Ở thời điểm hiện tại, bệnh viêm gan do virus bí ẩn gây viêm gan cấp tính ở trẻ em đang trở thành một vấn đáng quan tâm tại nhiều nước. Các nhà khoa học đang điều tra về khả năng có sự liên hệ giữa căn bệnh viêm gan “bí ẩn” với Covid-19 hay sự xuất hiện của căn bệnh này có liên quan tới các yếu tố môi trường…
Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm
Ngày 15/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát đi cảnh báo về các trường hợp viêm gan cấp tính nghiêm trọng không rõ nguyên nhân tại Anh, ảnh hưởng đến nhóm trẻ em từ 1 tháng đến 16 tuổi. Các triệu chứng của bệnh viêm gan lạ bao gồm: đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, vàng da, viêm gan cấp tính nặng và tăng nồng độ men gan. Tuy nhiên, WHO cũng chỉ ra rằng các virus thường gây bệnh viêm gan virus cấp tính đã không được phát hiện trong các trường hợp mắc bệnh viêm gan lạ.
Đến nay, theo WHO, đã ghi nhận hơn 300 trường hợp mắc căn bệnh viêm gan cấp tính ở hơn 20 quốc gia, trong đó hơn một nửa số ca này là ở Anh. Hiện Anh vẫn chưa ghi nhận trường hợp trẻ tử vong do căn bệnh này nhưng có 11 trẻ đã được chỉ định ghép gan, khoảng 13 trẻ vẫn đang được điều trị trong viện và khoảng hơn 88 trẻ đã được xuất viện và bình phục hoàn toàn.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa ghi nhận ca nhiễm viêm gan “bí ẩn”, nhưng Bộ Y tế đã có nhiều công văn gửi các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phân tích dịch tễ, lấy mẫu và xét nghiệm, kịp thời triển khai các biện pháp phòng dịch, tổng hợp tình hình các trường hợp ca bệnh nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em, báo cáo ngay những trường hợp ca bệnh nghi ngờ, đề xuất các biện pháp phòng, chống sự lan truyền của bệnh tại Việt Nam nhằm hạn chế tối đa số trẻ mắc bệnh và tử vong.
Hiện Bệnh viện Nhi trung ương đã và đang tăng cường giám sát những trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ, điều tra dịch tễ, đánh giá lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân, và báo cáo các cơ quan dịch tễ và Bộ Y tế.
Nguyên nhân gây bệnh, do đâu?
Gan là bộ phận cho rất quan trọng có vai trò tổng hợp các protein thiết yếu, khử độc... Do đó, tổn thương gan có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Viêm gan có thể do nhiễm virus (gọi là viêm gan virus), do rượu bia, do thuốc hoặc các hóa chất khác, do một số rối loạn chuyển hóa, rối loạn hệ miễn dịch… Viêm gan có thể là cấp tính (bệnh diễn ra trong vòng 6 tháng) hoặc mạn tính (kéo dài hơn 6 tháng).
Các loại virus chính đã biết gây ra bệnh viêm gan virus cấp tính ở người bao gồm virus viêm gan A, B, C, D và E. Đa số các trường hợp viêm gan cấp tính do 5 loại virus này sẽ tự hồi phục hoàn toàn trong vòng vài tháng, chỉ một tỷ lệ nhỏ (<1%) bệnh diễn tiến đến tình trạng viêm gan tối cấp và có thể gây tử vong. Hiện tại, viêm gan virus A, B và D có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine.
Bằng cách thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, các nhà khoa học nhận thấy bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em thời gian gần đây không phải là do virus viêm gan A, B, C, D, E và một số loại virus khác đã được biết gây viêm gan ở người (EBV, CMV…).
