Dù cho biết Hà Nội đang xem xét khả năng hạn chế xe máy, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng nói: Ô tô cũng có rất nhiều vấn đề của ô tô chứ không chỉ giải quyết được xe máy là xong đâu. Người đứng đầu Đảng bộ Thủ đô cũng băn khoăn về vốn cho các dự án giao thông.
Hà Nội tiến tới hạn chế xe máy. Ảnh minh họa.
PV: Đầu tháng 7 tới, HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét một quyết sách quan trọng về giao thông của Thủ đô, trong đó có vấn đề hạn chế xe cá nhân, tiến tới dừng xe máy. Nhiều chuyên gia nói đây là việc khó nhưng vẫn phải làm, thưa Bí thư?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải: Tới đây, Mặt trận Tổ quốc sẽ họp phản biện, làm rõ việc này. Vấn đề tháo gỡ “điểm nghẽn” về giao thông ai cũng muốn làm nhưng vấn đề là tiền ở đâu ra.
Việc hạn chế phương tiện cá nhân, nhiều ý kiến cho là trước sau gì cũng phải làm và nhìn chung là người dân, dư luận rất ủng hộ nhưng như Bí thư đã nói, cái khó nhất của Hà Nội là tiền đâu đầu tư hạ tầng giao thông. Vậy cách nào để giải quyết được bài toán đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân khi loại bỏ dần xe máy?
- Đến giờ chúng ta cũng chưa mường tượng được tốc độ tăng của nhu cầu đi lại sẽ thế nào đâu. Những năm vừa qua, tốc độ gia tăng phương tiện toàn 16-18%/năm, tăng cả ô tô lẫn xe máy, trong đó, ô tô cũng có rất nhiều vấn đề của ô tô chứ không chỉ giải quyết được xe máy là xong đâu. Tốc độ tăng dân số cũng vẫn cao, vẫn 200.000 người/năm. Hạ tầng vận tải công cộng phải cố gắng đáp ứng thôi.
Từ nay đến 2020, Hà Nội sẽ tăng thêm 62 tuyến xe buýt. Hiện tại, hàng năm, thành phố phải bù lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng cho xe buýt, tới đây sẽ còn lên đến 2.000 tỷ mà vẫn phải làm thôi, không có cách gì. Kế hoạch phát triển giao thông công cộng thì lớn nhất là tàu điện ngầm, cả tuyến sẽ tiêu tốn khoảng 38 tỷ USD, thành phố cũng phải cân đối vốn mà làm chứ còn cách gì nữa.
Ngoài ra, mỗi người dân cũng phải đóng góp vào chính sách chung của thành phố để làm cho giao thông ngày càng cải thiện hơn. Đơn cử như việc về cây xanh hiện nay, khi làm thêm đường để tránh ùn tắc thì chắc chắn phải “động” đến cây xanh nên tính toán thế nào cho cân đối các hướng, người dân cần chia sẻ. Thành phố thì vẫn cố gắng làm thế nào để giữ cây tối đa vì ai cũng mong muốn như vậy.
Ngoài vấn đề đầu tư cho hạ tầng đường sá, các giải pháp được cho là căn cơ hơn cần triển khai là mở rộng diện tích, điều chuyển bớt, giãn dần dân cư ra ngoại thành…?
- Việc đó thành phố cũng đang đầu tư rất lớn, cũng kêu gọi đầu tư xã hội mạnh mẽ chứ nguồn vốn ngân sách có mấy đâu. Tổng vốn ngân sách đầu tư cho thành phố một năm chỉ 30.000 tỷ đồng, không ăn thua gì. Chỉ một tuyến đường, tôi lấy ví dụ 1 đoạn ngắn của đường vành đai I Hoàng Cầu - Voi Phục đã ngốn 7.300 tỷ đồng. Rồi đầu tư một đôi tàu điện ngầm vốn đã lớn như thế. Vậy thì làm được gì với chỉ 30.000 tỷ/năm?
