Năm 2024, tỉnh Sơn La phấn đấu, người tham gia BHXH đạt 18,8% lực lượng lao động trong độ tuổi; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 96,1% dân số có mặt trên địa bàn tham gia BHYT.
“Giảm gánh nặng kinh tế khi ốm đau.
Đây là chia sẻ của chị Hồ Thị Thư, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, Sơ La khi nói về tính ư việt của tấm thẻ BHYT. Chị kể, tháng 4/2023, chị phát hiện bị thoái hóa khớp, sau 23 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tổng chi phí hơn 74 triệu đồng, nhờ có thẻ BHYT, chị Thư chỉ phải chi trả 10,8 triệu đồng tiền viện phí và gần 3,2 triệu đồng các các dịch vụ và thuốc không nằm trong danh mục chi trả của BHYT.
“Gia đình tôi thu nhập chủ yếu từ buôn bán, kinh doanh, nhưng bấp bênh, nhờ có thẻ BHYT chi trả 80% viện phí, giúp tôi có điều kiện chữa trị bệnh kịp thời. Vì vậy, tôi khuyên mọi người nên tham gia BHYT để giảm gánh nặng kinh tế khi ốm đau”, chị Hồ Thị Thư giãi bày.
Còn ông Cà Văn Tiến, xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp, hơn 10 bị bệnh tiểu đường, định kỳ, hằng tháng phải vào Bệnh viện đa khoa huyện Sốp Cộp kiểm tra, điều trị. Chi phí 3-4 triệu đồng/lần, nhưng nhờ có thẻ BHYT chi trả 100%, giúp ông được chữa bệnh kịp thời. Ông Tiến nói: Kinh tế của gia đình trông chờ vào ruộng, nương, nếu không có thẻ BHYT, tôi đã không thể sống được đến ngày hôm nay. Thẻ BHYT, đã và đang mang lại hy vọng sống cho rất nhiều người bệnh.
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 259.600 lượt bệnh nhân được ngành BHXH tỉnh chi trả gần 230 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Lợi ích từ tấm thẻ BHYT rất lớn tuy nhiên vẫn còn không ít người vì nhiều lý do chưa tham gia BHYT, khi chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo mới vội đi tìm đến thẻ BHYT. Bệnh nhân Lò Quang Vinh trú, tại xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La là một trong nhiều trường hợp rơi vào tình cảnh này.
Ngày 16/03/2024, tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, tiếp nhận bé Lò Quang Vinh, sinh ngày 14/01/2021, vào viện trong tình trạng chấn thương sọ não, tổn thương xác định khác tác động đến nhiều vùng cơ thể sau ngã nhưng không có thẻ BHYT và giấy khai sinh gia đình lại rất khó khăn. Ngay khi nhận tin báo, bệnh nhân không có tiền để trang trải viện phí từ Bệnh viện đa khoa tỉnh, cơ quan BHXH tỉnh đã đề nghị UBND xã Huổi Một lập thủ tục hồ sơ cấp thẻ BHYT cho bé Lò Quang Vinh. Nhờ vậy bệnh nhân Lò Quang Vinh đã được quỹ BHYT chi trả 29.214.764 đồng cho đợt điều trị này.
Không ít thách thức
Theo ông Thiều Quang Ngãi, Giám đốc BHXH, đến hết quý I/2024, toàn tỉnh có 1.237.659 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 94,6% dân số, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 3.610 người, cộng với số ngoại tỉnh tăng 12.501 người, nhưng những con số này giảm gần 4% so với cuối năm 2023. Còn BHXH tự nguyện, có 41.643 người tham gia, bằng 5,46% lực lượng lao động, tăng mới 551 người nhưng so với cùng kỳ năm 2023, giảm 3.408 người, cộng với số bảo lưu giảm 2.508 người.
Lý giải lý do việc tham gia BHXH, BHYT của người dân còn chưa bền vững ông Thiều Quang Ngãi cho hay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tác động sâu sắc đến kinh tế - xã hội của tỉnh; các đơn vị, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh, người lao động mất việc làm, thu nhập giảm, dẫn đến việc trích nộp BHXH, BHYT không được đầy đủ, kịp thời; đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng.
Thực hiện Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng, thực hiện từ 1/1/2022, nên mức đóng của người tham gia BHXH tự nguyện tăng hơn gấp đôi, trong khi số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh đăng ký mức thu nhập dưới 1,5 triệu đồng chiếm trên 70% số người tham gia BHXH tự nguyện, nên số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện dừng không tham gia tiếp khá lớn. Số người được ngân sách Nhà nước mua BHYT chiếm tỷ trọng lớn, tính bền vững không cao, khi thay đổi chính sách, người dân không được ngân sách Nhà nước mua BHYT, khó khăn trong tiếp tục tham gia BHYT.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 96,2% dân số tham gia BHYT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, ông Thiều Quang Ngãi cho rằng, bên cạnh nỗ lực của cơ sở trong việc vận động, tuyên truyền cũng như đảm bảo công tác KCB kịp thời, nhanh chóng rất cần sự đồng hành vào cuộc của các cấp, các ngành.
Theo đó, BHXH tỉnh Sơn La đang kiến nghị với BHXH Việt Nam đề xuất với Chính phủ, Bộ Y tế thực hiện có lộ trình thay đổi mức hỗ trợ mua thẻ BHYT đối với người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng II, vùng III, thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 và người dân tộc thiểu số đang được Ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, không cắt giảm toàn bộ mức hỗ trợ khi thay đổi danh sách các xã vùng II, vùng III, thôn đặc biệt khó khăn. Điều chỉnh mức đóng BHYT theo lộ trình, phù hợp với lộ trình tính đúng, tính đủ cơ cấu giá dịch vụ khám, chữa bệnh, đảm bảo cân đối thu, chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Tăng cường cải cách hành chính, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để người bệnh được thụ hưởng tốt nhất các chính sách về BHYT, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.