chân nhân tài. Ảnh: HUS.

Trường tăng cao nhất 52 bậc

So với top 10 năm 2023, có 9 cơ sở giáo dục ĐH tiếp tục có mặt trong top 10 của bảng xếp hạng đại học Việt Nam 2024 (VNUR-2024). Đặc biệt, Trường ĐH Thương mại lần đầu tiên lọt vào top 10 với mức tăng 27 hạng và xếp thứ 8.

Có 6 cơ sở giáo dục ĐH giữ vững thứ hạng lần lượt gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Duy Tân, ĐH Kinh tế TPHCM. ĐH Huế rời nhóm dẫn đầu xuống vị trí 11.

Trong khi đó, một số trường ĐH có đầu vào cao như Trường ĐH Ngoại thương có vị trí 24; Trường ĐH Kinh tế quốc dân (16) và Trường ĐH Y Hà Nội (36) lại không góp mặt trong top 10. Đáng chú ý, có tới 16 cơ sở giáo dục ĐH rời khỏi top 100 của VNUR-2024. Thứ hạng của các trường này trong VNUR-2023 là từ 65 đến 100. Trong có 36 cơ sở giáo dục ĐH tăng hạng thuộc top 100, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội có mức tăng cao nhất 52 bậc.

Các cơ sở giáo dục ĐH công lập vẫn chiếm đa số trong top 100 của VNUR-2024 với tỷ lệ là 83% mặc dù có giảm 1 cơ sở so với năm 2023, trong khi đó các cơ sở giáo dục ĐH tư thục có tỷ lệ là 17%.

Theo nhóm nghiên cứu, VNUR-2024 rà soát tất cả 237 các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam thông qua việc xử lý dữ liệu thông tin lớn bao gồm các báo cáo ba công khai, đề án tuyển sinh, dữ liệu về xếp hạng của các bảng xếp hạng toàn cầu. Tổng cộng có 193 trường có đầy đủ số liệu để tiến hành xếp hạng. Việc xếp hạng được thực hiện thông qua bộ 6 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí được lựa chọn, phản ánh toàn diện sứ mạng cơ bản của cơ sở giáo dục đại học như đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

Nâng chất giáo dục đại học

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, việc xếp hạng ĐH đã bắt đầu xuất hiện cách đây khoảng 20 năm, đến nay đã phát triển mạnh với những mô hình mới bên cạnh các mô hình truyền thống. Đơn cử, có những bảng xếp hạng ở quy mô toàn cầu, theo khu vực, theo lĩnh vực, xếp hạng chuyên biệt, xếp hạng hệ thống giáo dục đại học…

Đến thời điểm hiện tại có 2 bảng xếp hạng ĐH của Việt Nam được quan tâm là VNUR đã đề cập ở trên và Bảng xếp hạng đối sánh ĐH Việt Nam (University Performance Metrics, UPM).

Trong xu thế hội nhập toàn cầu, một số cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam đã xuất hiện trong các bảng xếp hạng đại học châu Á và toàn cầu như QS, THE,… việc có thêm mô hình xếp hạng phù hợp với bối cảnh Việt Nam giúp khuyến khích các trường phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện nghiên cứu... Tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh các nhà trường và người học cần lưu ý rằng bảng xếp hạng không phải là thước đo duy nhất mà chỉ là một trong những yếu tố góp phần phản ánh chất lượng đào tạo của nhà trường. Đó là chưa kể mỗi một bảng xếp hạng căn cứ vào những tiêu chí dữ liệu khác nhau để xếp hạng nên sẽ có độ vênh nhất định.

TS Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GDĐT thông tin, Hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục ĐH (HEMIS) được Bộ xây dựng từ năm 2023 đã thu thập, tổng hợp dữ liệu, phục vụ công tác quản lý về giáo dục đại học. Trong đó, đối với dữ liệu người học, hệ thống đã cập nhật hồ sơ lý lịch, quá trình học tập, kết quả học tập và rèn luyện, văn bằng, việc làm khi ra trường. Dù chưa đầy đủ nhưng từ dữ liệu của hơn 237.000 trong khoảng 500.000 sinh viên tốt nghiệp năm 2022 mà các trường nhập lên hệ thống, khi thực hiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, đã đồng bộ được dữ liệu của 146.000 người. Có hơn 97.000 hồ sơ khớp thông tin định danh và đã có mã số bảo hiểm xã hội. Số này được xem là đã có việc làm ổn định.

Như vậy, rõ ràng vẫn có độ vênh giữa số liệu nhà trường cung cấp và thực tế xác minh. Khi các báng xếp hạng thực hiện đối sánh trên các số liệu nhà trường cung cấp mà thiếu sự kiểm chứng từ các bên liên quan thì rõ ràng sẽ có những sai số. Vì vậy, bên cạnh việc quan tâm cải thiện xếp hạng ĐH, theo các chuyên gia, các trường cần quan tâm hơn nữa tới việc nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, giữ chân và thu hút đội ngũ cán bộ giỏi... để thực sự nâng chất giáo dục ĐH.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất ngờ xếp hạng đại học năm 2024