Cả thành phố còn hàng loạt dự án phải tính, như tuyến vành đai 2,5, 3,5, 4,5, rồi các tuyến xuyên tâm… đều phải đầu tư thêm. Rồi muốn đưa dân ra ngoài cũng phải rót tiền, phải mở rộng cơ sở hạ tầng ra thì mới kéo người ra được chứ cứ hô hào nhưng ngoại thành trống trơn cơ sở hạ tầng thì ai ra.
Đó là còn chưa kể có cơ sở hạ tầng rồi thì cũng còn phải xây dựng thói quen thì người dân mới giãn ra ngoài chứ không ai tự nhiên muốn ra ngoại thành ở cả.
Trong quy hoạch, Hà Nội còn 5 khu đô thị vệ tinh nữa (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn), cần phải thay đổi phương cách đầu tư. Hiện cũng đã có nhà đầu tư nhận làm đô thị vệ tinh, nhận lo luôn đường sắt nối khu vệ tinh với đô thị trung tâm. Nhưng có làm thì việc đó cũng mất cả chục năm chứ không đơn giản muốn là được ngay. Phải hình thành cho được thói quen sống như thế.
Việc huy động đầu tư hạ tầng rất khó khăn như vậy, trong nhiệm kỳ này, kế hoạch đề ra của lãnh đạo thành phố để thực hiện nhiệm vụ?
- Trong hội nghị đầu tư tôi đã từng đề cập, cơ chế là 80/20, tức ngân sách thành phố chỉ lo được 20% vốn đầu tư theo yêu cầu, còn lại 80% phải huy động từ xã hội, nghĩa là phải tạo môi trường, cơ chế, điều kiện hấp dẫn để nhà đầu tư quan tâm, quyết định đầu tư.
Bí thư vừa nhắc tới hội nghị của thành phố với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Qua hoạt động này, có thể đánh giá thế nào về khả năng thu hút, tham gia của nhà đầu tư BOT, PPP… vào lĩnh vực hạ tầng?
- Chúng tôi cũng đo đếm được khả năng này nhưng cũng chỉ ở mức 50/50 thôi. Không ít nhà đầu tư đưa ra các ý tưởng nhưng quy trình đầu tư, các thủ tục để có thể tiến hành cũng rất lâu, mỗi dự án cũng phải khoảng... 10 năm. Vừa qua, Hà Nội cho triển khai một số dự án thì đều là các dự án có từ 12 năm trước rồi, từ thời còn tỉnh Hà Tây. Khi đó, có cả trăm dự án đề ra mà không làm được, trong đó nhiều dự án do năng lực nhà đầu tư không đáp ứng, cũng có dự án chỉ là xếp chỗ để đấy, thành phố phải giải quyết từng bước, thu hồi lại sau đó kêu gọi nhà đầu tư khác.
Do vậy mà vừa qua, Hà Nội đề xuất một số cơ chế đặc thù cho các dự án giao thông quan trọng của thành phố, thưa Bí thư?
- Mong muốn của lãnh đạo thành phố là muốn làm nhanh những dự án này vì sức ép thực tế đã rất lớn. Ví dụ như việc làm giao thông kết nối, toàn thành phố có rất nhiều điểm cần kết nối trên hệ thống, không chỉ ở những tuyến lớn, các đại lộ hay quốc lộ huyết mạch mà còn kết nối từ các khu đô thị lớn, các khu sản xuất thập trung…
Nếu tổ chức hệ thống kết nối tốt, hiệu quả sẽ thay đổi nhiều nhưng khi triển khai làm, chỉ riêng về thủ tục cũng đã vướng nhiều quá, mà làm tắt thì lại không đúng luật. Vì vậy, thành phố muốn có một cơ chế đặc thù để có thể thúc đẩy nhanh các dự án, giải quyết nhanh được những điểm nghẽn vì đây đều là những dự án gần như là… cấp cứu, nếu không giải quyết ngay thì không đáp ứng được những nhu cầu đang rất cấp bách, bức xúc của cuộc sống.
Xin cảm ơn Bí thưThành ủy!