Hiện nay, theo thống kê của BV Nhi Trung ương, số bệnh nhi nhập viện do ho gà tại đây tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái với số lượng 13 bệnh nhi, nhiều cháu là trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Ảnh minh họa.
Bé Trần Quang A. (7 tháng tuổi), đến từ Hà Nội, nhập viện trong tình trạng sốt, ho rút lõm lồng ngực, mỗi lần ho tím tái. Tại một phòng khám tư, bé được chẩn đoán viêm tiểu phế quản và cho thuốc về nhà uống nhưng càng ngày tình trạng ho càng nặng.
Sau khi làm các xét nghiệm, trẻ phản ứng dương tính với trực khuẩn ho gà, siêu âm tim có tăng áp lực động mạch phổi nặng. Bệnh nhân nhanh chóng được hỗ trợ hô hấp, điều trị tăng áp phổi bằng các thuốc giãn mạch và hít khí NO. Theo gia đình cho biết, cháu mới chỉ được tiêm 1 mũi vaccine “5 trong 1”.
Đến từ Bắc Ninh, con chị Vũ Bích Hà cũng đang gặp hoàn cảnh tương tự. Cháu bị sốt cao, ho nhiều. Đi khám ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ cho biết cháu bị viêm phế quản. Sau điều trị 10 ngày bệnh không đỡ, nghi cháu mắc bệnh ho gà, vợ chồng chị hoang mang đưa con xuống thẳng BV Nhi Trung ương khám và điều trị. Kết quả, cháu bị ho gà. Đây cũng là trường hợp mới chỉ tiêm 1 mũi “5 trong 1” tại phường mặc dù trẻ đã được 15 tháng tuổi.
Theo BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương, từ đầu năm 2015 đến nay, BV này đã tiếp nhận 281 trường hợp ho gà trong khi các năm trước trung bình chỉ 120-130 ca. Trước kia, ho gà chỉ tập trung cao điểm vào mùa đông xuân nhưng năm nay rải rác kéo dài, số ca nhập viện đều đều từ 7-9 ca/tuần, rải rác từ khắp các địa phương như Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Phòng.
Số trẻ mắc chủ yếu ở độ tuổi từ 2 - 7 tháng, trong đó phần lớn do chưa được tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch. Các ca đang điều trị chủ yếu là bội nhiễm viêm phổi, không có ca nào biến chứng nặng, thường sau điều trị 1-2 tuần, bệnh nhi sẽ được xuất viện về nhà và theo dõi tiếp.
Để phòng tránh bệnh ho gà, ngoài việc cần tiêm phòng đầy đủ theo chỉ dịnh của ngành y tế, theo BS Lâm, việc cho trẻ bú sữa mẹ cũng rất quan trọng giúp trẻ phòng được bệnh ho gà trong tháng đầu đời. Nếu các bà mẹ đã mắc ho gà hoặc được ngừa vắc xin ho gà sẽ có kháng thể truyền cho con đến khoảng 1 tháng tuổi. Tuy nhiên hiện nay nhiều bà mẹ có tâm lý sợ ảnh hưởng đến sắc đẹp nên không muốn cho con bú sữa mẹ.
Đây là điều hết sức nguy hại, BS Lâm nhấn mạnh, vì bắt đầu từ tháng thứ 2, trẻ mới đến tuổi ngừa vaccine. Ngoài ra, khi trẻ bị ho nhưng không phát hiện ra bệnh, nhiều gia đình tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị cho con. Khi đó, các triệu chứng bị thuyên giảm, chẩn đoán khó khăn. Khi trẻ có biểu hiện ho cơn, ho sặc sụa tím tái, xuất tiết đờm dãi, nôn trớ dữ dội nhưng sau ho trẻ gần như trở lại bình thường thì cần nghĩ ngay đến ho gà và phải đưa ngay trẻ đến điều trị tại các BV.