Hiện WHO đang làm việc với các quốc gia và đối tác để cân nhắc về một loạt các yếu tố nhằm giải thích căn bệnh viêm gan “bí ẩn” đang diễn ra. Một trong những giả thuyết hàng đầu là virus adeno - vốn là một nhóm virus phổ biến lây lan từ người sang người gây ra các triệu chứng về đường hô hấp, nôn mửa và tiêu chảy ở trẻ em. Tuy nhiên, theo WHO, hiện giả thuyết nghiêng về virus adeno không giải thích được toàn bộ vấn đề, xét theo khía cạnh lâm sàng.
Trong khi đó, các nhà khoa học đang điều tra về khả năng có sự liên hệ giữa căn bệnh viêm gan lạ với Covid-19 hay sự xuất hiện của căn bệnh này có liên quan tới các yếu tố môi trường. Các bậc cha mẹ được khuyến cáo nên để ý các triệu chứng nếu họ nghi ngờ con mình bị viêm gan như: Phân có màu xám nhạt, nước tiểu đậm, vàng mắt và da, đau cơ và khớp, sốt cao, buồn nôn, luôn cảm thấy mệt mỏi một cách bất thường, ăn không ngon, đau bụng, da bị ngứa.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, đến nay Việt Nam chưa xuất hiện chùm ca bệnh, nhưng ở một thời điểm nào đó, khả năng virus gây ra căn bệnh viêm gan này sẽ xuất hiện ở Việt Nam.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, trong những ngày qua, các bệnh nhi đến khám có những biểu hiện của sốt, nôn, tiêu chảy đều được theo dõi kỹ, xác định xem có tổn thương gan không.
“Nếu có trường hợp nghi ngờ, chúng tôi sẽ phối hợp với các chuyên gia dịch tễ để phát hiện được sớm ngay từ những ca đầu. Chúng tôi cũng theo sát các hướng điều trị của các đồng nghiệp ở những nước đã có bệnh nhân để học hỏi kinh nghiệm. Quan trọng nhất hiện nay là tăng cường giám sát, phát hiện sớm để điều trị sớm, hạn chế đến mức thấp nhất tổn thương mà bệnh mang lại cho trẻ”, BS Nguyễn Trung Cấp cho biết.
Các chuyên gia dự báo, nguy cơ virus viêm gan viêm gan lạ xâm nhập vào Việt Nam là rất cao, tuy nhiên cha mẹ trẻ không nên quá hoang mang, cần bình tĩnh và chú ý để có thể phát hiện sớm các triệu chứng bệnh đường tiêu hóa và tổn thương gan ở trẻ. Những trẻ có các triệu chứng sốt, đau bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, vàng da, viêm kết mạc… cần được tới khám tại các cơ sở y tế.
Trong khi chờ đợi các kết quả nghiên cứu khẳng định nguyên nhân gây bệnh, việc phòng bệnh cần tuân thủ theo nguyên tắc: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên, đặc biệt trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn, sau khi vệ sinh, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi hắt hơi. Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo lịch tiêm chủng, bao gồm cả vaccine phòng viêm gan B, viêm gan A, vaccine Covid-19 khi có chỉ định...
Theo WHO, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em có một số đặc điểm chung như sau:
- Chủ yếu gặp ở trẻ trong lứa tuổi từ 0 đến 16 tuổi. Trẻ nhỏ mắc bệnh nhiều hơn.
- Trẻ có một hoặc nhiều các triệu chứng như sốt, đau bụng, nôn, tiêu chảy… Có các triệu chứng tổn thương gan ở nhiều mức độ khác nhau như: vàng da, vàng mắt, phân bạc màu, có sự hủy hoại tế bào gan (tăng nồng độ các enzyme của gan ở trong máu). Không tìm thấy các nguyên nhân thông thường đã biết gây tổn thương gan.
- Bệnh nhân có thể hồi phục sau điều trị hỗ trợ tích cực, tuy nhiên một số trường hợp diễn biến nặng gây suy gan không hồi phục, cần ghép gan và đã có những trường hợp tử vong.
Do chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh viêm gan “bí ẩn” nên hiện thế giới chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Các biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.