Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Khi thành phố xin để lại nhiều hơn từ 18% lên 24% thì sau một nhiệm kỳ 5 năm, phần nộp trung ương sẽ nhiều hơn so với hiện nay”.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên bế mạc Hội nghị Thành ủy TP HCM lần thứ 42 diễn ra ngày 8/7, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM một lần nữa chia sẻ và bày tỏ Trung ương xem xét, thông qua đề án về tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố trong giai đoạn 2021-2030.
Hiện nay, tỷ lệ ngân sách để lại cho TP HCM là quá thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Cách đây 3 năm, thành phố đã báo cáo Bộ Chính trị và đã cho phép thành phố đề xuất điều chỉnh lại tỷ lệ điều tiết để trung ương xem xét, quyết định.
Thời gian tới, lãnh đạo TP HCM sẽ có buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố nêu trên. Trước đó, trong hai ngày làm việc (7, 8/7), Hội nghị đã cho ý kiến, cũng như thảo luận, làm rõ phương hướng, nhiệm vụ trong năm cuối của nhiệm kỳ 2015-2020.
Trong 7 nội dung tập trung vào những vấn đề lớn về phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM, các ý kiến đồng ý về việc cần có sự tái đầu tư, đề nghị trung ương bổ sung phần ngân sách giữ lại tương xứng hơn với vai trò, vị trí đầu tàu kinh tế của TP HCM đối với cả nước trong giai đoạn hiện nay.
Theo phân tích, trong giai đoạn 1996-2000, kinh tế thành phố chiếm bình quân 17% kinh tế cả nước. Giai đoạn 2001-2010, con số này đã tăng gấp 31 lần và giai đoạn 2011-2019 tăng đến gấp 35 lần.
Dù vậy, tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại liên tục giảm, từ 33% (năm 2000) đã giảm còn 18% (giai đoạn 2017-2020). Trong cùng các giai đoạn này, tỷ lệ ngân sách để lại cho Hà Nội tăng từ 30% lên 35%; Hải Phòng để lại từ 100% còn 78%, nhưng vẫn ở mức cao hơn nhiều lần so với TP HCM.
Thông tin thêm về nguyện vọng tỷ lệ ngân sách thành phố xin giữ lại, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc: “Khi thành phố xin để lại nhiều hơn từ 18% lên 24% thì sau một nhiệm kỳ 5 năm, phần nộp trung ương sẽ nhiều hơn so với hiện nay”.
Cụ thể, nếu để lại cho TP HCM trong 5 năm (2021-2025) tỷ lệ ngân sách giữ lại là 24% và năm năm tiếp theo (2026-2030) là 28% (so với phương án vẫn giữ 18% hiện nay) thì trong 10 năm tới, TP HCM quyết tâm và cam kết phần nộp trung ương sẽ tăng thêm 345.000 tỷ đồng (tương đương 18,4 tỷ USD), đồng thời ngân sách TP HCM sử dụng cũng phải được tăng thêm tương xứng, vào khoảng 390.000 tỷ đồng.
Ngoài vấn đề trên, về 7 chương trình đột phá, Hội nghị cũng đã thảo luận và đóng góp ý kiến vào nhiều lĩnh vực thiết yếu phục vụ người dân thời gian qua, như giao thông, cấp thoát nước, môi trường.
Trong đó, đánh giá chất lượng cuộc sống người dân đối với các dịch vụ/lĩnh vực này được cải thiện tích cực ở mức độ nào;…
Đối với các vấn đề kẹt xe và úng ngập của thành phố, được các đại biểu nghiêm túc đánh giá, góp ý cho các mục tiêu, kế hoạch dài hơi của thành phố. Hiện nay, các thách thức từ biến đổi khí hậu, kể cả sự phát triển của hạ tầng đô thị, nhưng cũng kèm theo nguy cơ ngập nước ngày càng tăng; tình hình ngập tại các điểm ngập, tuyến đường chính được cải thiện tốt hơn nhưng còn bị động.
Trong bối cảnh 5 năm, dân số TP HCM lại tăng thêm 1 triệu người, các ý kiến cũng đóng góp vào quy hoạch tổng thể đối với giảm ùn tắc giao thông và chống ngập nước trên địa bàn.