Hôm qua, bố đón con về có truyền đạt lại lời cô giáo nhắc nhở “con vẫn hay nói trống không”. Khổ, ngay từ khi con bập bẹ nói những từ đầu tiên thôi, tôi đã rất chú ý nhắc nhở uốn nắn để con nói đầy đủ lễ phép rồi.
Ảnh minh họa.
Đến nay, cái sự nghiệp nói của con đã ngót nghét 3 năm thật không đếm xuể những lần nhắc con cái tật đó. Nói không ngoa, chỉ cần nghe con nói trống không thì hầu như 100% mẹ đều nhắc.
Hồi đầu, mẹ nghĩ con chưa giỏi nên tập trung vào nói ý chính. Cứ thường xuyên nhắc nhở dần dần, con sẽ nói lễ phép hơn. Nhưng hôm nay con đã hơn 4 tuổi rồi thì thực sự nhắc nhở dường như là vô ích.
Bố: Cô giáo nhắc con vẫn hay nói trống không lắm.
Mẹ: Con lại đây mẹ ôm nào, nói trống không mẹ nghe chẳng tình cảm chút nào. Nói đầy đủ chủ ngữ không chỉ làm cho câu nói dễ hiểu hơn, bố mẹ cũng biết được con đang nói chuyện với ai, mà còn làm cho người nghe thấy thật tình cảm, thấy được yêu thương và tôn trọng con ạ.
- Con: Mẹ ơi nếu con lớn hơn mẹ thì con nói trống không được ạ.
Tôi chợt giật mình. Sao lớn hơn lại được phép nói trống không? Liệu có đôi lúc vì vội vàng hay chưa đủ bình tĩnh, tôi đã nói trống không với con để rồi nó mặc định là lớn hơn được phép nói trống không?
Nếu con vẫn nghe thấy những câu nói trống không thì liệu có cách nào để nó có thể quen với cách nói “không trống không” đây? Muốn thay đổi uốn nắn người khác phải thay đổi mình trước đã.
- Mẹ: À! Người lớn tuổi hơn cũng không nên nói trống không đâu chỉ không nói ạ vâng thôi. Nếu nói trống không cũng không rõ ràng và chẳng tình cảm chút nào, nghe cảm giác như bị ra lệnh ấy, mà chẳng ai thích ra lệnh tí nào. Nếu con nghe thấy mẹ nói trống không con nhắc nhở mẹ nhé. Chúng ta thử nhé. Nếu mẹ nói “Muộn rồi, đi tắm đi thôi”, con sẽ bảo mẹ là “Mẹ đừng nói thế con buồn, mẹ nói là “Con ơi, muộn rồi đi tắm thôi kẻo tắm muộn dễ ốm đấy”, được không nào. Bây giờ thử nhé: “Đã ăn thì phải ăn hết không được bỏ dở” (thấy con cầm miếng dưa hấu)
- Con: Mẹ đừng nói thế con buồn! Mẹ nói là “Con giai yêu ơi, con đă ăn thì phải ăn hết không thì lãng phí nhé!”.
Tôi há hốc mồm. Con đã sửa một câu quá hoàn hảo. Con thay chủ ngữ một cách hoàn hảo. Con giải thích hậu quả xảy ra một cách hoàn hảo và một câu nói dạt dào cảm xúc hoàn hảo.
Cứ như vậy cả Bố, Mẹ, Con chơi trò sửa câu từ cho con suốt buổi tối. Tôi không biết điều này có hiệu quả với con không nhưng với việc sửa đổi chính tôi thì thật hiệu quả và nên làm.
Kết hợp với việc dạy lễ nghĩa thì đây cũng là một cách học sửa câu chữ tiếng Việt khá hấp dẫn và thấm nhuần một cách tự nhiên, một hoạt động gắn kết tình cảm gia đình nữa đấy.
Còn nhiều mối quan hệ, nhiều nút thắt nữa tôi tin không hẳn nó xấu vì chỉ nó xấu còn mình thì tốt đẹp. Từ con, tôi cũng sẽ học hỏi hơn nữa để hoàn thiện mình. Cám ơn con đã phản chiếu lên những điều chưa tốt ở mẹ để mẹ có thể dễ dàng nhận ra. Thời gian trên lớp mẹ cháu nhờ cô giáo giúp con hiểu thêm nữa nhé!