Thống kê cho thấy, tại Việt Nam, năm 2009 tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp là 25% nhưng năm 2016 đã tăng vọt lên 48% - một mức báo động đỏ trong thời điểm hiện tại. Hiện nay, trung bình cứ 10 người lớn có 4 người bị tăng huyết áp. Đặc biệt, theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng trẻ hóa.
Khi huyết áp đạt 140/90 mm Hg hoặc cao hơn thì được coi là huyết áp cao hay tăng huyết áp.
Những thông tin này được giáo sư Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam đưa ra tại hội nghị tăng huyết áp Việt Nam được tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Tăng huyết áp là một vấn đề thường gặp trong cộng đồng và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, dẫn đến cái chết của hàng triệu người mỗi năm. Tăng huyết áp đồng thời cũng là nguyên nhân gây suy tim và đột quỵ não, là nguyên nhân đứng thứ hai gây nhồi máu cơ tim cấp.
Huyết áp cao hay còn gọi là tăng huyết áp là nguyên nhân dẫn tới đột quỵ và đau tim. Khi huyết áp đạt 140/90 mm Hg hoặc cao hơn thì được coi là huyết áp cao hay tăng huyết áp. Hầu hết những người mắc tăng huyết áp đều không có bất cứ triệu chứng gì, nhưng tăng huyết áp được coi là “kẻ giết người thầm lặng”.
Về nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp, có nhiều yếu tố trong đó gồm hút thuốc lá, ít vận động cơ thể, dư thừa muối, uống nhiều rượu, béo phì, căng thẳng, di truyền và tuổi tác…
Theo giáo sư Nguyễn Lân Việt, trong số những người mắc bệnh tăng huyết áp thì tỷ lệ ở nam giới cao hơn (47%), trong khi nữ giới là 42%. Đặc biệt, ở những người tuổi càng cao thì tỷ lệ tăng huyết áp càng cao. Hiện tăng huyết áp là bệnh tim mạch phổ biến nhất với rất nhiều biến chứng có thể xảy ra, trong khi tỷ lệ người kiểm soát tốt bệnh này này rất ít.
Để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp hiệu quả, các chuyên gia y tế đã đưa ra lời khuyên người dân phải có chế độ ăn hợp lý như giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày); tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng đồng thời, mọi người cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ; giảm cân (nếu quá cân); hạn chế uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá, thuốc lào.
Bên cạnh đó, mỗi người cần tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp (khoảng 30-60 phút đi bộ hoặc đạp xe mỗi ngày); tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; tránh bị lạnh đột ngột.
Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề tuân thủ những nguyên tắc chung như ăn nhạt, hạn chế mỡ động vật, kiêng các chất kích thích..., nhiều người bệnh băn khoăn không biết dùng thức ăn gì trong thực đơn hàng ngày để có thể hỗ trợ giảm bệnh tăng huyết áp. Xin giới thiệu một số thực phẩm thích hợp và có lợi cho việc phòng chống cao huyết áp để độc giả có thể tham khảo.
Cần tây: Nghiên cứu hiện đại cho thấy, nước ép cần tây có tác dụng làm giãn mạch, lợi niệu và hạ huyết áp.
Rau muống: chứa nhiều canxi, rất có lợi cho việc duy trì áp lực thẩm thấu của thành mạch và huyết áp trong giới hạn bình thường, là thứ rau đặc biệt thích hợp cho những người bị cao huyết áp có kèm theo triệu chứng đau đầu.
Cà chua: Là thực phẩm rất giàu vitamin C và P, nếu ăn thường xuyên mỗi ngày 1- 2 quả cà chua sống sẽ có khả năng phòng chống cao huyết áp rất tốt.
Nếu năm 2000, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, trên toàn thế giới có tới 972 triệu người bị tăng huyết áp và con số này được ước tính vào khoảng 1,5 tỷ người vào năm 2025. Hiện nay, trung bình cứ 10 người lớn có 4 người bị tăng huyết áp. |