Khi nhiệt độ xuống thấp, cũng là lúc bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch tăng cao. Mỗi ngày Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện trung ương Huế) tiếp nhận hàng chục bệnh nhân đến điều trị.
Khoảng 1 tháng trở lại đây, thời tiết chuyển mùa từ thu sang đông, nhiệt độ xuống thấp khiến nhiều người phải nhập viện vì các bệnh lý về tim mạch. Mỗi ngày, Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện trung ương Huế) phải tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nhập viện điều trị, trong đó chủ yếu là người cao tuổi và những người có tiền sử về bệnh tim mạch. Số lượng bệnh nhân nhập viện càng gia tăng trong những ngày mùa đông giá lạnh.
Đáng chú ý, bệnh nhân nhập viện cũng có xu hướng tăng so với cùng kỳ những năm trước. Bệnh tim mạch gia tăng trung bình mỗi năm khoảng từ 10-20%. Hàng năm, Bệnh viện trung ương Huế làm thủ thuật can thiệp tim mạch cũng tăng trung bình 15%/năm.
BS Hồ Anh Bình - Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện trung ương Huế) cho biết, khi thời tiết chuyển lạnh, bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch phải nhập viện tăng. Về mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 20% các biến chứng tim mạch. Điều này gây nên do thời tiết lạnh làm tăng tiết các Catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp.
Đối với bệnh nhân có bệnh mạch vành, khi trời lạnh nhu cầu ô xy cho cơ tim tăng hơn, vì thế cũng có nguy cơ xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp. Đặc biệt, thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi.
Theo BS Bình, bệnh lý về tim mạch thường gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với tỷ lệ tăng của các bệnh lý đái tháo đường, béo phì… bệnh lý tim mạch đang ngày càng trẻ hóa, tức là ngay cả người trẻ cũng có thể mắc bệnh. Những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân trẻ có độ tuổi từ 25 - 40 tuổi đến khám và điều trị ngày càng tăng, có nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp trước tuổi 40, thậm chí trước 30 tuổi đã được ghi nhận vào viện với tình trạng rất nguy hiểm.
Người bệnh khi gặp các biểu hiện như đau thắt ngực; các biểu hiện ngừng tuần hoàn như người bệnh đột ngột ngất xỉu, mất phản ứng xung quanh, ngừng thở, tím tái toàn thân…; các dấu hiệu đột quỵ như đột ngột tê hoặc yếu nửa người, hôn mê; khó thở; đau đột ngột chân hoặc tay thì nhanh chóng đưa bệnh nhân vào bệnh viện để cấp cứu và điều trị.
Để phòng tránh các bệnh lý về tim mạch, BS Bình khuyến cáo, vào mùa lạnh, người dân cần được giữ ấm đầy đủ, đặc biệt người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành. Ngoài ra, cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy.
Ngoài ra, khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh. Đối với người cao tuổi, khi có cơn tăng huyết áp, không nên giảm huyết áp quá nhanh, sẽ rất nguy hiểm do sự phản ứng của mạch máu ở người cao tuổi không tốt.
BS Bình cho biết, đối với những gia đình có người lớn tuổi, đặc biệt người có tiền sử bệnh lý tim mạch, nên nhắc nhở họ phòng tránh, giữ ấm cơ thể, uống thuốc đầy đủ. Hơn nữa người trẻ cần ghi nhớ những dấu hiệu nguy cơ của các biến chứng nặng, nguyên tắc xử trí, đề phòng trường hợp nếu có người mắc phải thì xử trí kịp thời, nhanh chóng giúp người thân cải thiện tiên lượng tốt hơn.