Quốc tế

Bệnh “hươu nai xác sống” và cảnh báo “thảm họa diễn biến chậm”

Bảo Thư 09/01/2024 08:28

Việc phát hiện ca đầu tiên của bệnh suy mòn mãn tính (CWD), hay còn gọi là bệnh “hươu nai xác sống” làm dấy lên quan ngại về nguy cơ dịch bệnh lây từ động vật sang người.

anh-bai-benh-xac-song.jpg
Trung tâm kiểm soát và dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo nguy cơ động vật có thể lây bệnh suy mòn mãn tính cho người. Nguồn: CDC.

Trung tâm kiểm soát và dịch bệnh Mỹ (CDC) đã xác nhận trường hợp đầu tiên của bệnh CWD ở Công viên quốc gia Yellowstone, dựa vào kết quả xét nghiệm trên xác một con hươu đực được tìm thấy ở khu vực công viên thuộc tiểu bang Wyoming.

Kết quả xét nghiệm mẫu sinh phẩm từ xác hươu cho thấy con vật mắc bệnh CWD trước khi chết. CWD là một dạng bệnh gây rối loạn thoái hóa não, không thể điều trị. Giới khoa học gọi CWD là bệnh "hươu nai xác sống", có thể dẫn đến những thay đổi ở não các hệ thống thần kinh của chủ thể nhiễm bệnh. Tờ Guardian dẫn nghiên cứu của CDC cho biết, con vật mắc bệnh sẽ bị sụt cân trong vòng 1 năm, đi đứng loạng choạng, mắt lờ đờ.

Theo các nhà khoa học Mỹ, CWD là một dạng rối loạn thần kinh tương tự như bệnh bò điên. "Đợt bùng dịch bò điên ở Anh cho thấy chỉ trong một đêm tình hình có thể chuyển biến đáng sợ đến mức nào, nếu như nó lây lan từ động vật sang người" - tiến sĩ Cory Anderson thuộc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và chính sách, Đại học Minnesota (Mỹ) nói và cho biết đáng ngại hơn nữa là hiện chưa có cách nào điều trị căn bệnh này một cách hiệu quả. Ông cũng lưu ý một khi môi trường sống bị lây nhiễm thì rất khó để loại trừ mầm bệnh khi nó có thể tồn tại dai dẳng nhiều năm trong đất hoặc trên các bề mặt.

Trong khi đó, Tổ chức Liên minh vì đời sống hoang dã công cộng (Mỹ) ước tính con người đã ăn thịt từ từ 7.000 - 15.000 động vật mắc CWD mỗi năm mà không biết. Con số này được cho gia tăng khoảng 20%/năm, kể từ năm 2017.

“Chính vì thế, không ai nói chắc điều gì sẽ xảy ra, nhưng quan trọng là con người phải chuẩn bị cho khả năng đó" - tiến sĩ Anderson cảnh báo.

Các chuyên gia y tế Mỹ và Anh mô tả căn bệnh CWD là “thảm họa diễn biến chậm” và sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu như nó phát tán trong môi trường tự nhiên. Nói như ông Thomas Roffe - cựu lãnh đạo Cơ quan Cá và Động vật hoang dã liên bang Mỹ, bệnh CWD nếu như không kiềm chế được đồng nghĩa với việc con người lại đối mặt với một loại dịch bệnh nguy hiểm.

Tuy nhiên, theo tổ chức Alliance for Public Wildlife, cho đến nay vẫn chưa ghi nhận trường hợp CWD lây sang người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh “hươu nai xác sống” và cảnh báo “thảm họa diễn biến chậm”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO