Giai đoạn này thời tiết ở khu vực ĐBSCL đang chuyển mùa (mùa nắng sang mùa mưa) là điều kiện nảy sinh các mầm bệnh. Thời gian qua các tỉnh thành trong vùng đang lo lắng về bệnh tay chân miệng (TCM) ở trẻ em đang tăng rất nhanh.
Thông tin từ Bộ Y tế, đầu năm 2021 đến nay đã có 4 trẻ tử vong do mắc bệnh TCM ở khu vực ĐBSCL là Kiên Giang (2 trường hợp), Long An (1 trường hợp) và An Giang (1 trường hợp). Cả nước 3 tháng đầu năm, ghi nhận gần 17.500 ca mắc bệnh, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ.
Thống kê của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, quý I/2021 đã tiếp nhận 629 ca điều trị nội trú (trong đó Cần Thơ 257 ca, các tỉnh khác đến nhập viện 372 ca) và 2.990 ca ngoại trú (trong đó Cần Thơ có 1.201 ca, các tỉnh thành khác 1.789 ca), số liệu này tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
ThS.BS Ông Huy Thanh - Phó Giám đốc BV Nhi đồng Cần Thơ cho biết: So với cùng kỳ quý I năm 2020 thì số ca mắc bệnh TCM khám điều trị ngoại trú tại BV Nhi đồng Cần Thơ là 684 bệnh nhân, còn điều trị nội trú là 100 bệnh nhân. Đáng lo ngại nhiều chủng virus gây bệnh mới khiến một số trường hợp không xuất hiện các triệu chứng phổ biến của bệnh, nên người nhà chủ quan, dẫn đến bệnh diễn tiến nặng, gây khó khăn cho quá trình điều trị.
Các trẻ nhập viện ngoài bệnh TCM còn có nhiều bệnh khác liên quan đến đường hô hấp, hiện vùng đang giai đoạn chuyển mùa nên trẻ mắc bệnh nhiều. Chị Nguyễn Thị Kim Loan, ngụ tại Hậu Giang chia sẻ, con trai chị (sinh năm 2017) lúc đầu cũng chỉ ho nhẹ, kéo dài trong khoảng 1 tuần. Chị Loan tưởng bé chỉ ho thông thường nên cho bé uống siro ho nhưng tình trạng ho không đỡ. Hai ngày trước khi nhập viện, bé đột ngột sốt cao kèm giật mình khi ngủ. Nhận thấy đây là các dấu hiệu của bệnh TCM nên chị đưa bé nhập viện. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe bé đã ổn định đã được xuất viện.
Theo chị Loan, có thể bé bị lây tại lớp trong khi trong lớp cũng có bạn bị bệnh TCM nhưng biểu hiện không rõ ràng nên các phụ huynh chủ quan vẫn cho bé đi học bình thường.
Trường hợp tương tự bệnh nhi 26 tháng tuổi quê ở Trà Vinh nhưng nhập viện Cần Thơ, theo lời phụ huynh bé chỉ xuất hiện duy nhất một bóng nước ở môi, ăn uống kém, không có triệu chứng sốt hay nổi bóng nước ở tay và chân. Do đó, người nhà chỉ nghĩ bé bị nhiệt miệng và cho bé ăn uống các thực phẩm làm mát. Tuy nhiên, ngày hôm sau bé xuất hiện tình trạng giật mình trong khi ngủ nên gia đình đưa bé nhập viện. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh TCM, thể mụn nước ẩn dưới da thay vì nổi trên bề mặt da, thể này được giới y khoa đánh giá nặng hơn.
Chia sẻ thêm, BS Huỳnh Hùng Dũng - Trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi đồng Cần Thơ, cho biết bố mẹ thường lo lắng khi trẻ nổi nhiều mụn nước nhưng điều này cho thấy tình trạng bệnh nhẹ hơn so với nổi các mụn nước ẩn dưới da. Cách điều trị sai lầm mà hầu hết các bậc phụ huynh thường hay mắc phải chính là bôi thuốc màu lên các mụn bỏng nước, làm che khuất hình dạng, gây ra nhiều khó khăn khi bác sĩ thăm khám và xác định nguyên nhân gây bệnh.
Cũng theo BS Dũng, bệnh TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ. Điều nguy hiểm ở căn bệnh này là hiện chưa có vaccine ngừa bệnh, cũng như không có thuốc điều trị đặc hiệu.
BS Huỳnh Minh Trúc - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ cho biết, sắp tới sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra các cơ sở giáo dục về thực hiện công tác phòng chống dịch TCM, đặc biệt là nhà trẻ trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tăng cường các hoạt động giám sát phát hiện sớm ổ dịch, xử lý triệt để tránh để dịch lây lan ra diện rộng.