Theo Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình chống lao quốc gia cho biết, mỗi ngày bệnh lao đã lấy đi sinh mạng của hơn 5.000 trẻ em, phụ nữ, nam giới. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người trong độ tuổi lao động.
Các triệu chứng của bệnh lao. Ảnh: ST.
Mặc dù đã có thuốc chữa nhưng bệnh lao vẫn được liệt vào nhóm nan y. Trung bình mỗi năm nước ta ghi nhận thêm 130.000 bệnh nhân mắc lao mới. Trong đó, 7.000 người nhiễm lao đồng thời với nhiễm HIV, hơn 5.000 trường hợp xác định nhiễm lao kháng đa thuốc, 6% trong số đó là nhiễm lao siêu kháng thuốc. Đáng lo ngại là có nhiều đối tượng mắc lao chưa được phát hiện và đang tiếp tục lây truyền bệnh trong cộng đồng. .
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, những năm qua công tác phát hiện nguồn lây bệnh lao ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế vì đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông chưa có ý thức chống lây lan cho cộng đồng, xã hội còn kỳ thị với bệnh nhân lao. Đặc biệt, do thời gian điều trị bệnh lao thường kéo dài và tốn kém nên khá nhiều bệnh nhân bỏ dở phác đồ điều trị, dẫn đến tình trạng kháng lao ngày càng tăng.
Mỗi thể lao đều có những dấu hiệu riêng của nó nhưng thường gặp là lao phổi. Rất nhiều dấu hiệu để nhận biết bệnh lao phổi, tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được để phát hiện bệnh kịp thời. Vì vậy, đại đa số bệnh nhân mắc bệnh lao phổi đều không biết mình mắc bệnh cho đến khi bệnh diễn biến nặng vừa chữa trị tốn kém lại nguy hiểm đến tính mạng.
“Nhằm trợ giúp cho những bệnh nhân lao trong công tác điều trị, chúng tôi vận động xây dựng Quỹ phòng chống lao gọi là Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao. Quỹ này dự kiến khai trương tháng 3 - 2018 có thể huy động cộng đồng với mục tiêu chính hỗ trợ người bệnh. Qũy sẽ hướng tới mục tiêu cùng tương trợ cho những người mắc bệnh lao. Ai chưa có bảo hiểm y tế thì hỗ trợ họ mua thẻ bảo hiểm, người chưa có tiền mua thuốc… thì đồng chi trả,” bác sỹ Nhung cho biết.
Theo các bác sĩ, trong các biểu hiện của bệnh lao, cần đặc biệt lưu ý: Nếu bệnh nhân ho trên 3 tuần mà nguyên nhân không phải do viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, đã dùng thuốc kháng sinh không giảm ho phải nghĩ ngay đến do lao phổi. Cùng với ho là khạc ra đờm. Ho ra máu cũng là một trong những triệu chứng có thể gặp ở 60% những người lao phổi, thể hiện có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp. Ho ra máu thường xuất hiện vào đêm gần sáng và vào buổi sáng…
Theo PGS Nguyễn Viết Nhung, trước đây Việt Nam chưa có thuốc chữa và chưa có nhiều thông tin về căn bệnh này nhưng hiện nay người bệnh lao kháng thuốc, kể cả bệnh nhân siêu kháng thuốc cũng đã có phác đồ điều trị. Phác đồ điều trị cho bệnh nhân lao đa kháng thuốc trước kia kéo dài là từ 20-24 tháng khiến nhiều bệnh nhân nản. Hiện nay, Việt Nam đã áp dụng phác đồ mới điều trị bệnh lao kháng thuốc, thời gian điều trị được rút ngắn chỉ còn 9 tháng...Bởi vậy, nếu thấy cơ thể mình hoặc người thân có các triệu chứng trên thì phải cần đi khám sớm để có cơ hội điều trị dứt điểm, tránh lây lan ra cộng đồng.
Tuy nhiên, theo bác sỹ Nhung, liên quan đến tài chính mặc dù Bộ Y tế đã ưu tiên nhưng chỉ chiếm 25-30% kinh phí. Trong thời gian tới, nhiều nguồn kinh phí từ các tổ chức nước ngoài sẽ rút đi, do vậy để chương trình phòng chống lao được bền vững thì kinh phí trong nước phải được tăng cường hơn.