Bị niêm phong hóa đơn sai luật - một doanh nghiệp “chết đứng”

Bắc Vũ 18/07/2015 08:00

Đang hoạt động có hiệu quả, thực hiện đầy đủ các khoản đóng góp cho Nhà nước, nhiều công nhân đang có việc làm ổn định, bỗng dưng bị cơ quan thuế cấp huyện niêm phong hóa đơn làm cho một doanh nghiệp (DN) phá sản. Đó là DN tư nhân Trường Sơn (xóm Sơn Tây, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An).

Bị niêm phong hóa đơn sai luật - một doanh nghiệp “chết đứng”

Hơn 1 năm bị ngưng hoạt động, hơn 46 ngàn lít xăng
(một phần tài sản của doanh nghiệp) phải bán dần, bán mòn bù lỗ.

Từ trước năm 2013, DNTN Trường Sơn là đơn vị làm ăn thuộc tốp đầu của huyện, được xếp vào hàng các doanh nghiệp làm ăn phát triển. Với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là buôn bán xăng dầu, vận tải và cung cấp vật tư.

Bỗng dưng cuối năm 2013, Chi cục Thuế huyện Nghĩa Đàn tiến hành thu thuế của DNTN Trường Sơn 2 lần trong một tháng bằng cách khấu trừ qua tài khoản của doanh nghiệp tại Ngân hàng thương mại cổ phần BIDV chi nhánh Phủ Quỳ. Biết được điều này, DTNN Trường Sơn đã yêu cầu Chi cục Thuế Nghĩa Đàn bù trừ số tiền thừa này qua tháng tiếp theo, tuy nhiên đã bị Chi cục Thuế lờ đi.

“Trước sự việc đó, tháng 5/2014 DN chúng tôi ngừng nộp thuế để yêu cầu Chi cục Thuế huyện Nghĩa Đàn giải quyết xong việc “thu thừa” tiền thuế của doanh nghiệp”, ông Trần Tử Trường- Giám đốc DNTN Trường Sơn bức xúc. Trước những thắc mắc của DN, Chi cục Thuế huyện Nghĩa Đàn không những không giải quyết mà vào ngày 7/5/2014 tiến hành lập biên bản phong tỏa tài khoản của DN tại Ngân hàng BIDV, đồng thời cử nhân viên tới niêm phong hóa đơn chứng từ của DN, ông Trường cho biết thêm.

Điều đáng nói là việc niêm phong hóa đơn của Chi cục Thuế huyện Nghĩa Đàn có nhiều biểu hiện không đúng với Điều 98a của Luật Quản lý thuế.

Cụ thể, Điều 98a có nội dung “1; Cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng được thực hiện khi cơ quan quản lý thuế không áp dụng được hoặc đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 93 của Luật này nhưng vẫn chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt. 2; Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm thông báo cho đối tượng bị cưỡng chế biết trong thời hạn ba ngày làm việc trước khi thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. 3; Khi thực hiện biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều này, cơ quan quản lý thuế phải thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng”.

Bị niêm phong hóa đơn sai luật - một doanh nghiệp “chết đứng” - 1

Những chồng giấy khiếu nại, những hồ sơ tố cáo cứ dày lên từng ngày,
nhưng anh Trường vẫn chưa được một câu trả lời thỏa đáng
từ ngành thuế huyện Nghĩa Đàn.

Dựa vào nội dung của Điều 98a và thực tế cho thấy, DNTN Trường Sơn trước khi bị phong tỏa hóa đơn là DN nộp đầy đủ các koản thuế, thậm chí còn được Chi cục Thuế huyện Nghĩa Đàn “thu thừa”.

Tiếp đó, Mục 2 Điều này nói rằng “Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm thông báo cho đối tượng bị cưỡng chế biết trong thời gian ba ngày làm việc trước khi thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng”. Nói là vậy, nhưng việc niêm phong (cưỡng chế) hóa đơn của DN Trường Sơn vào ngày 7/5/2014 mà Chi cục Thuế Nghĩa Đàn thực hiện, không hề thông báo với DN theo đúng quy định, duy chỉ có nhân viên tên là Phan Thị Khánh Linh (Chi cục Thuế Nghĩa Đàn) đến trụ sở DN giao một biên bản nói về việc niêm phong hóa đơn, sau khi niêm phong bàn giao cho người làm chứng cất giữ, mà không giao cho DN bị cưỡng chế.

Ông Trần Tử Trường bức xúc: “Hôm đó, là ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cán bộ nhân viên DN đang tổ chức kỷ niệm, thì chị Phan Thị Khánh Linh (nhân viên Chi cục Thuế) đến trụ sở, lập biên bản và yêu cầu niêm phong hóa đơn của DN mà không hề có một thông báo, cũng như kê khai tài sản nào. Thậm chí, sau khi lập xong biên bản, chị này lại giao cho nhân chứng giữ số hóa đơn chứng từ này cất giữ mà không giao cho DN. Hơn 1 năm trôi qua, những thắc mắc của chúng tôi không hề được giải quyết, những hợp đồng của chúng tôi bị chấm dứt, lao động ra đường, DN đóng cửa, thất thoát của DN hơn 17 tỷ đồng, những thiệt hại ấy, ai đền bù cho chúng tôi, số tiền nợ ngân hàng cứ lớn dần, giờ tôi chỉ còn cách bán nhà để trả nợ”.

Sau hơn 1 năm bị phong tỏa tài khoản và niêm phong hóa đơn, chứng từ, những khó khăn mà DN gặp phải cứ dồn dập ập xuống, công nhân tan tác, phải đền bù hợp đồng với đối tác. Và đến hôm nay, vị giám đốc của DN được xem là “tóp” của huyện Nghĩa Đàn đã phải đi làm nhân viên cho một công ty khác. Người vợ ở nhà, bán nốt những lít xăng lẻ còn tồn đọng từ khi bị ngưng hoạt động để sinh sống.

Đem những thắc mắc của DN đến Chi cục Thuế huyện Nghĩa Đàn để nắm rõ bản chất vấn đề. Tuy nhiên, qua bao nhiêu lần liên lạc, nhiều lần tới trụ sở, nhưng ông Trần Xuân Thịnh- Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Nghĩa Đàn đều bận họp. Được biết, trong thời gian qua tỉnh Nghệ An luôn quan tâm đến vấn đề đầu tư, phát triển của DN, kể cả DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, tại huyện Nghĩa Đàn, những “o ép” của ngành thuế đã làm cho một DN “chết đứng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bị niêm phong hóa đơn sai luật - một doanh nghiệp “chết đứng”