Trong năm 2020, những chuyến bay đón người Việt hồi hương từ nước ngoài - nơi các vùng dịch Covid-19 hoành hành chắc chắn sẽ đi vào lịch sử của ngành hàng không và mãi mãi ghi trong ký ức của những người con xa quê hương may mắn được trở về trong vòng tay của “Mẹ” Việt Nam.
Còn nhớ, chuyến bay đầu tiên mang số hiệu VN68 hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh vào 5 giờ 4 phút ngày 10/2/2020, hàng triệu trái tim mừng vui, nhiều giọt nước mắt đã rơi vì xúc động. Đây là chuyến bay giải cứu đưa 30 công dân Việt Nam, trong đó có 1 sản phụ từ tâm dịch ở Vũ Hán (Trung Quốc) trở về.
Chuyến bay đặc biệt này có 15 người của phi hành đoàn và 3 nhân viên y tế. Tiếp viên trưởng Phạm Hải Bằng chia sẻ: “Tôi không nhớ rõ cảm xúc khi ấy ra sao bởi diễn biến tâm trạng thay đổi liên tục. Nhưng với 30 người bao gồm cả du học sinh cùng người nhà, công dân Việt sang Vũ Hán du lịch và thăm người thân bị mắc kẹt, dù ai cũng đeo khẩu trang kín mít nhưng niềm vui đều hiện rõ trên đôi mắt mỗi người”.
Cũng trên chuyến bay trở về từ Vũ Hán, có một sản phụ 36 tuần thai trên chuyến bay. Vì vậy, đoàn VNA và các bác sĩ đã chuẩn bị phương án phòng khi sản phụ sinh trên máy bay. Các phương án được tính toán kỹ lưỡng từ việc sinh ở khu vực nào, chuẩn bị đồ đạc ra sao, rồi thì chuyến bay nếu bắt buộc phải dirvert (chuyển hướng) thì như thế nào... Nhưng rất may là các phương án đó đã không phải dùng đến.
Nói như cơ trưởng Phùng Thiên Quân: Điều ấn tượng nhất đối với tôi trong chuyến bay này là sứ mệnh vận chuyển những công dân Việt Nam đang ở trong vùng dịch trở về với quê hương. Đó là một nghĩa vụ thiêng liêng, nhưng cũng rất thân thương và gần gũi, bởi đó là những người đồng bào của mình.
Một chuyến bay đặc biệt không kém, vào lúc 18 giờ 44 phút ngày 8/5, máy bay Boeing 787-10 mang số hiệu VN1 của hãng hàng không Vietnam Airlines chở 343 hành khách Việt Nam khởi hành từ Mỹ đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Đây là lần đầu tiên hãng hàng không của Việt Nam thực hiện một chuyến bay thẳng từ Mỹ. Chuyến bay này còn mang sứ mệnh “giải cứu” người Việt mắc kẹt tại vùng dịch Covid-19 lớn nhất thế giới.
Hành khách trên chuyến bay đa phần là các du học sinh, trẻ em dưới 18 tuổi (trong đó có trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi), người cao tuổi và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người đi công tác, du lịch đã hết thời hạn lưu trú tại Mỹ, được các cơ quan ngoại giao hỗ trợ đưa về nước. Hành khách đã được kiểm tra y tế trước khi lên chuyến bay, đồng thời đeo khẩu trang y tế trong suốt hành trình.
“Khi máy bay của Vietnam Airlines hạ cánh xuống sân bay Bata, những công nhân của Việt Nam cả đêm không ngủ đã nhảy lên vui sướng, và tin đó là sự thật, sự kỳ diệu giống như có phép màu... Nơi đây không biết hơn 200 công nhân Việt Nam đã ngóng chờ từng phút chiếc máy bay màu xanh có lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên bầu trời Guinea Xích Đạo, họ thở phào nhẹ nhõm, vẫy tay chào từ xa với nét mặt vui tươi và tràn đầy hy vọng như cố xua đi những mệt mỏi, những triệu chứng của căn bệnh Covid-19 như sốt ho khó thở đang siết lấy họ…”.
(Trích nhật ký của tiếp viên trưởng Phạm Xuân Trường trong chuyến bay đến Guinea Xích đạo)
Trước đó, chuyến bay chiều đi, cũng mang số hiệu VN1, hành trình Hà Nội - San Francisco đã chở theo công dân Hoa Kỳ hồi hương. Chuyến bay này còn hỗ trợ vận chuyến miễn cước trang bị y tế do các đơn vị trong nước ủng hộ, gửi tặng cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Một chuyến bay có lẽ được coi là lịch sử của ngành hàng không, đó là chuyến bay mang số hiệu VN06 từ Guinea Xích đạo đón 219 lao động người Việt trở về Tổ quốc, trong đó hơn 100 người có biểu hiện nhiễm Covid-19.
Trải qua 13 giờ bay liên tục, biết bao nhiêu áp lực. Cơ trưởng Phạm Đình Hưng cho biết: “Chuyến bay lần này không giống như những chuyến bay hồi hương thông thường, bởi vì có nhiều hành khách được xác định dương tính với Covid-19. Điều chúng tôi lo lắng nhất chính là sức khoẻ của hành khách trên suốt chuyến bay, lo ngại có những diễn biến xấu có thể xảy ra với bệnh nhân khi đang trong hành trình.
Để đảm bảo an toàn cho hành khách trong cả một hành trình dài và đặc biệt là hạn chế sự lây nhiễm thực sự là một thách thức vô cùng lớn”.
Tiếp viên Trương Anh Tú chia sẻ: “Ngay khi nhận được thông tin về chuyến bay, tôi cảm nhận đây là mệnh lệnh từ trái tim. Càng bất ngờ và vui mừng hơn nữa, khi biết rằng, tôi cùng 7 tiếp viên khác được lựa chọn từ hàng trăm tình nguyện viên của đoàn tiếp viên. Rất nhiều bạn bè và người thân tỏ ra lo lắng khi biết tôi sẽ tham gia chuyến bay này bởi sự nguy hiểm và căng thẳng. Nhưng bản thân tôi luôn tâm niệm, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”.
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, một trong 4 y, bác sĩ xung phong đi đón công dân từ Guinea Xích đạo kể: “Trong không gian hẹp và gần như không có thông khí của máy bay, số lượng người dương tính lại nhiều nên nồng độ đậm đặc của virus trong không khí cao, nguy cơ lây nhiễm bệnh là rất lớn... Nhưng 4 anh em trong đoàn cũng đã sẵn sàng cho tình huống xấu hơn xảy ra”.
Và thời khắc 15 giờ 10 phút chiều ngày 29/7/2020 chắc hẳn không bao giờ quên đối với phi hành đoàn và tất cả những người có mặt trên chuyến bay. Bởi khi nghe tiếng lốp máy bay chạm đất, những tiếng reo hò vang lên: “Sống rồi anh em ơi, về nhà rồi!”
Với hãng hàng không Vietjet đầu tháng 7/2020, chuyến bay giải cứu đặc biệt nhất của Vietjet đã bay đến 2 quốc gia Nam Á là Sri Lanka và Bangladesh để đón hơn 200 người Việt Nam bị mắc kẹt tại Sri Lanka, Bangladesh, Nepal và Maldives về nước. Công dân trên chuyến bay gồm trẻ em dưới 18 tuổi, du học sinh đã hoàn thành chương trình học, tăng ni, phật tử buộc phải về nước do các trường thiền đóng cửa, người đi du lịch bị kẹt lại và người lao động đã kết thúc hợp đồng lao động.
Một trong những chuyến bay để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tâm trí các thành viên tổ bay giải cứu phải kể đến chuyến bay từ Đài Loan (Trung Quốc) về nước với 230 hành khách nhưng có hơn 135 hành khách là phụ nữ mang thai. Kỹ sư bảo dưỡng tàu bay Phạm Trung Tín, người tham gia chuyến bay rất bất ngờ khi thấy những vị khách đặc biệt như vậy trên chuyến bay. “Đây đúng là chuyến bay chào đón công dân tương lai mà chúng tôi vinh dự được thực hiện”, anh Tín chia sẻ.