Bí thư Thành uỷ Hà Nội: “Ai cũng nói ngân hàng thừa thanh khoản còn doanh nghiệp thiếu tiền”

Việt Thắng 24/10/2023 12:49

Điều doanh nghiệp cần là sự tháo gỡ có thực chất, và nếu tập trung giải quyết được hai vấn đề là tín dụng và bất động sản thì mang lại hiệu quả cốt lõi cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp.

Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 (trong đó có Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương); Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch: phát triển kinh tế-xã hội năm 2021-2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu tại tổ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, nền kinh tế từ nay đến cuối năm vẫn sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, các giải pháp đưa ra cần cụ thể hơn thay vì chỉ bàn chung chung.

Trong đó, ông Dũng nhìn nhận, điều doanh nghiệp cần là sự tháo gỡ có thực chất, và nếu tập trung giải quyết được hai vấn đề là tín dụng và bất động sản thì mang lại hiệu quả cốt lõi cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp.

Về tín dụng, Bí thư Hà Nội bày tỏ: “Ai cũng nói tín dụng rất khó khăn, ngân hàng thừa thanh khoản còn doanh nghiệp thiếu tiền, tiếp cận vốn thì khó khăn. Nhưng vấn đề là phải gỡ được thực chất, có hiệu quả hơn, đột phá hơn”.

Nói về lĩnh vực bất động sản, ông Dũng cho biết Hà Nội có hơn 700 dự án chậm triển khai, nằm im bất động nhiều năm. “Triển khai thì không triển khai, dân thì bức xúc, lại là “ổ” làm mất an ninh trật tự”- ông Dũng cho hay.

Theo Bí thư Hà Nội, nếu giải quyết được sẽ kích thích thị trường bất động sản, kéo theo đó là nguyên nhiên vật liệu, lao động có việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vĩ mô, qua đó thông được tín dụng ngân hàng, thông được vấn đề trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. “Tất cả yếu tố này sẽ kích thích được tăng trưởng”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, Chính phủ đã có nhiều quyết sách, chủ trương về vấn đề gỡ khó cho thị trường bất động sản nhưng hiệu quả thực sự vẫn còn hạn chế. “Thành uỷ Hà Nội rất quyết tâm, nhưng khó khăn vẫn có và vướng bởi luật, mà chủ yếu là Luật Đất đai. Có những việc phải ra đến Quốc hội mới tháo được “ngòi” vì vướng luật”- ông Dũng nói.

Bí thư Hà Nội nhấn mạnh: “Không chỉ riêng TP Hà Nội mà những địa phương khác cũng vậy, nếu những dự án bất động sản cứ nằm ở đấy thì sẽ làm lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực Nhà nước trong khi người dân thì bức xúc vì đầu tư cứ dở dang”.

Về kiến nghị, ông Dũng cho rằng Quốc hội nên có chỉ đạo rà soát tổng thể các dự án bất động sản, có chủ trương chung để giải quyết bởi chủ yếu đang vướng Luật Đất đai, Luật Đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bí thư Thành uỷ Hà Nội: “Ai cũng nói ngân hàng thừa thanh khoản còn doanh nghiệp thiếu tiền”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO