Trước đề nghị về cơ chế được mở rộng thêm 12 ha đất của Đại học Tôn Đức Thắng, Bí thư Đinh La Thăng nói luôn: “Anh (ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN) lo cơ chế đi, chúng tôi (TP Hồ Chí Minh) sẽ giải quyết vấn đề đất đai”.
ĐH Tôn Đức Thắng tặng bức tranh truyền thống của trường cho Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng.
Làm việc với lãnh đạo ĐH Tôn Đức Thắng (14/3), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã bày tỏ phấn khởi khi lắng nghe chia sẻ về tham vọng của trường muốn trở thành đại học số 1 của Việt Nam, đạt chuẩn quốc tế 5 sao, và hướng đến vào top 500 trường đại học hàng đầu thế giới.
Theo bà Trịnh Minh Huyền, Trợ lý của TS Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, chính mô hình đào tạo của trường đã trở thành cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị quyết 77 vào tháng 10/2014 về đổi mới các cơ sở GD-ĐT.
Tuy nhiên, khi nghe các lãnh đạo ĐH Tôn Đức Thắng trình bày khát vọng của mình, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng đặt ra nhiều vấn đề gợi ý Nhà trường: Trường sẽ làm gì để khác biệt, qua đó đạt thứ hạng cạnh tranh cao, muốn tự chủ, có quản lý mô hình trường theo doanh nghiệp không? Lương của giảng viên so với trường khác thì sao? Kết nối với các viện nghiên cứu, trung tâm khoa học, doanh nghiệp, các khu công nghiệp cao để đảm bảo đào tạo gắn nhu cầu thực tiễn thế nào? Trường có chủ trương đào tạo chương trình khởi nghiệp hay không?
“Đừng coi đây là những câu hỏi nặng nề mà như những gợi ý của thành phố. Tôi muốn lắng nghe phần trả lời của lãnh đạo và các thày cô nhà trường”, ông Thăng nói thêm.
Đáp lời Bí thư Thành ủy, TS Lê Vinh Danh cho biết, rất may là những vấn đề Bí thư nêu thì trường đều đã và đang triển khai. Còn nói về sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu Tôn Đức Thắng, thể hiện sự khác biệt với các trường ĐH khác thì Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng cho biết: Đó là lợi thế về chất lượng đầu ra, với bằng chứng là 95% sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Cụ thể là một số ngành đào tạo mũi nhọn của Nhà trường đã tạo được dấu ấn như Điện, Công nghệ thông tin, Bảo hộ lao động, các ngành kỹ thuật… Thậm chỉ, ngành điện – điện tử hiện đã vượt ĐH Bách khoa TP HCM và nằm trong nhóm ngành được Tập đoàn Điện lực VN đặt hàng mỗi năm.
Tuy nhiên, ông Đặng Ngọc Tùng cũng chia sẻ khó khăn của trường hiện nay dù đã được quyền tự chủ nhưng việc bổ nhiệm ban giám hiệu hiện nay vẫn phải phụ thuộc vào cơ quan chủ quản được quy định tại điều 20 của Luật Giáo dục. Vì điều luật này mà trường không được tự quyết định về nhân sự hiệu trưởng, hiệu phó.
Nghe đến đây, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nói ngay: “Nếu vậy thì xin thí điểm. Kết quả tốt thì kiến nghị sửa luật”. Ông hỏi thêm: “Trường có muốn thí điểm quản lý như doanh nghiệp hay không?”, ông Lê Vinh Danh trả lời: Trường rất muốn nhưng chưa được cơ quan chủ quản đồng ý.
Bí thư Thăng nhìn sang ông Đặng Ngọc Tùng. Ông Tùng đứng lên nói: Chúng tôi cũng có cái khó cũng chính là do bất cập trong Điều 20 này. Nếu mà bỏ được điều này đi thì cơ quan chủ quản đương nhiên không khó dễ gì chuyện đó.
Ông Thăng cắt lời: “Tổng Liên đoàn nên trao quyền bổ nhiệm nhân sự cho trường. Không cần đưa các thành phần khác, những thành phần không thực sự gắn với trường vào Hội đồng trường (đại diện Liên đoàn lao động thành phố, UBND TP…). Bởi vì theo ông Thăng thì đưa lãnh đạo thành phố vào kiêm nhiệm, rồi đi họp suốt, làm sao giải quyết được.
Một trong những kiến nghị khác của ĐH Tôn Đức Thắng là muốn có cơ chế được mở rộng thêm 12 ha đất để đạt được mục tiêu trong 7 năm lọt vào nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới. Ông Đinh La Thăng cũng giải quyết ngay: “Anh (ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN) lo cơ chế đi, chúng tôi (TP Hồ Chí Minh) sẽ giải quyết vấn đề đất đai”.
Đồng thời, Bí thư Thành ủy TP cũng đề nghị Tổng LĐLĐ TP phải họp lại Đảng đoàn, Đoàn chủ tịch để mạnh dạn trao cơ chế cho ĐH Tôn Đức Thắng hoạt động tự chủ như một doanh nghiệp.
Cùng ngày (14/3), Bí thư Đinh La Thăng cùng lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQVN cũng đã đi thăm các trung tâm thực hành; khu phức hợp thể thao – vui chơi cho sinh viên và kí túc xá của trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Trước đó, Bí thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cũng đã đến chia buồn với gia đình Giáo sư Lý Chánh Trung – Một nhân sĩ lớn thuộc thế hệ trí thức Việt Nam nổi tiếng ở hải ngoại từ thời chống Pháp.
Tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng với lãnh đạo trường ĐH Tôn Đức Thắng vào ngày 14/3, ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQVN chia sẻ cảm xúc của mình: Ngôi trường mang tên bác Tôn, người sáng lập Công hội Đỏ. Trước khi làm chủ tịch nước, bác Tôn cũng giữ cương vị Chủ tịch UBTƯ MTTQVN. Tôi là thế hệ tiếp nối, tôi rất mong muốn ngôi trường mang tên Người đạt được thành tựu xứng đáng. Tôi cũng chia sẻ cảm nghĩ của mình là cơ chế hiện nay rõ ràng còn manh mún, tủn mủn. Và, đã đến lúc cần cho các trường tự chủ hoàn toàn, có cơ chế rõ ràng để các cơ sở GD-ĐT bậc ĐH của Việt Nam vươn tầm đẳng cấp quốc tế”
Thành Luân(lược ghi)