Trong độ tuổi 30-69, năm 2002 có khoảng 2,3% mắc đái tháo đường, 10 năm sau tăng lên 5,4% và nay là 7,3%.
Nhiều người chủ quan
Kết quả điều tra mới nhất của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành là 7,1%, tức gần 5 triệu người.
BS Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương thông tin: Bệnh đái tháo đường ở Việt Nam gia tăng rất nhanh. Điều tra quốc gia trên quy mô toàn quốc ở lứa tuổi 30-69 tuổi, năm 2002 có khoảng 2,3% mắc đái tháo đường, 10 năm sau tăng lên 5,4% và theo kết quả điều tra mới nhất, hiện tỷ lệ này là 7,3%.
Số bệnh nhân đái tháo đường có thể còn cao hơn những số liệu nói trên, bởi rất nhiều người không khám sức khỏe định kỳ, chỉ đến khi bệnh chuyển nặng, buộc phải đến cơ sở y tế mới phát hiện ra.
Bộ Y tế ước tính, số bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường ở nước ta chỉ chiếm khoảng 35% tổng số ca mắc và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%. Đây cũng là nguyên nhân khiến rất nhiều người bệnh tới viện trong tình trạng đái tháo đường đã gây ra nhiều biến chứng, việc điều trị trở nên khó khăn.
BS Nguyễn Ngọc Thiện - Phó trưởng Khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương khuyến cáo: 5 - 7% số bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng loét bàn chân, có nguy cơ phải đoạn chi. Mặc dù vậy, đa số người bệnh chỉ đến khám khi bàn chân đã nhiễm trùng nặng hoặc hoại tử lan rộng, khi đó việc cứu bàn chân trở nên vô cùng khó khăn. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị xuất huyết võng mạc dẫn tới mù lòa, suy thận, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim.
Trong khi đó, không ít bác sĩ quan ngại về thực trạng nhiều trang mạng quảng cáo các loại thuốc điều trị đái tháo đường với nội dung chữa khỏi hoàn toàn, không dùng thuốc Tây, không insulin. Không ít người bệnh tin dùng các loại thuốc này, bệnh tình trở nặng, gây ra các biến chứng về mắt, thận, tim mạch, biến chứng bàn chân và nhiều biến chứng khác cực kỳ nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong.
Tự ý dùng thuốc, nguy cơ biến chứng cao
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam mắc đái tháo đường type 1, nhập viện trong tình trạng nhiễm toan ceton rất nặng, glucose máu tăng cao.
Bệnh nhân được điều trị đái tháo đường type 1 theo chương trình Quản lý đái tháo đường của Bệnh viện Bạch Mai, hiệu quả tốt, không gặp bất kỳ biến chứng nào.
Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị, bệnh nhân bỏ thuốc bác sĩ kê, tự ý mua thuốc trên mạng về uống. Chỉ sau 3 ngày dùng thuốc không rõ nguồn gốc, người bệnh thấy mệt mỏi, ý thức mơ màng, nhìn mờ, lượng máu thường xuyên cao hơn > 250 mg/dL khi đo bằng máy đo đường huyết cá nhân.
Trao đổi về ca bệnh này, BS Nguyễn Việt Hùng, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là những triệu chứng nhiễm toan ceton, cần nhập viện điều trị gấp. Nhiễm toan ceton là một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường vì có nguy cơ dẫn đến hôn mê, phù não và thậm chí tử vong.
BS Hùng cho hay, đến nay, chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn đái tháo đường như các cơ sở đang quảng cáo. Giai đoạn đầu bệnh nhẹ, sử dụng một số loại thuốc đông y có thể giúp giảm đường huyết. Khi người bệnh đến khám ở các phòng mạch và cơ sở khám chữa bệnh, thấy đường huyết ở ngưỡng bình thường và nghĩ rằng bệnh đã khỏi hẳn. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng. Người bệnh có lượng đường trong máu bình thường là do sử dụng thuốc – không phải vì bệnh đái tháo đường đã biến mất. Khi đó, họ cần tiếp tục sử dụng thuốc kết hợp với luyện tập và ăn uống hợp lý, nếu không glucose máu sẽ tăng trở lại.
Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh đái tháo đường cần tuân thủ các chế độ điều trị bao gồm chế độ sử dụng thuốc, chế độ ăn uống, thay đổi thói quen sống, kiểm soát đường huyết và khám sức khỏe định kỳ. Việc tuân thủ phác đồ điều trị là chìa khóa vàng để kiểm soát, sống chung với bệnh. Trong điều trị đái tháo đường lâu dài, hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào ý thức hợp tác, tự quản lý của người bệnh.
Người bệnh đái tháo đường sẽ khỏe mạnh nếu duy trì được lối sống khoa học, uống thuốc điều đặn, đặc biệt là biết lắng nghe cơ thể một cách cẩn trọng. Ngược lại sẽ dẫn tới nguy cơ mắc các biến chứng sớm, nguy hiểm đến tính mạng nếu không tuân thủ các chế độ điều trị.
Các chuyên gia y tế cho hay, đái tháo đường là bệnh lý chuyển hóa, mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết kéo dài, dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng cho các cơ quan trong cơ thể như tim, mạch máu, mắt, thận và thần kinh. Đây là nguyên nhân chính đưa đến tình trạng mù lòa, suy thận, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và đoạn chi.
Theo công bố của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2021, cả thế giới có 537 triệu người mắc đái tháo đường, cứ 10 người lớn độ tuổi 20 - 79 tuổi có một người mắc đái tháo đường; cứ 6 trẻ sinh ra có một trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường trong giai đoạn phát triển thai nhi. 50% số người trưởng thành mắc đái tháo đường không được chẩn đoán.