Sàn chậu ở phụ nữ được ví như một cái “võng”, hình thành từ nhiều cơ đan xen nhau. Khối cơ này được giới hạn và bám chắc vào thành bụng, xương mu, xương chậu hông, dọc cột sống thắt lưng đến xương chậu cùng cụt.
Sàn chậu gồm các hệ thống: Sinh dục (tử cung, âm đạo), niệu dưới (bàng quang, niệu đạo), tiêu hóa dưới (trực tràng, hậu môn). Ngoài ra, sàn chậu còn chứa nhiều hệ thống mạch máu và thần kinh. Sàn chậu có chức năng giữ cho các cơ quan nói trên nằm đúng chỗ, không bị sa xuống khi chị em làm việc nặng, vận động, chạy nhảy. Nó còn có vai trò đóng mở các lỗ đường tiểu, âm đạo, hậu môn, giúp kiểm soát hoạt động đi tiêu và tiểu theo ý muốn, hoạt động tình dục, giúp quá trình sinh dễ dàng hơn. Ba hệ thống này hoạt động hài hòa, nhịp nhàng với nhau, “nhường nhịn” nhau theo sự điều khiển chủ động của con người. Tuy nhiên…
PGS.TS.BS Vũ Bá Quyết- Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết: Có không ít chị em đã rất xấu hổ và lúng túng khi cười to một tiếng hay ho cũng bị són tiểu, hoặc són tiêu, còn hiện tương chạy nhảy, mang vác nặng cũng són tiểu, són tiêu là chuyện thường ngày. Không nín nhịn được khi mắc tiểu, hay đi tiểu trong đêm trên mức bình thường, tiểu lắt nhắt, có cảm giác đi không hết, táo bón kéo dài, đi tiêu khó phải dùng thuốc bơm hoặc thuốc uống cũng là triệu chứng hay mắc ở chị em. Theo các bác sĩ, đó là hệ lụy của các triệu chứng: Sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng, ruột. Vì thế, khi giao hợp, chị em thường có cảm giác đau và giảm khoái cảm, cảm giác cửa mình rộng. Ngoài ra, thường xuyên có biểu hiện đau vùng thắt lưng chậu, đau vùng bụng dưới, vùng cửa mình…
Theo PGS Quyết, thống kê cho thấy có đến hơn 30% phụ nữ từng mang thai và sinh đẻ bị són tiểu, gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan trong vùng chậu. Trong đó cứ 5 người thì có một người bị sa từ 2 cơ quan trở lên như sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng. Nguyên nhân của triệu chứng này, theo PGS Quyết, là do người phụ nữ sau đẻ nhiều lần không kiêng khem và không được tập luyện làm lỏng (giãn) giảm chức năng cơ ở cổ bàng quang. Ngoài ra còn do cơ thể của người phụ nữ phần nào bị suy nhược. Thiếu nội tiết ở phụ nữ tuổi mãn kinh cũng là một nguyên nhân gây rối loạn chức năng sàn chậu.
Với những trường hợp nói trên, nhất là với những người có độ tuổi từ 40 đến 60, PGS Vũ Bá Quyết khuyên nên đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế để tùy tình trạng, các bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm chuyên biệt như siêu âm bụng để đánh giá độ nâng và giữ của cơ sàn chậu, đo điện cơ sàn chậu, hướng dẫn ghi nhật ký đi tiểu, xét nghiệm nước tiểu, đo niệu động học, MRI động vùng bụng chậu, siêu âm cơ thắt hậu môn... Tùy mức độ bệnh lý sẽ được tư vấn điều trị, hoặc nội khoa với vật lý trị liệu hoặc phải phẫu thuật. Thấy được tình trạng bệnh ngày càng phổ biến và nghiêm trọng, vừa qua, BV Phụ sản Trung ương vừa khai trương Trung tâm Sàn chậu. Đây có thể nói sẽ là cơ hội tốt nhất trong hệ thống y tế cả nước có thể điều trị gần như triệt để các bệnh về sàn chậu. Tại đây, người bệnh được phẫu thuật nâng đỡ cơ cổ bàng quang bằng dải băng được du nhập từ nước ngoài.