Trong khi dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Quảng Bình chưa được khống chế hoàn toàn thì địa phương này tiếp tục xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của người dân.
Trong khi dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Quảng Bình chưa được khống chế hoàn toàn thì địa phương này tiếp tục xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Đây là bệnh truyền nhiễm mới, có thể lây lan qua nhiều đường khác nhau, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên nguy cơ bùng phát dịch rất lớn. Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình đang khẩn trương triển khai các giải pháp ngăn chặn dịch lây lan diện rộng.
Bệnh viêm da nổi cục mới xuất hiện và lây lan nhanh cho hơn 110 con trâu, bò tại xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngày 25/2, có 2 trong tổng số 110 con trâu, bò nhiễm bệnh bị chết đã được tiêu hủy. Sau đó, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trên đàn trâu bò tại xã Đồng Hóa và Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa.
Bà Đoàn Thị Phúc, ở xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, con bò của gia đình nuôi có biểu hiện bỏ ăn, suy nhược, viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt, trên cơ thể nổi các u cục, được cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm và xác định dương tính với bệnh viêm da nổi cục. Theo bà Đoàn Thị Phúc, cơ quan thú y đã đến tiêm thuốc, phun khử trùng chuồng trại phòng chống lây lan bệnh dịch cho đàn bò của gia đình.
“Gia đình đã báo cho chính quyền địa phương. Qua kiểm tra thì địa phương nhận định là bệnh viêm da nổi cục. Chính quyền đã báo với thú y đến tiêm thuốc, hiện cũng đã đỡ nhiều”, bà Phúc chia sẻ.
Hiện nay, nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục lây lan diện rộng vì người dân vẫn có thói quen chăn thả trâu, bò tự do, khó kiểm soát; chuồng trại nuôi nhốt của nhiều hộ dân chưa bảo đảm vệ sinh, chưa được tiêu độc, khử trùng triệt để. Huyện Quảng Trạch và huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp với chính quyền nhanh chóng khoanh vùng, tập trung xử lý số lượng trâu bò bị bệnh.
Ông Đinh Xuân Thường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết: địa phương đã lập ngay các chốt kiểm dịch, phun tiêu độc, khử trùng các phương tiện qua lại tránh để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
“Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND huyện tổ chức tiêu độc khử trùng toàn bộ các xã trên địa bàn huyện nhằm hạn chế thấp nhất véc tơ lây nhiễm trên trâu bò. Tổ chức cách ly đối với trâu bò bị bệnh, không cho thả rông tránh lây lan. Thống kê lại số lượng trâu bò hiện có trên địa bàn, đề xuất với tỉnh hỗ trợ vaccine để tiêm trong thời gian sớm nhất”, ông Trường cho hay.
Tỉnh Quảng Bình có gần 142.000 con trâu, bò chủ yếu được người dân chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Trước nguy cơ dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của người dân, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đã thành lập đoàn công tác trực tiếp kiểm tra thực tế và hướng dẫn các địa phương thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Theo đó, khuyến cáo người chăn nuôi nên nhập trâu, bò giống từ những nơi đáng tin cậy; trâu, bò mới nhập cần kiểm tra, cách ly theo dõi trong vòng 28 ngày mới cho nhập đàn; vệ sinh khu vực chăn nuôi, tăng cường kiểm tra, theo dõi sức khỏe đàn trâu, bò. Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh.
“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm các thủ tục, đề xuất kinh phí mua vaccine bệnh viêm da nổi cục. Hiện nay bệnh viêm da nổi cục đã xâm nhập vào các xã giáp với tỉnh Hà Tĩnh. Bệnh này nguy hiểm cho trâu bò, cần có công tác phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho đàn gia súc của người dân", ông Trường thông tin.