Bệnh tim đang trẻ hóa

THANH MAI 02/07/2023 06:56

Theo thống kê của Bộ Y tế mỗi năm có khoảng 200 nghìn người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Tim mạch là bệnh lý nguy hiểm và chiếm tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt xu hướng mắc bệnh tim mạch hiện nay ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân chủ yếu là do những thói quen thiếu lành mạnh trong sinh hoạt hàng ngày.

Bệnh tim mạch có tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất.

Gia tăng bệnh nhân từ 25 - 40 tuổi

Theo thống kê của Bệnh viện Tim, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành trong độ tuổi 16-65 chiếm 25%, cứ 4 người trưởng thành có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp và đang có chiều hướng tăng ở người trẻ tuổi. Đây là bệnh không lây dẫn đầu với tỷ lệ tử vong hơn 40%.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy cứ 2 giây lại có một người tử vong vì bệnh tim; 5 giây có một ca nhồi máu cơ tim và 6 giây có một trường hợp đột quỵ. Cũng theo WHO, bệnh tim mạch hiện là nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong hàng đầu trên phạm vi toàn cầu.

GS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, riêng tại Viện Tim mạch Việt Nam, số lượng bệnh nhân trẻ từ 25 - 40 tuổi đến khám và điều trị ngày càng tăng trong những năm gần đây và có khá nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp trước độ tuổi 40 được ghi nhận.

Trung bình mỗi năm, bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng của 200 nghìn người, chiếm khoảng 1/4 tổng số ca tử vong ở nước ta. Trước đây, những người từ 50 tuổi trở lên mới có nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não... Đáng lưu ý, có đến 44,3% người từ 25-74 tuổi ở khu vực thành phố bị cholesterol máu cao và có xu hướng tăng dần theo lứa tuổi. Cholesterol máu cao là hậu quả của chế độ dinh dưỡng không hợp lý, của thừa cân béo phì và sẽ dẫn đến hình thành các mảng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gia tăng bệnh lý tim mạch.

Mới đây tại TP Huế em P.T.N, sinh viên năm thứ hai, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Huế khi đang học ở giảng đường bất ngờ ngã quỵ. Phát hiện sự việc, các sinh viên trong lớp lập tức phối hợp với tổ y tế nhà trường nhanh chóng gọi xe cứu thương đưa sinh viên này đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. Tại khoa Hồi sức tích cực, qua thăm khám, các bác sĩ xác định nữ sinh này bị ngưng tim, nguyên nhân do bệnh tim mạch. Rất may bệnh nhân được cấp cứu kịp thời và sau đó đặt các thiết bị trợ tim nên đã qua cơn nguy kịch.

Theo TS.BS Hồ Anh Bình - Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế, một số bệnh như: Tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim thường xuất hiện ở người lớn tuổi thì nay cũng gặp ở người trẻ dưới 40 tuổi. Có một số trường hợp, người trẻ bị bệnh suy tim nhưng không phát hiện ra dẫn đến nguy cơ cao khi vẫn tham gia các hoạt động thể thao quá nặng.

Theo GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi - nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến trẻ hóa bệnh lý tim mạch ngày càng phổ biến là do lối sống công nghiệp hóa khiến con người lười vận động thể lực, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, dùng nhiều đạm động vật hơn đạm thực vật. Bên cạnh đó, tình trạng thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch...

Bệnh diễn biến âm thầm, khó nhận biết

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam thông tin, số ca bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình mỗi năm khoảng từ 10 - 20%. 10 năm trước, mỗi năm Viện Tim mạch quốc gia làm thủ thuật tim mạch can thiệp cho khoảng 5.000 bệnh nhân. Nay số lượng bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật tim mạch can thiệp ngày càng tăng với tốc độ tăng trung bình 15% mỗi năm.

Thời gian qua, số bệnh nhân bị bệnh nặng như nhồi máu cơ tim, bệnh phình vỡ động mạch chủ tăng lên đáng kể. Nhiều bệnh nhân suy tim do tăng huyết áp, do các yếu tố nguy cơ gây ra tim mạch (đái tháo đường, chế độ ăn không hợp lý, rối loạn mỡ máu, rối loạn lypit máu, ít vận động thể lực, thuốc lá, stress…) làm tăng huyết áp. Tăng huyết áp vừa là bệnh lý vừa là yếu tố nguy cơ của các bệnh tim mạch. Tăng huyết áp, thoái hóa mạch máu não thường gây đột quỵ thể xuất huyết ở người lớn tuổi trong khi các bất thường mạch máu não như dị dạng mạch máu não và phình mạch máu não dẫn đến xuất huyết não ở người trẻ nhiều hơn.

Theo PGS. TS Phạm Mạnh Hùng, các dấu hiệu cảnh báo sớm các vấn đề tim mạch như: Khó thở, đau tức ngực, đặc biệt là khi hoạt động gắng sức; hồi hộp hoặc choáng váng; ngất; ngón chân, ngón tay tím hoặc thay đổi hình dạng; có các thay đổi trên da, xuất hiện các ổ loét hoặc hoại tử; sờ thấy các khối bất thường ở vùng bụng trong trường hợp mắc bệnh phình động mạch chủ.

Còn theo GS.TS Đỗ Doãn Lợi, nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm nhất và tỷ lệ tử vong cao nhất (xảy ra ở nhiều lứa tuổi). Tiếp đó là bệnh lý biến chứng mạch máu do mỡ đóng trong thành mạch máu, chủ yếu diễn ra ở những người cao tuổi. Khi thành mạch lão hóa, mỡ đóng trong thành mạch gây ra xơ vữa, lúc huyết áp lên cao, quả tim sẽ hoạt động như cái bơm - bơm máu vào mạch máu với áp lực cao làm mạch máu giãn dần và vỡ. Người cao tuổi dễ mắc các bệnh tim mạch do mạch máu bị tổn thương dần theo thời gian, thường xuất hiện các mảng xơ vữa bám trong thành mạch. Điều này gây ra tình trạng hẹp mạch hoặc tắc mạch máu. Bên cạnh đó, nhóm bệnh nhân bị béo phì hoặc có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu hoặc những người có người thân mắc bệnh lý tim mạch cũng là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh tim mạch.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng cảnh báo: Điều đáng lo ngại là bệnh tim mạch không có dấu hiệu báo trước, có thể xảy đến với bất kỳ ai ngay cả với những người khỏe mạnh và dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được kịp thời cứu chữa. Rất nhiều trường hợp mắc bệnh tim mạch nhưng không gây đau đớn, người mắc bệnh vẫn đi làm, sinh hoạt bình thường nên chủ quan.

“Bệnh tim mạch có thể được phòng ngừa thông qua vận động thể thao và chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm quá nhiều cholesterol, tăng tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ và đạm thực vật, đặc biệt là đạm đậu nành” - PGS.TS Phạm Mạnh Hùng khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh tim đang trẻ hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO