Các nhà nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) đang chuẩn bị tạo ra một khu bệnh viện AI với tên gọi là "Bệnh viện đặc vụ" - nơi tất cả bác sĩ, y tá và bệnh nhân được tương tác với các bác sĩ ảo.
Khái niệm về một khu bệnh viện AI (trí tuệ nhân tạo) có ý nghĩa to lớn đối với chuyên gia y tế và công chúng nói chung. Bệnh viện AI nhằm mục đích đào tạo các nhân viên y tế thông qua môi trường mô phỏng, để rồi nó lại thu nhận kiến thức để phát triển và cải thiện khả năng điều trị bệnh - Global Times dẫn lời nhóm nghiên cứu cho biết.
Theo đó, các bác sĩ AI có thể tiếp nhận thông tin điều trị cho 10.000 người chỉ trong vài ngày, trong khi bác sĩ con người phải mất ít nhất 2 năm và còn lâu hơn thế rất nhiều để có được tay nghề thuần thục hơn.
Ông Lưu Dương - Trưởng nhóm nghiên cứu dự án "Bệnh viện đặc vụ" và cũng là Trưởng khoa điều hành của Viện Nghiên cứu công nghiệp AI (AIR), cho biết: Khu bệnh viện AI của Đại học Thanh Hoa có thể mô phỏng và dự đoán các tình huống y tế khác nhau. Chẳng hạn như sự lây lan, phát triển và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm trong một khu vực.
“Khóa đào tạo mô phỏng này cho phép sinh viên y khoa thực hành chẩn đoán và điều trị trong môi trường không có rủi ro, từ đó đào tạo ra các bác sĩ có tay nghề cao” - ông Lưu nói tuy nhiên cũng cho biết họ vẫn bỏ ngỏ việc chuyển đổi khả năng chẩn đoán của các bác sĩ AI từ thế giới ảo sang thế giới thực, để tránh mọi rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.
“Hiện chúng tôi đang vận hành thử để hoàn thiện. Kế hoạch là tới tháng 12/2024, khu bệnh viện AI sẽ đưa vào sử dụng thực tế” - ông Lưu cho biết và nhấn mạnh việc triển khai và thúc đẩy "Bệnh viện đặc vụ" phải tuân thủ nghiêm ngặt về các quy định y tế quốc gia, tìm hiểu sâu về sự phát triển của công nghệ và các cơ chế hợp tác giữa AI và con người, là những bước cần thiết để đảm bảo AI không gây họa cho sức khỏe cộng đồng.
Nếu thành công, đây sẽ là bệnh viện AI đầu tiên trên thế giới, khi có thể vượt qua giới hạn sinh lý và trí tuệ của con người ở một số khía cạnh; nâng cao độ chính xác và hiệu quả của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tuy rằng nó không bao giờ có thể thay thế được con người.
Theo ông Đổng Gia Hồng - GS Học viện Kỹ thuật Trung Quốc kiêm Trưởng khoa Y học lâm sàng tại Đại học Thanh Hoa, thì trong y học lâm sàng, mỗi cá nhân khỏe mạnh và mỗi bệnh nhân là cá thể duy nhất. Ngay cả khi họ mắc cùng một căn bệnh, thì diễn biến bệnh của từng người sẽ khác nhau. Do đó, những yếu tố không chắc chắn này cần phải được con người xử lý. Nhưng triển vọng bệnh viện AI là rất khả quan.
Còn GS Trần Vận Điền (Viện Công nghệ Phương Đông) nhận xét, bệnh viện AI không lấy mất việc làm của các y, bác sĩ. Ngược lại, AI sẽ giúp họ nâng trình độ lên một cách tức thời. Người dân sẽ được phục vụ tốt hơn.
Trong cuộc đua AI, tới nay Trung Quốc đã lọt vào tốp đầu, còn gọi là “các quốc gia dẫn dắt”. Một trong những hướng nghiên cứu chính của họ là tạo ra các mô hình máy móc cực thông minh, được ví như “các nhà khoa học AI” có khả năng cải tiến thí nghiệm và giải quyết các vấn đề khoa học phức tạp.
Thời gian qua, các nhà khoa học Trung Quốc đã đạt nhiều thành tựu trong quá trình tạo ra các mô hình "máy học thông tin" với lượng kiến thức khổng lồ.
Theo GS Từ Hạo (Đại học Bắc Kinh), việc đưa kiến thức của con người vào các mô hình AI có thể cải thiện hiệu quả và suy luận của chúng. Có nghĩa là không chỉ tạo ra một cỗ máy chứa dữ liệu cực lớn, mà còn huấn luyện để chúng tự xử lý dữ liệu và có khả năng đưa ra lời giải tức thì khi con người yêu cầu.
Ủng hộ việc ứng dụng công nghệ AI, nhiều địa phương Trung Quốc khuyến khích cán bộ tăng cường sử dụng AI và robot để viết văn bản.
Một quan chức họ Thiên trong chính quyền tỉnh Chiết Giang cho biết, hai trong số những ứng dụng phổ biến nhất là Miaobi của Tân Hoa xã và Xinghuo của iFlyTek. Tuy nhiên, ông Thiên cũng cho rằng AI chỉ có khả năng xử lý tốt các công việc lặp đi lặp lại, ví dụ như giúp sao chép nhiều phiên bản của một báo cáo và gửi tới nhiều nhóm khác nhau khi có yêu cầu.
“Như vậy, điều này cũng bộc lộ sự không hoàn hảo của các giải pháp công nghệ. Nhưng không nên vì thế mà chúng ta trở về với những gì quen thuộc” - ông Thiên nói.
Tổng giám đốc Jensen Huang của tập đoàn chip bán dẫn hàng đầu thế giới Nvidia cho rằng trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI) có thể giải hầu hết bài kiểm tra trong 5 năm nữa, khi con người tạo ra hệ thống máy tính có thể tư duy như con người. Tới nay, AI có thể hoàn thành các bài kiểm tra về luật nhưng vẫn gặp khó khăn đối với các bài kiểm tra y tế chuyên môn. “Hiệu suất tính toán của AI sẽ không như hiện tại và tôi cho rằng khả năng này sẽ được cải thiện 1 triệu lần trong 10 năm” - ông Jensen nói. Được biết tập đoàn Nvidia có vốn hóa thị trường chạm mốc 2.000 tỉ USD vào ngày 1/5/2024.