BHXH Việt Nam: Chuyển đổi số toàn diện

Lan Hương 10/10/2023 17:03

Nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10), Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã có những trao đổi, chia sẻ về công tác chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của ngành BHXH Việt Nam nhằm phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp (DN).

Thời gian qua, công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, đặc biệt là việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đã đạt được những kết quả quan trọng, được Quốc hội, Chính phủ cũng như xã hội đánh giá cao. Trong các kết quả đó, xin Tổng Giám đốc đánh giá, đâu là những dấu ấn nổi bật, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ngành?

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh: Là cơ quan triển khai thực hiện các chính sách về BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam thường xuyên tương tác, giao dịch và phục vụ hầu hết người dân, DN nên việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngành. Chính vì vậy, toàn ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, mang lại những thay đổi đột phá, góp phần kiến tạo và xây dựng ngành BHXH Việt Nam số theo đúng định hướng về Chính phủ số của Đảng và Nhà nước ta. Một số kết quả nổi bật như sau:

Một là, BHXH Việt Nam là một trong số đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức. Trong quá trình triển khai, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ nhằm xây dựng, làm giàu CSDL quốc gia về Bảo hiểm. Hiện nay, Bảo hiểm đang quản lý hơn 91,74 triệu người tham gia, trong đó đã xác thực và đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư đạt tỷ lệ 94%.

Hai là, Với vai trò, trách nhiệm được Chính phủ giao là đơn vị chủ quản của CSDL quốc gia về bảo hiểm - một trong sáu CSDL quốc gia quan trọng, ngành BHXH Việt Nam luôn đồng hành, phối hợp chia sẻ dữ liệu, hỗ trợ nhiều bộ ngành, địa phươngvì mục tiêu chung. Trong đó, Ngành đã tích cực phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội … để triển khai hai nhóm thủ tục hành chính liên thông (Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng); dịch vụ công (DVC) trực tuyến “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp”…

Tính đến nay, toàn bộ các cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, với gần 50 triệu lượt tra cứu thông tin BHYT qua CCCD phục vụ làm thủ tục KCB BHYT, đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh và cơ sở KCB BHYT.

Ba là, hoàn thành cung cấp DVC trực tuyến theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ lên Cổng DVC quốc gia, gồm các DVC: “Đăng ký tham gia đóng BHXH tự nguyện”; “Đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT”; “Giải quyết hưởng BHXH một lần”…

Bốn là, tiếp tục nâng cấp, triển khai hiệu quả ứng dụng VssID - BHXH số; đồng thời triển khai kết nối, tích hợp tài khoản định danh điện tử (tài khoản VNeID) trên ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam, hướng tới cho phép hơn 50 triệu người dân đang có tài khoản VNeID có thể truy cập, sử dụng ứng dụng VssID.

Năm là, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng (ATTT) như ban hành quy định, quy chế về công tác ATTT; triển khai đầy đủ các giải pháp kỹ thuật, phương án bảo đảm ATTT theo cấp độ... để chủ động ứng phó từ sớm, xử lý, ngăn chặn kịp thời các cuộc tấn công mạng.

Những kết quả này đã tác động, đem tới hiệu quả như thế nào trong hoạt động quản lý và nghiệp vụ của ngành, cũng như mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia, thụ hưởng?

Với quan điểm xuyên suốt "Lấy người dân, DN làm chủ thể, trung tâm phục vụ", tất cả các kết quả, nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam đều nhằm mang tới những lợi ích tối ưu, tốt hơn cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Các lĩnh vực hoạt động của ngành đều được số hóa và ứng dụng CNTT với gần 30 hệ thống ứng dụng CNTT quản lý các quy trình nghiệp vụ, hơn 20 nghìn tài khoản trong ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của ngành. Hệ thống thông tin giám định BHYT của ngành đang kết nối với gần 13.000 cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc. Hằng năm, Hệ thống Thông tin giám định BHYT cùng Hệ thống giao dịch BHXH điện tử đã tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến.

Đáng chú ý, 100% thủ tục của Ngành đã được cung cấp DVC trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng DVC BHXH Việt Nam; đồng thời từng bước tích hợp trên Cổng DVC quốc gia. Gần như tất cả các hoạt động của ngành, cũng như các giao dịch của người người dân, DN với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh trao đổi với người dân đến làm thủ tục tại BHXH TP.HCM.

Đặc biệt, ngành đã đưa vào triển khai ứng dụng “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động. Hiện đã có hơn 30 triệu tài khoản sử dụng ứng dụng, với hơn 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để đi KCB trên toàn quốc. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) lần thứ 38, BHXH Việt Nam đã vinh dự được ASSA trao tặng giải thưởng “Thực tiễn hiệu quả” tại hạng mục công nghệ thông tin cho ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên điện thoại thông minh. Điều đó cho thấy sự quan tâm, đánh giá cao của các tổ chức an sinh xã hội quốc tế đối với giải pháp công nghệ mang lại nhiều tiện ích cho người tham gia này.

Những dấu ấn trong kết quả triển khai công tác chuyển đổi số lĩnh vực BHXH, BHYTphải nói là rất đặc biệt. Vậy theo Tổng Giám đốc, đâu sẽ là những bài học, giải pháp trọng tâm để ngành BHXH Việt Nam tiếp tục phát huy kết quả trong thời gian tới?

Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Ngay khi có chỉ đạo của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số, Tổ công tác triển khai Đề án 06; Ban cán sự đảng BHXH Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 362-NQ/BCSĐ ngày 12/5/2023 về tăng cường thực hiện Đề án 06, theo đó, BHXH Việt Nam ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 362-NQ/BCSĐ, trong đó nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm đối với từng cơ quan, đơn vị trực thuộc, yêu cầu chất lượng (sản phẩm), tiến độ rõ ràng, nhằm đảm bảo hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao của ngành BHXH Việt Nam tại Đề án 06.

Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp với các bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng Đề án tổng thể về Chuyển đổi số của ngành. Ở giai đoạn tiếp theo từ năm 2023 đến 2025 và định hướng đến năm 2030, BHXH Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT làm trung tâm. Trong đó, tập trung củng cố, phát huy thế mạnh của CSDL sẵn có luôn được làm giàu; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xác thực, chia sẻ, liên thông dữ liệu phục vụ công tác quản lý và cung cấp DVC trực tuyến; phát triển ngành BHXH Việt Nam số với nguồn nhân lực số chất lượng cao; đưa vào thử nghiệm và áp dụng các công nghệ mới như Blockchain, Big Data, AI để mang lại hiệu quả trong quản lý, nâng cao trải nghiệm của tổ chức, cá nhân...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    BHXH Việt Nam: Chuyển đổi số toàn diện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO