Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, từ báo cáo của 28 cơ quan Trung ương và 63 tỉnh/thành, từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022 có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm gần 2% so với tổng số biên chế được giao. Bình quân một năm có 15.800 người nghỉ việc, chiếm 0,8% tổng số biên chế được giao. Trong đó địa phương chiếm tỉ lệ 82%, còn lại 18% của Trung ương. Đây là vấn đề được dư luận quan tâm suốt thời gian qua vì có thể coi đó là hiện tượng bất thường.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, khối công chức hơn 4.000 người, khối viên chức hơn 35.000 người nghỉ việc. Trong đó riêng 2 khối giáo dục và y tế lần lượt là hơn 16.000 và hơn 12.000 người nghỉ việc.
“Lĩnh vực giáo dục, y tế với công việc rất áp lực, rồi cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều địa phương có thu nhập so với mặt bằng, thu nhập trên địa bàn chênh lệch, nên có chuyện chuyển việc, nghỉ việc” - ông Thăng nói và cũng cho rằng có lý do chủ quan lẫn khách quan. Khách quan là do thị trường kinh tế, lao động, kể cả xuất khẩu lao động đã có sự liên thông. Nền kinh tế nhiều thành phần, cả khu vực công, khu vực tư cũng có tương tác, cạnh tranh để cùng phát triển. Một nguyên nhân khác, vẫn theo ông Thăng, đến từ chủ trương xã hội hóa, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp. Theo các quy định của Luật Viên chức, Nghị định của Chính phủ, đặc biệt Nghị quyết của Trung ương đã tạo sự “ra vào” giữa khối khu vực công với tư.
Còn nguyên nhân chủ quan là chế độ chính sách tiền lương còn rất nhiều khó khăn trong khu vực công, so với nhu cầu cuộc sống vẫn chưa theo kịp, và công tác quy hoạch - đặc biệt là quy hoạch đội ngũ chuyên gia chưa làm tốt, trong khi người có kiến thức, chuyên môn, năng lực giỏi thì khu vực tư có nhiều chính sách thu hút.
“Môi trường làm việc, điều kiện làm việc một số thời điểm trong khu vực công cũng chưa thực sự hấp dẫn, chưa thực sự tạo ra cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức phát huy tốt năng lực của mình" - ông Thăng nêu.
Đó là giải thích của đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ khi nói về việc cán bộ công chức, viên chức rời bỏ cơ quan nhà nước đang khiến xã hội âu lo. Vì trong hình dung của đại bộ phận người dân thì được trở thành “người nhà nước” là một vinh dự, cuộc sống ổn định lâu dài, con cái có “lí lịch đẹp”. Vì vậy, rất nhiều người biết rằng làm “người nhà nước” dù thu nhập thấp hơn làm cho các doanh nghiệp bên ngoài, doanh nghiệp nước ngoài nhưng vẫn tốt hơn.
Đó là cách nghĩ “truyền thống”, còn khi xã hội phát triển, các loại hình kinh tế mở rộng, cánh cửa vào đời đối với người trẻ rộng rãi thì thành “người nhà nước” cũng chỉ là công việc được ưu tiên lựa chọn, chứ không phải là tất cả. Thời gian qua, trải qua hơn hai năm rưỡi chống chọi với dịch Covid-19, thị trường lao động đã thay đổi mạnh, cũng có thể nói là biến động. Tới nay, không chỉ cơ quan nhà nước “báo động” về nhân sự mà cả các doanh nghiệp cũng phải tìm cách thu hút lao động, nhất là lao động có tay nghề, giới chuyên gia. Điều đó cho thấy xã hội đã có bước tiến dài về lao động, điều này có thể khiến không ít người lo lắng vì khác với suy nghĩ cố hữu.
Trở lại với việc gần 40.000 cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc trong vòng 2 năm rưỡi qua, đó là điều cần phải được xem xét, nghiên cứu kỹ để tìm ra thật đúng nguyên nhân, vì có thể nói đây là lần đầu tiên có “làn sóng người nhà nước” nghỉ việc, chuyển việc nhiều đến vậy. Có thể yên tâm phần nào vì thị trường lao động rộng mở, nhưng không thể yên tâm khi những người đã chọn lựa vào cơ quan nhà nước nay lại “rẽ bước sang ngang”. Vì rằng vào được cơ quan nhà nước không dễ, nên trước khi chia tay họ đã phải cần nhắc rất nhiều.
Lý giải nguyên nhân không đúng sẽ không giải quyết được vấn đề. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải nhìn thẳng vào thực tế đó là thu nhập của công chức, viên chức quá thấp so với thu nhập họ sẽ được hưởng nếu làm với doanh nghiệp bên ngoài, trong khi việc đóng bảo hiểm xã hội và tiền lương hưu vẫn được bảo đảm. Việc thứ hai cũng rất quan trọng đó là môi trường làm việc trong không ít cơ quan nhà nước khá phức tạp, sự phát triển của cá nhân khó khăn cho dù có năng lực.
Để cán bộ công chức, viên chức yên tâm với công việc thì việc cải cách chế độ tiền lương phải đặt lên hàng đầu, có nghĩa là người lao động trong khối này phải sống được bằng lương, thu nhập hàng tháng của họ không quá chênh lệch so với khối tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cùng đó, muốn “sâu rễ bền gốc” thì phải thay đổi triệt để tư duy để xây dựng môi trường công việc lành mạnh, cơ hội phải chia đều cho tất cả mọi người.
Nếu không nhìn thẳng vào thực tế ấy thì việc “chảy máu chất xám” từ khu vực công sang khu vực tư sẽ vẫn còn diễn ra.