Ứng cử viên đảng Dân chủ Bernie Sanders, đối thủ chính của bà Hillary Clinton, đã đánh bại bà ở bang Tây Virginia vào đêm bầu cứ hôm 10/5, qua đó vẫn tiếp tục giữ ý định sẽ theo đuổi cuộc chạy đua đến cùng.
Ảnh minh họa.
Về phía đảng Cộng hòa, ứng viên gần như nắm chắc phần thắng Donald Trump đã giành chiến thắng ở cả hai bang: Tây Virginia và Nebraska - khi mà các cử tri ngày càng đổ xô về phía tỷ phú New York này. Vậy kết quả trong đêm bầu cử vừa qua có ý nghĩa ra sao với những ứng viên tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng?
Tây Virginia không thích bà Clinton
Bà Clinton từng đánh bại đối thủ Barack Obama tại bang này hồi năm 2008, nhưng lại không thể chiến thắng một lần nữa trong đêm 10/5 vừa qua, khi bị đối thủ Bernie Sanders giữ khoảng cách rất xa. Theo các lá phiếu thăm dò, ông Sanders đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cử tri vốn quan tâm đến nền kinh tế Mỹ, và cử tri đến từ ngành công nghiệp than đá ở bang này.
Trước đây, trong một bài phát biểu hồi tháng Ba, bà Clinton cũng từng mắc lỗi khi nói rằng bà muốn “muốn cho hàng loạt các công ty than đá và các thợ mỏ nghỉ việc” và phát ngôn này dường như đã có hậu quả.
Theo các lá phiếu thăm dò, giới cử tri ở Tây Virginia được xem là nghiêng về tư tưởng bảo thủ hơn hẳn so với các bang bầu cử trước đó. Gần 40% cử tri Dân chủ ở bang này nói rằng họ muốn có một vị Tổng thống mới “ít tự do” hơn ông Obama. Trong số này, lại có đến 62% cử tri ủng hộ ông Sanders hơn là bà Clinton.
Nhưng đó chỉ là xét về phía đảng Dân chủ, còn nếu xét về tổng quan cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, có đến 1/3 số cử tri Dân chủ ở bang này nói rằng họ sẽ ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump khi ông tham dự cuộc tổng tuyển cử giành chức Tổng thống trong tháng 11 tới.
Tín hiệu cảnh báo
Thất bại vừa qua là một tín hiệu cảnh báo đối với bà Clinton vì nó mang ý nghĩa nhiều hơn là việc để mất lòng các cử tri làm việc trong ngành công nghiệp than đá tại Tây Virginia. Nó cho thấy những thách thức mà bà phải đối mặt trong viễn cảnh mà bà đại diện cho đảng Dân chủ tranh cử chức Tổng thống.
Dù rằng Tây Virginia là một bang bảo thủ hơn mức bình thường đối với một ứng viên đảng Dân chủ, nhưng bà Clinton cần phải chuẩn bị tốt hơn cho việc này bởi sắp tới bà sẽ còn phải thu hút các cử tri còn bảo thủ hơn ở các bang như Michigan và Ohio mới có thể đánh bại đối thủ Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Bà Clinton từng mong muốn tập trung hơn vào việc đoàn kết lại đảng Dân chủ, nhưng nhiệm vụ này gần như là bất khả thi trong bối cảnh hiện nay, khi bà liên tiếp để thua đối thủ Sanders trong các vòng bỏ phiếu kín.
Được biết bang Tây Virginia chỉ có 29 đại biểu Dân chủ trong cuộc bầu cử hôm 10/5, con số rất nhỏ so với tổng số hơn 900 đại biểu còn lại để các ứng viên tranh giành từ nay cho đến hết tháng 7 tới. Và dù có chiến thắng ở bang này, thì ông Sanders vẫn chỉ có một bước tiến nhỏ để rút ngắn khoảng cách với bà Clinton.
Sau đêm thứ Ba vừa qua, ông Sanders vẫn cần phải thu hút được một số lượng lớn đại biểu cam kết trong các cuộc bỏ phiếu còn lại mới mong đuổi kịp bà Clinton. Điều này gần như không tưởng bởi ông phải thu hút được 2/3 số đại biểu cam kết còn lại. Đó là chưa kể ông còn phải lôi kéo các siêu đại biểu từ phía bà Clinton về mình mới có thể đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống.
Đảng Cộng hòa vẫn chia rẽ
Về phía đảng Cộng hòa, Donald Trump đã dễ dàng chiếm được bang Tây Virginia và Nebraska mà không có bất cứ một phản ứng nào từ phong trào chống lại ông mang tên “Ngăn chặn Trump”. Dù đối thủ Ted Cruz giành được gần 19% số phiếu ở Nebraska, Trump vẫn chiến thắng áp đảo và được các chính trị gia có tiếng của đảng Cộng hòa đánh giá là có tiềm năng chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới.
Nhưng sự ủng hộ giành cho Trump không có nghĩa là đảng Cộng hòa đã đoàn kết lại. Các cuộc thăm dò cho thấy có đến 58% thành viên đảng Cộng hòa ở bang Tây Virginia cho rằng họ vẫn cảm thấy đảng mình đang bị chia rẽ nhưng sẽ đoàn kết lại vào tháng 11 tới. 30% tin rằng đảng Cộng hòa vẫn sẽ tiếp tục chia rẽ.
Ở Nebraska, các cử tri cũng bất đồng ý kiến, với một nửa cho rằng đảng Cộng hòa sẽ đoàn kết lại và nửa còn lại cho rằng đảng này vẫn sẽ chia rẽ lâu dài. Tuy nhiên, đại đa số cử tri phía đảng Cộng hòa đều cho rằng Trump có thể đánh bại bà Clinton trong cuộc tổng tuyển cử. Trong khi đó, gần 1/5 số cử tri tại bang này nói rằng họ sẽ không bỏ phiếu cho cả hai.