Kể từ khi "Bếp cơm 0 đồng" đi vào hoạt động, học sinh đang theo học tại trường mầm non Ánh Dương không chỉ được ăn cơm đủ chất mà nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường cũng có sự điều chỉnh.
Sau nhiều năm ấp ủ, từ đầu năm học 2022- 2023, chị Đoàn Thị Tú quyết định mở "Bếp cơm 0 đồng", chia sẻ những phần cơm trưa miễn phí đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Bếp ăn bảo vệ trẻ em
Đều đặn mỗi buổi sáng trong tuần, khoảng sân nhỏ trước nhà chị Đoàn Thị Tú - Trưởng thôn 5, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông lại tất bật, rộn tiếng cười nói của nhiều chị em phụ nữ.
Gần 2 tháng nay, sau khi sắp xếp xong công việc gia đình, một số phụ nữ quanh vùng đã đến phụ giúp công việc tại "Bếp cơm 0 đồng" do chị Tú khởi xướng.
Mỗi người một việc, chỉ trong khoảng 3 tiếng, gần 100 suất cơm đã được mọi người chuẩn bị để cung cấp miễn phí cho học sinh trường mầm non Ánh Dương.
Chị Tú là người gốc ở Cần Thơ. Năm 2005, sau nhiều năm lăn lội với công việc nuôi trồng thủy sản, chị Tú cùng chồng lên Đắk Nông làm thuê theo năm cho một trang trại sầu riêng. Năm 2019, chị Tú được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn 5.
Hơn 17 năm sinh sống và làm ăn tại Đắk Nông, chị Tú dần thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của người dân nơi đây. Đặc biệt, thôn 5 là địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số nên so với mặt chung, đây vẫn là vùng đất của nghèo khó, thất học và nhiều hủ tục lạc hậu. Chứng kiến những cảnh đó, nhiều năm qua, chị đã ấp ủ về "Bếp cơm 0 đồng".
"Vài năm trước, tại đây xảy ra một vụ đuối nước làm 3 cháu nhỏ tử vong. Tìm hiểu hoàn cảnh, được biết bố mẹ các cháu đi làm rẫy, trưa không về nhà. Sau giờ học buổi sáng, các cháu tự chơi rồi xảy ra tai nạn. Từ đó, tôi ấp ủ xây dựng một bếp cơm miễn phí, trước hết là giúp các cháu được ăn uống đủ chất, đồng thời cũng là cách để bảo vệ an toàn cho các cháu khi không có bố mẹ bên cạnh", chị Tú nói.
Những bữa cơm của tình người
Đầu năm học 2022-2023, bếp cơm chính thức đi vào hoạt động. Đến nay, "Bếp cơm 0 đồng" của chị Tú đã bước sang tuần hoạt động thứ 9, phục vụ 80-90 suất ăn mỗi ngày cho học sinh trường mầm non Ánh Dương.
Chị Tú cho biết, vì nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bữa cơm ở nhà nhiều khi cũng không đủ chất nên khi mở bếp ăn, chị cố gắng chuẩn bị đầy đủ 3 món mặn, canh, rau. Thực đơn đổi món hàng ngày, thỉnh thoảng có thêm trái cây do các nhà hảo tâm hỗ trợ.
Sau những vất vả, chạy đua với thời gian để chuẩn bị gần 100 suất cơm canh miễn phí, chị Tú và tất cả thành viên của "Bếp cơm 0 đồng" cảm thấy ấm lòng khi thấy các cháu nhỏ ăn ngon miệng.
Chị Nông Thị Kim Hương (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) hàng ngày vượt gần chục cây số đến phụ giúp "Bếp cơm 0 đồng". Đối với chị Hương, đây không chỉ là công việc tình nguyện, chị coi đó là trách nhiệm, tình cảm của mình đối với những đứa trẻ nơi vùng quê nghèo khó.
Chị Hương chia sẻ: "Chúng tôi không dư dả về kinh tế. Thế nhưng khi biết về tấm lòng thơm thảo của chị Tú, chúng tôi cũng muốn góp chút dành cho các em nhỏ. Người giúp bao gạo, người giúp bó rau, cân thịt. Mỗi phần cơm đều là tình cảm, tâm huyết của mọi người dành cho các cháu".
Kể từ khi "Bếp cơm 0 đồng" đi vào hoạt động, học sinh đang theo học tại trường mầm non Ánh Dương không chỉ được ăn cơm đủ chất mà nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường cũng có sự điều chỉnh.
Theo đó, toàn bộ trẻ tại điểm trường này được học bán trú, nghỉ trưa tại trường. Việc này vừa giúp đảm bảo an toàn cho trẻ, vừa giúp phụ huynh yên tâm làm rẫy. Cũng chính nhờ những bữa cơm miễn phí, trẻ đến lớp đầy đủ hơn.
Các thành viên trong "Bếp ăn 0 đồng" đều mong mỏi có điều kiện để mô hình được nhân rộng, không chỉ trẻ mầm non, mà còn hỗ trợ thêm học sinh ở các bậc học khác ở địa phương.