Bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Kỳ họp của sự đổi mới

M.Loan - H.Vũ 12/01/2022 00:10

Chiều 11/1, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV chính thức bế mạc. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Kỳ họp bất thường lần thứ nhất với nhiều nội dung hết sức quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên bế mạc. Ảnh: Quang Vinh

Dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, nhân dân

Trong ngày làm việc cuối cùng, với đa số phiếu thuận, Quốc hội đã biểu quyết thông qua: Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; và Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Đây là kỳ họp rất đặc biệt để quyết định những vấn đề cũng rất đặc biệt, rất cấp bách để đáp ứng kịp thời đòi hỏi thực tế của đất nước và mong đợi của nhân dân trong tình hình đại dịch Covid-19 vừa qua tác động mạnh mẽ và toàn diện đến đời sống, kinh tế, xã hội ở nước ta.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Kỳ họp bất thường lần thứ nhất với nhiều nội dung hết sức quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Tác động của đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới.

Trước tình hình đó, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội cần phải có các quyết sách kịp thời nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của nhân dân.

Đánh giá về kết quả của kỳ họp bất thường lần thứ nhất, đại biểu Hoàng Anh Công - Phó trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, Kỳ họp lần này đã thành công rất tốt đẹp.

Theo ông Công: Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội ngoài họp thường kỳ thì có quyền xem xét, quyết định những nội dung để có thể tổ chức những kỳ họp bất thường.

Trong trường hợp đất nước gặp khó khăn, thì ngay lập tức Quốc hội đã có những quyết sách khẩn trương, đi vào cuộc sống nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc.

Đó chính là sự sáng suốt của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong việc quyết định tổ chức kỳ họp lần này. Bên cạnh đó là sự nỗ lực lớn của các bộ, ngành các cơ quan thẩm tra. Thành công của kỳ họp ngoài gần 500 đại biểu Quốc hội thì phía sau là cả bộ máy hàng nghìn người dốc lực để hoàn thành tốt công tác phục vụ cho kỳ họp”- ông Công nói.

Theo đánh giá của đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai), việc Quốc hội tiến hành kỳ họp bất thường trong bối cảnh hiện nay cho thấy tinh thần đổi mới không ngừng trong phương thức hoạt động của Quốc hội nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn; thể hiện sự chủ động, linh hoạt thích ứng trong điều kiện “bình thường mới”, tinh thần trách nhiệm của Quốc hội trước sự phát triển của đất nước, trước cử tri và nhân dân.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại phiên bế mạc.

Làm rõ trách nhiệm vụ công ty Việt Á

Trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh: Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV để thể chế hóa Kết luận của Bộ Chính trị về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023) và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội.

“Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung lực lượng, khẩn trương, quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, thông tin, tuyên truyền, khen thưởng, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm và việc mua bán kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; không có vùng cấm, không có ngoại lệ” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Để các nghị quyết của kỳ họp bất thường lần thứ nhất đi vào cuộc sống, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, ngay sau kỳ họp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các luật, nghị quyết vừa được thông qua sớm phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống, khắc phục tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”.

Theo đánh giá của đại biểu Chu Hồi (đoàn Hải Phòng), đây là kỳ họp rất đặc biệt để quyết định những vấn đề cũng rất đặc biệt, rất cấp bách để đáp ứng kịp thời đòi hỏi thực tế của đất nước và mong đợi của nhân dân trong tình hình đại dịch Covid-19 vừa qua tác động mạnh mẽ và toàn diện đến đời sống, kinh tế, xã hội ở nước ta.

“Tôi tin rằng những quyết sách Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường này sẽ sớm đi vào cuộc sống, sẽ được thẩm thấu, tháo gỡ các nút thắt cho khu vực kinh tế tư nhân đóng góp thực chất hơn và tạo “cú hích” để tiếp tục thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid và phục hồi nhanh chóng nền kinh tế, hỗ trợ thiết thực đời sống người lao động trong điều kiện bình thường mới. Và không chỉ giải quyết bài toán “tình thế”, mà còn hướng tới các vấn đề mang tầm chiến lược. Đây cũng là ý nghĩa “kép” của các quyết sách của Quốc hội trong kỳ họp này” - ông Hồi nói.

Cần triển khai quyết liệt, kịp thời, toàn diện

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Sau kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Chính phủ sẽ phải ban hành chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế. Kèm theo đó là chương trình chiến lược tổng thể về ứng phó và kiểm soát dịch Covid-19. Như vậy trong các văn kiện đã đề ra hàng loạt giải pháp và biện pháp.

Do đó trong thời gian tới việc tổ chức triển khai cần quyết liệt, kịp thời, toàn diện, và đầy đủ là điều vô cùng quan trọng. Giải pháp đã có nhưng khâu tổ chức triển khai vô cùng quan trọng.

Cho nên thời gian tới cần tập trung, triển khai đầy đủ kịp thời, toàn diện các giải pháp đã được Quốc hội thông qua. Làm được như vậy mới đóng góp cho phát triển kinh tế năm 2022 và giai đoạn sắp tới.

Tạo năng lượng mới cho doanh nghiệp

Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao sự đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ. Theo đó, kỳ họp đã giải quyết 4 vấn đề quan trọng trước đòi hỏi của thực tế đó là phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch. Trong khi nguồn lực Nhà nước còn chưa nhiều, nhưng phần nào về cơ bản các gói hỗ trợ đi vào cụ thể, gói an sinh xã hội, gói cho doanh nghiêp, gói cho tài khóa gói cho ngân hàng.

Với 4 vấn đề được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, trong đó Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được cộng đồng doanh nghiệp đang đón chào. Qua đó tạo cho họ năng lượng mới để tập trung làm ăn theo quy định của pháp luật, huy động được nhiều nguồn vốn hơn từ khâu: ngân hàng, tài khóa, ngân sách. Hiện doanh nghiệp đều đang trông chờ vào những nguồn đó.

Dù năm 2022 còn nhiều thách thức, dịch bệnh có thể tái diễn lại nhưng với những vấn đề được tháo gỡ tại kỳ họp bất thường lần này sẽ giúp doanh nghiệp nhà nước, và doanh nghiệp tư nhân tháo gỡ được nhiều khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Kỳ họp của sự đổi mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO