Bay đến những phương trời xa

Minh Thúy 06/09/2023 10:00

Hôm qua, ngày 5/9, hơn 22 triệu học sinh cả nước tưng bừng bước vào năm học mới. Năm học với nhiều kỳ vọng đổi mới. Năm học theo tinh thần “ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên”. Năm học đối với các em “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Trong không khí hân hoan, phấn khởi của ngày khai trường, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đánh hồi trống chính thức khai giảng năm học mới tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai. Liên tục 12 năm liền, Trường có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT; 85% học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, trong đó 40% được tuyển thẳng. Từ “mái nhà chung” ấm áp này, hàng nghìn học sinh con em đồng bào các dân tộc Bahnar, Jrai, Thái, Nùng, Tày, Ê Đê, Xơ Đăng... đã trưởng thành.

Phát biểu tại lễ khai giảng, Chủ tịch nước chỉ rõ, việc thành lập hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú nói riêng và coi trọng giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số nói chung là một chủ trương thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta. Đối với vùng sâu, vùng xa, con em đồng bào dân tộc thiểu số, giáo dục và đào tạo là con đường tốt nhất thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm chủ vận mệnh, làm chủ cuộc đời trong tương lai. “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là làm sao để phát triển được cá tính độc đáo và sáng tạo trong mỗi em, để mỗi em có thể khám phá ra năng lực thực sự của bản thân mình, năng khiếu và mục tiêu hướng tới trong cuộc đời để phấn đấu, rèn luyện" - Chủ tịch nước nói.

Căn dặn của Chủ tịch nước với giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai cũng là lời nhắn nhủ đối với ngành Giáo dục, với đội ngũ giáo viên cả nước.

Nhiều năm qua, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú tại nhiều địa phương trong cả nước đã hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy chữ - dạy người. Hiện cả nước có 308 trường phổ thông dân tộc nội trú với hơn 88.000 học sinh các dân tộc theo học.

Để con em đồng bào dân tộc thiểu số tại những vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn có điều kiện vươn lên, thì học tập chính là nền tảng vững chắc. Việc phủ kín hệ thống trường học ở vùng núi cao, vùng xa xôi là chủ trương và cũng là quyết tâm lớn lao của Đảng, Nhà nước, bền bỉ, kiên trì thực hiện đã nhiều chục năm. Cùng với đó, để duy trì, phát triển, nâng cao chất lượng dạy và học, có công lao rất lớn của các thầy cô giáo. Họ là những anh hùng vô danh, được ví là những người gieo chữ trên đá, nhiều người đã hiến cả cuộc đời cho những vùng đất khó.

Sự tận tụy của các thầy cô giáo được đền đáp bằng sự trưởng thành của học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số. Tới nay, vùng cao, vùng sâu vùng xa không còn đói cơm thiếu áo và vô cùng đáng quý hơn là không thiếu chữ. Kiến thức các em học được ở những ngôi trường thấm đẫm tình người là hành trang để các em vào đời, vươn lên trong cuộc sống, góp sức mình xây dựng quê hương.

Trong cuộc đời mỗi một con người, kỷ niệm về ngày khai giảng rất sâu đậm. Kỷ niệm về thầy cô, bè bạn chan chứa yêu thương. Bầy chim non rồi sẽ lớn, sẽ vỗ cánh tung bay vào bầu trời bao la, bay đến những phương trời xa, rộng mở. Trong đó, có những bầy chim tung bay từ núi rừng làng bản xa xôi vì đã được thầy cô chắp cánh. Đôi cánh tuyệt vời của kiến thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bay đến những phương trời xa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO