“Nghỉ hè” là hai từ để lại trong lòng tôi nhiều nỗi niềm xao xuyến.
Suốt nhiều năm tháng tuổi thơ, tôi chờ đợi ngày sân trường ngập tiếng ve râm ran đánh thức tán cây xanh đang ngủ say trong những trưa hè im vắng.
Đó là quãng thời gian chúng tôi được thỏa thích nô đùa, bày đủ trò để nghịch ngợm. Ba tháng trời ròng rã không phải dậy sớm đến trường, không phải làm bài tập về nhà, trống ngực không còn đập thình thịch lo cô giáo gọi lên bảng trả bài khi mà chưa làm bài tập.
Ngày mùa bận rộn, bố mẹ ra đồng suốt đến tối mịt mới trở về nên cũng có phần “buông lỏng quản lý”, chúng tôi được thoải mái rong chơi. Miễn làm sao trước khi bố mẹ trở về thì nhà cửa phải sạch sẽ, cơm canh đã nấu chín, gà lợn đã cho ăn và mình thì đã tắm gội sạch sẽ thì không sợ bị đánh đòn.
Xóm tôi hồi ấy rất đông trẻ con, nhà nào cũng có vài đứa nhầng nhầng cỡ như tôi nên vui lắm.
Hè sang, lũ ve kêu inh ỏi kéo bọn tôi ra khỏi giấc ngủ trưa để tìm bắt những con ve kêu to nhất, cánh dài nhất. Cả lũ kéo nhau rồng rắn ra bờ ao câu cá cờ về thả bể, lúc lại lội xuống ven bờ lấy đất thó mang lên làm pháo đất hay nặn thành hình trâu bò, gà lợn, rồng rắn…
Cái cầu ao xây từ những viên đá ong cũ kỹ ở đầu ngõ là nơi phải ra sớm thì mới chiếm được chỗ ngồi. Hết chơi ô ăn quan thì chơi nhảy dây, nhảy ngựa, chán đánh rải ranh thì đánh chuyền, đánh chắt… Chỗ này luôn mát rượi và mặt đất luôn đu đưa những đồng tiền vàng do ánh mặt trời phải xuyên qua tán lá tre rất dày mới xuống được. Vì nằm cạnh bờ nước nên lũy tre có những thân cây hình vòng cung cong vắt chạm xuống mặt ao tạo thành một hình ê lip đẹp đến mê hồn.
Trưa hè, mặt nước ao rực lên như một tấm gương lớn, lăn tăn gợn những đợt sóng vàng lấp lánh chạy dài bất tận lan mãi đi xa…
Tôi thích kiếm một chiếc mo nang để ngồi trên bậc đá ong, thả chân xuống làn nước mát rượi và nhìn ra những chiếc cọc tre đầy rêu dùng để cố định các bè rau hoặc chuồng bèo. Chỗ ấy thường có những con chuồn chuồn đỏ như trái ớt chín siêu đẹp đang ngủ say, cả những con chuồn chuồn ngô màu vàng nâu hiền lành và những con chuồn chuồn hổ dũng mãnh trên thân mình có đám sọc vằn trắng xen lẫn xanh thẫm rất ấn tượng nữa.
Những con chuồn chuồn có cặp mắt lồi to lớn, trong suốt như làm bằng thủy tinh, khi nhìn vào đấy có thể thấy bóng mình bé tí in trong đó. Nếu thấy đôi cánh cụp rũ xuống cũng đừng tưởng chúng đã ngủ say mà lội ra bắt, vì chỉ cần một tiếng khỏa nước rất khẽ là đôi cánh trong veo ấy lại nâng thân mình xinh đẹp kia bay lên như một chiếc máy bay tí hon.
Tôi ngồi đấy và ao ước mình có được một đôi cánh thiên thần như thế để bay lượn trên mặt nước lúc nào cũng lăn tăn gợn sóng rực sáng kia thì tuyệt vời biết mấy.
Thỉnh thoảng ở trên chiếc cọc tre tận mãi giữa ao, một con bói cá có bộ lông xanh biếc đứng im soi bóng xuống mặt nước như thể đã hóa đá. Nó yên lặng đậu ở đấy hàng giờ liền chỉ để chờ một con cá nhỏ nào đó vô tình bơi ngang qua. Và nhanh như chớp, nó lao mình cắm chiếc mỏ nhọn xuống mặt nước rồi cắp con cá bay vút lên, ngược về phía lũy tre. Vài giọt nước rớt xuống mặt ao, xao động một chút rồi lại tĩnh lặng như chưa bao giờ có con chim xanh xuất hiện ở đấy.
Mùa hè, gió nồm mát rượi thổi lồng lộng uốn cong cành tre nghĩa là mùa làm diều đã đến. Những đứa con trai thể hiện sự khéo léo bằng cách vót những thanh tre mỏng và uốn tạo hình cánh diều sao cho cân đối, bọn con gái thì dán giấy. Sau vài lần thử nghiệm chúng tôi cũng nhận ra dùng giấy thì con diều sẽ nặng hơn, khó bay cao mà lại mau rách, gặp gió mạnh một chút là rách như chơi. Dùng ni lông sẽ bền và nhẹ hơn, thậm chí có gặp trời mưa nhỏ cũng không sợ. Có lần con diều no gió “đòi dây” mà sợi dây mảnh dẻ đã thả hết, nó cứ căng lên như dây đàn làm cho nhịp tim của cả bọn phập phồng.
Lại có lần, trời nổi cơn giông, mây đen đã kéo đến vần vũ mà con diều mãi không “bàn” xuống được, cuối cùng nó bứt sợi dây bay đi rồi chao xuống phía cuối chân trời đầy gió. Vài giọt nước mắt sẽ lăn dài trên khuôn mặt cháy nắng và lại có những buổi trưa trốn ngủ ra bờ ao chặt trộm tre hí húi ngồi chẻ chẻ, vót vót…
Còn một trò chơi cũng không kém phần thú vị nữa là thi thổi bong bóng xà phòng. Thường thì trò này chỉ được chơi sau khi chúng tôi đã về nhà tắm gội sạch sẽ và mang quần áo ra cầu ao giặt giũ. Có xà phòng, có cuống rơm tươi những ngày mùa gặt là thể nào cũng có những cuộc thi bong bóng. Đứa nào thổi được bóng to, màu đẹp, bay cao và lâu bị vỡ luôn được tung hô ngưỡng mộ, tuy thế sự ngưỡng mộ này cũng tan nhanh như chính chiếc bong bóng nhiều màu sắc đấy.
Chính ở bờ ao này tôi và thằng Còi bạn cùng xóm đã xảy ra một cuộc cãi cọ nảy lửa. Chúng tôi suốt ngày đi chơi với nhau nhưng tính nó gan lì chứ không như tôi hay sợ và nhút nhát. Nó hay lội men theo bờ ao tìm hang bắt cua, mò tôm càng và tiện thể kiếm đất thó cho chúng tôi thi làm pháo đất.
Một lần nó bảo với tôi rằng có thể làm cho cục đất thó đang cầm trên tay nổi trên mặt nước. Tôi không tin nên nó thách thức tôi cá cược, nếu nó làm cho đất nổi được thì tôi sẽ mất cho nó một đồng xu. Ngược lại, nếu đất chìm thì tôi sẽ được món tiền đó. Tôi đi học và biết chắc rằng đất thó nặng hơn nước, đời nào nổi được nên dù chẳng có đồng xu nào trong túi thì vẫn cứ tự tin “cá độ”, nào ngờ nó lấy một chiếc lá khoai nước to đùng thả trên mặt nước rồi đặt cục đất lên.
Chiếc lá khoai nổi và đương nhiên cục đất nằm trên đó nên vẫn nổi phềnh. Nó bắt tôi trả tiền còn tôi không đời nào chịu vì cho rằng nó đã “chơi bẩn”, hai đứa sau một hồi cãi cọ “bất phân thắng bại”, nó đã đến tận nhà tôi đứng ngoài cổng réo lên đòi tiền.
Việc này không chỉ tố cáo tôi và nó chơi trò cá cược mà còn tố luôn việc hàng ngày chúng tôi trốn bố mẹ ra bờ ao nghịch ngợm. Hậu quả cả tôi và nó theo đúng nghĩa đen là rất “đau” và “buồn” nên bây giờ tôi không muốn nhắc lại ở đây làm gì nữa.
Câu chuyện xảy ra với thằng bạn hàng xóm đặt dấu chấm hết cho những buổi trưa hè lang thang ngoài bờ ao bêu nắng. Không còn những lúc rình bắt chuồn chuồn hay ngắm con chim xanh đứng im lìm trên cọc tre chờ cá, cũng chẳng còn những trò chơi bên bờ tre mát rượi nữa.
Chiếc roi mây trên cánh dại mà tôi luôn cho rằng bố mình chỉ để đấy dọa chơi thôi đã được lấy xuống. Mỗi buổi trưa, mẹ tôi đóng chặt cánh cổng gỗ bắt lên giường đi ngủ.
Tôi đã nghỉ không chơi với thằng Còi suốt một thời gian dài dù nó có mang cho tôi lá dừa làm chong chóng hay bắt cho tôi con chuồn chuồn ớt mà tôi hằng ao ước. Cây roi nhỏ quất vào đôi chân “hay đi” làm “con lươn” nổi ở đấy rất lâu, tôi cũng sợ quá những “con ma” mẹ kể hay “rủ” trẻ con xuống ao để dìm trong buổi trưa hè vắng vẻ.
Làn nước như tấm gương lớn sóng sánh những gợn vàng đẹp đẽ hóa ra đầy rẫy những hiểm nguy mà từ trước đến nay tôi không hề hay biết. Ở nhà, không đi bêu nắng ngoài bờ ao, tôi cũng được nghe nhiều câu chuyện rất hay trên radio, bắt đầu biết đọc những cuốn sách có sẵn trong tủ.
Sau này, câu chuyện đòi tiền và bị đánh đòn cũng dần dần quên lãng, tôi đã chơi lại với thằng Còi, nhưng những buổi trưa hè ngoài bờ ao chỉ còn là kỷ niệm vì chúng tôi cùng chung nỗi sợ “con ma” nấp dưới mặt nước.