Không chỉ xuất phát từ nguyên nhân triều cường kết hợp mưa lớn tăng cường, tình trạng ngập nước “kinh niên” tại TPHCM còn xuất phát từ hệ thống thoát nước đã cũ kĩ, xuống cấp tại nhiều nơi. Trong khi đó, các dự án chống ngập cũng thi công ì ạch kéo dài...
Loay hoay giảm “điểm đen”
Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TPHCM thống kê, đến tháng 6/2022 TPHCM ghi nhận chỉ còn 15 điểm ngập lớn, trong đó ngập nặng nhất là ở các tuyến đường vùng trũng như Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), Phan Anh (quận Tân Phú), Bạch Đằng, Quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh), Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân), Bàu Cát (Tân Bình), Thảo Điền, Quang Trung, Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức).
Theo ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM, ngoài các điểm ngập lớn kể trên thì TPHCM còn khoảng 24 điểm ngập tức thời trong mưa nhưng nước sẽ rút nhanh. Hiện nay công tác chống ngập của TPHCM bắt đầu từ các nỗ lực giảm ngập, giảm “điểm đen” ngập úng, thực hiện song song với các dự án chống ngập quy mô lớn. Trong đó, công trình chống ngập có tổng vốn đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng đang được UBND TPHCM giao cho Công ty TNHH Trung Nam BT1547 đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) thực hiện. Dù vậy, qua nhiều năm triển khai (từ 2015) cho đến nay, siêu dự án chống ngập này vẫn dậm chân tại chỗ.
Ngoài việc còn nhiều “điểm đen” ngập nặng chưa thể xử lý, kèm theo các dự án chống ngập bế tắc, kéo dài, TPHCM còn phải đối mặt với việc phát sinh các điểm ngập mới do nhiều nguyên nhân.
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM cho biết, các cơ quan giám sát về công tác chống ngập của TPHCM đã nhiều lần đề nghị việc phải có giải pháp đối với tình trạng “điểm ngập cũ chưa xử lý hết, điểm ngập mới đã phát sinh thêm”. Tuy nhiên, cả cơ quan chống ngập và các quận, huyện đều trong tình trạng ứng phó bị động vào mỗi mùa mưa.
“Các cơ quan giám sát đã thị sát và phát hiện ra ngoài nguyên nhân ngập do triều, kết hợp mưa lớn tăng cường thì còn có các nguyên nhân chủ quan từ hệ thống hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, hệ thống thoát nước cũ từ nhiều thập niên trước nhưng chưa được cải tạo, thay mới” - ông Ninh cho biết.
Đồng quan điểm, kiến trúc sư Nguyễn Văn Biểu (TPHCM) chỉ ra, việc san lấp kênh rạch trái phép, chặn dòng chảy suốt nhiều năm không được kiểm soát đã khiến nhiều kênh thoát nước tự nhiên bị “bịt miệng”. Theo chuyên gia này, các hệ thống kênh rạch thoát nước tự nhiên trước đây có vai trò chủ lực để thoát nước cho TPHCM nên thành phố ít ngập như hiện nay.
Nhiều giải pháp nhưng hiệu quả thấp
Đó là vấn đề mà TPHCM đang đau đầu trong công tác chống ngập nước. Hiện nay, thành phố trông chờ nhiều vào siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng để sớm kiểm soát được tình trạng ngập do triều và ứng phó biến đổi khí hậu cho khu vực khoảng 6,5 triệu dân bờ hữu sông Sài Gòn và vùng trung tâm TPHCM. Tuy nhiên, dự án này đã trễ hẹn gần 5 năm trời do các vướng mắc kéo dài.
Do đó, trong ngắn hạn, UBND TPHCM vẫn phải chờ đợi kết quả từ các giải pháp giảm ngập, trong đó có việc nâng cấp hệ thống thoát nước, nhất là ưu tiên tại các tuyến đường giao thông huyết mạch.
Theo ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM, cải tạo hệ thống thoát nước là một trong những giải pháp cần thiết nhất. Bởi vì, trong lúc mưa lớn kết hợp với triều cường thì lưu lượng nước vượt mức quy định khiến hệ thống thoát nước cũ khó thoát kịp nước, dẫn đến ngập cục bộ.
Cũng theo ông Điệp, vừa qua Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật của Sở Xây dựng TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với ngập trước do mưa lớn. Trong đó, nhiều tuyến cống xuống cấp đã được duy tu, sửa chữa. Các vị trí cống xuống cấp cũng được nạo vét, thay mới miệng thu, nạo vét kênh rạch, cửa xả để tăng cường khả năng thoát nước. Ngoài ra, TPHCM cũng đang rà soát vận hành các van ngăn triều tại các cửa xả, đồng thời nỗ lực để vận hành tất cả các trạm bơm cố định để thoát nước trong cao điểm mùa mưa năm nay.
Liên quan đến các “rốn ngập” cũ đã được giải quyết nhưng tái ngập hoặc phát sinh thêm các điểm ngập mới (trước đây chưa ngập), nhiều chuyên gia cho rằng TPHCM cần phải có đánh giá với quá trình đô thị hóa “quá nóng” hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đô thị hóa nhanh, thậm chí ví von TPHCM như “đại công trường” của cả nước kéo theo những vấn đề về ngập nước và ô nhiễm môi trường.
Ngoài các bất cập kể trên, trong 10 năm TPHCM theo đuổi quy hoạch 103 hồ điều tiết chống ngập nhưng các dự án này vẫn nằm “trên giấy”. Hiện nay, sau nhiều năm thành phố mới chỉ mới xây dựng được 1 hồ điều tiết với quy mô cỡ vừa ở TP Thủ Đức, trong khi các giải pháp chống ngập dài hạn vẫn chưa thể phát huy tác dụng.