Bình Phước là một trong những địa bàn có tỷ lệ tảo hôn trong cộng đồng DTTS ở mức cao. Năm 2019, tỷ lệ này trong đồng bào DTTS lên tới hơn 28%. Tuy nhiên, Bình Phước đang có những bước tiến rõ rệt trong đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh việc huy động cả hệ thống chính trị, đa dạng hoá công tác tuyên truyền, trong đó có một nhân tố quan trọng là việc sử dụng hiệu quả các bộ tài liệu về truyền thông do Uỷ ban Dân tộc phát hành.
Bình Phước là địa bàn có số lượng người DTTS khác lớn, với hơn 203 nghìn người. Tỷ lệ tảo hôn những năm trước đây ở mức khá cao. Năm 2019, tỷ lệ này là 28,02%, nghĩa là trung bình cứ 100 trường hợp kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng (từ 10 đến 39 tuổi) thì có 28 trường hợp kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Từ thực tế này, Bình Phước đặt mục tiêu giảm mạnh tỷ lệ tảo hôn song song với các biện pháp xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế để nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con vùng DTTS. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng các mô hình, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động.
Đối với xây dựng các mô hình phòng, chống tảo hôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ luôn đóng vai trò nòng cốt. Các cấp Hội duy trì và nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả trong hội viên phụ nữ, phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục, nâng cao kiến thức cho phụ nữ về chăm sóc sức khỏe gia đình, kết hợp thực hiện cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội đã xây dựng các mô hình tuyên truyền về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống phù hợp với từng nhóm đối tượng phụ nữ của từng đồng bào DTTS. Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thành lập được 46 “Tổ truyền thông cộng đồng”; “6 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; “5 Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi”; tổ chức các hội nghị truyền thông, các chuỗi hoạt động tuyên truyền, in ấn các ấn phẩm tuyên truyền..., qua đó lồng ghép việc tuyên truyền về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Theo ông Lý Trọng Nhân, nguyên Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, công tác tuyên truyền, vận động là một nội dung quan trọng để nâng cao nhận thức của bà con, tiến tới ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn. Đặc biệt, thực hiện Tiểu dự án 2 - Dự án 9 và Tiểu dự án 1 - Dự án 10 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Phước, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hành 20.000 tờ rơi tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS; tổ chức 4 lớp tập huấn, tuyên truyền cho 400 người tại 4 xã gồm: Xã Lộc Quang, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh; xã Phú Văn, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập; biên soạn, phát hành 2.350 cuốn sổ tay tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống phát cho 7 trường Dân tộc Nội trú và phụ huynh của con em tại các trường này. Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức các đợt tập huấn, hội nghị... với nhiều chuyên đề liên quan, thu hút khoảng 16.450 lượt người tham gia, cấp phát 25.200 tờ rơi; tuyên truyền 66 cái pano, 220m băng rôn, 10 cụm pano cấp phát 200 bộ tài liệu tuyên truyền về công tác gia đình; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về pháp luật nói chung và Luật bạo lực gia đình nói riêng, về tác hại và hệ lụy do tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ra...
Trong các hoạt động truyền thông, đáng chú ý, Ban Dân tộc tỉnh triển khai tuyên truyền 7 phim tài liệu, 3 phim ngắn (tiểu phẩm) tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương theo hình thức trực tuyến: đăng tải 10 video (7 phim tài liệu, 3 phim ngắn) trên Website Ban Dân tộc tỉnh (https://bdt.binhphuoc.gov.vn/), Fanpage Ban Dân tộc Bình Phước (https://www.facebook.com/bandantocbinhphuoc); đồng thời gửi đường link vào các trang Nhóm Zalo Công tác dân tộc các địa phương. Kết quả, toàn tỉnh đã có 21.315 lượt xem, lượt tiếp cận video. Trong đó, có 12.955 lượt xem trên Website Ban Dân tộc. Phim Video tiểu phẩm “Lửa Hồng”, tuyên truyền tảo hôn có lượt xem cao nhất là 1.878 lượt. 100% cán bộ công tác dân tộc tại địa phương nhận được 10 đường link phim, tiểu phẩm tuyên truyền.
Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước cũng triển khai tuyên truyền hiệu quả các tài liệu của Trung ương. Sau khi nhận các bộ tài liệu gồm sổ tay tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tờ rơi tảo hôn; tờ rơi cận huyết thống (Công văn số 892/UBDT-DTTS ngày 02/6/2023 của Uỷ ban Dân tộc). Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước đã chuyển giao “Sổ tay tuyên truyền về tảo hôn hôn nhân cận huyết thống” cho già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS. Từ đó, khi đi tuyên truyền các già làng, trưởng bản đã có sẵn thông tin trong cuốn sổ tay để tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết vùng đồng bào DTTS và miền núi tại địa phương. Thông qua các nội dung tuyên truyền trong các tờ rơi tảo hôn, tờ rơi cận huyết thống do Ủy ban Dân tộc cung cấp, Ban Dân tộc tỉnh đã tiến hành cấp phát cho đồng bào DTTS ở những địa phương có tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao. Việc làm đó đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các hệ lụy của nó.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến tảo hôn và tác hạị, hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Đặc biệt, tỉnh Bình Phước sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, trang Fanpage của Ban Dân tộc như: Xây dựng, thực hiện chương trình thông tin, chuyên trang, chuyên mục, tin, bài tuyên truyền các hoạt động bình đăng giới thuộc phạm vi quản lý, đăng tải các hình ảnh, video clip liên quan đến công tác dân tộc và các văn bản vi phạm pháp luật liên quan.