Những năm gần đây, các bệnh lý mạch máu ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Trong số đó, các bệnh về mạch máu như phình động mạch chủ, hẹp động mạch cảnh... được ví như “sát thủ thầm lặng” đối với con người.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, hơn 90% bệnh lý mạch máu không có triệu chứng. 70-80% trường hợp chỉ được phát hiện khi bệnh đã tiến triển ở giai đoạn nặng. Hơn nữa, ở giai đoạn nặng, khi xuất hiện biến chứng thì việc điều trị sẽ rất tốn kém, thậm chí gây nguy hiểm với tính mạng.
Bệnh lý mạch máu nguy hiểm có thể gây biến chứng tim mạch nghiêm trọng như huyết khối, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…, thậm chí khiến người bệnh phải cắt cụt chi, tử vong. Riêng đột quỵ và nhồi máu cơ tim đều là tình trạng bệnh lý liên quan đến sự ngưng lưu thông máu, nhưng đột quỵ ảnh hưởng đến não, còn nhồi máu cơ tim ảnh hưởng đến tim.
Đơn cử như bệnh lý động mạch chủ (phình động mạch chủ, bóc tách động mạch chủ...). Đây là một trong những nhóm bệnh lý khó và nguy hiểm, vì nguy cơ đột tử cao. Bệnh này có một đặc điểm là bệnh nhân không hề có triệu chứng trước đó cho đến khi được phát hiện bệnh ở giai đoạn nặng. Phần lớn bệnh nhân được phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe và được xử lý kịp thời. Còn nếu giả sử không được phát hiện sớm, bệnh ngày càng diễn tiến âm thầm thì nguy cơ đột quỵ rất cao.
Đáng lo ngại hơn khi các bệnh lý này đang ngày càng phổ biến. Tỷ lệ người cao tuổi nhập viện do các bệnh lý rối loạn chuyển hóa, bệnh tim mạch nói chung, đặc biệt bệnh lý mạch máu nói riêng cũng tăng lên.
BSCKII Phan Duy Kiên - Hội Bệnh lý mạch máu Việt Nam cho biết: Một thực trạng dễ nhận thấy, số người mắc bệnh đái tháo đường ngày càng tăng. Trong khi đó, người bị đái tháo đường lâu năm sẽ gây tổn thương mạch máu. Cho nên có bao nhiêu bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường thì có bấy nhiêu bệnh nhân có bệnh lý mạch máu. Đái tháo đường thường gây tổn thương động mạch ngoại biên, mạch máu nhỏ ở mắt, ở não, đặc biệt động mạch chi dưới bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo BS Lê Nhật Tiên - Tổng Thư Ký Hội Bệnh mạch máu Việt Nam: “Tại Trung tâm Tim mạch và lồng ngực Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng như nhiều trung tâm tim mạch lớn trên cả nước, hàng năm mỗi bệnh viện có khoảng 400-800 bệnh nhân cao tuổi được mổ và can thiệp điều trị hẹp, tắc động mạch chi dưới, trong đó đa phần là các trường hợp thiếu máu trầm trọng chi do phát hiện muộn, hoặc điều trị chưa dứt điểm, dẫn đến nhiều trường hợp phải phối hợp cắt cụt ngón chi sau can thiệp, phẫu thuật”.
Đáng lo ngại hơn, bệnh lý mạch máu không chỉ gia tăng đối với riêng người cao tuổi. Thực tế cho thấy, hiện nay các căn bệnh liên quan tới mạch máu đang ngày càng trẻ hóa. PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - Chủ tịch Hội Bệnh mạch máu Việt Nam cho hay, nguyên nhân là người trẻ trong xã hội hiện đại thường xuyên đối mặt với áp lực công việc, lối sống ít vận động, mắc nhiều bệnh rối loạn chuyển hóa, béo phì, xơ vữa động mạch, thói quen hút thuốc lá… dẫn đến nguy cơ mắc bệnh mạch máu ngày càng gia tăng.
Thống kê tại các bệnh viện lớn hiện nay cho thấy, tỷ lệ nhồi máu cơ tim ở người trẻ đã đang tăng lên đến 10,5% và rất trẻ là 1,8%. Đây là những con số đáng báo động về mức độ trẻ hóa của bệnh nhồi máu cơ tim, cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh đối với giới trẻ hiện nay. Đã có những người bệnh mới chỉ 26 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim và rơi vào tình trạng nguy kịch khi đến bệnh viện.
Ngoài ra, hiện nay có khoảng 25% các ca đột quỵ xảy ra ở những người trẻ tuổi và đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt đối với những người lạm dụng bia, rượu hay thường xuyên hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, chỉ số cân nặng quá mức...
Để phòng bệnh tim mạch nói chung và các bệnh lý mạch máu nói riêng, người dân nên thực hiện nhiều hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ nhẹ nhàng; hạn chế bia, rượu và kiểm soát huyết áp cao, quản lý cholesterol trong máu cao và bệnh tiểu đường.
Đặc biệt, kẻ thù của bệnh lý mạch máu là khói thuốc lá. Nguyên nhân là do khói thuốc lá có nhiều chất độc, lưu trong cơ thể gây tổn thương nội mạc mạch máu, gây viêm và tắc mạch máu.
BSCKII Phan Duy Kiên - thành viên Hội Bệnh lý mạch máu Việt Nam cho biết, có một bệnh lý mạch máu liên quan đến khói thuốc lá là bệnh Buerger, đây là bệnh viêm tắc động mạch mạn tính không do xơ vữa, thường gặp ở các mạch máu nhỏ và vừa ở bàn tay và bàn chân. Đối tượng mắc phải thường là bệnh nhân có tiền căn hút thuốc lá. Những người hút thuốc lá ở độ tuổi càng nhỏ, bệnh sẽ diễn tiến càng nặng và khó chữa hơn. Bệnh lý Buerger có thể gây hậu quả nặng nề cho bệnh nhân như tháo ngón, đoạn chi, còn có thể gây ra các bệnh lý mạch máu não, mạch vành, mạch cảnh, mạch chi dưới. Một đối tượng khác cũng cần được báo động là người hút thuốc lá thụ động, tuy không trực tiếp hút, nhưng khói thuốc cũng có thể gây tổn thương mạch máu cho những người này.