Trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và triển khai có hiệu quả chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tại Nghị quyết số 01/NQ-HĐQT và Chỉ thị số 01/CT-NHNN, hoạt động kinh doanh của BIDV tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước, so với đầu năm và đạt kết quả tích cực so với kết quả chung của toàn ngành ngân hàng, tạo cơ sở vững chắc cho việc hoàn thành toàn diện kế hoạch kinh doanh năm 2015 cũng như hoàn thành cơ bản các mục tiêu của Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015.
Quy mô tổng tài sản nằm trong nhóm ngân hàng đứng đầu thị trường với 730 nghìn tỷ, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm trước và 14% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt gần 535 nghìntỷ đồng, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm trước và 9,1% so với đầu năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung 6% của toàn ngành ngân hàng; dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khách hàng bán lẻ theo đúng định hướng của Chính phủ, NHNN. Chất lượng tín dụng được kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu xấp xỉ 2% thông qua triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp xử lý nợ xấu. Nguồn vốn huy động tăng trưởng tốt, bền vững, đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo an toàn hoạt động: huy động vốn thị trường 1 đạt trên 574 nghìn tỷ, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm trước, 11,2% so với đầu năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung 4,4% của toàn ngành ngân hàng. Hoạt động bán lẻ tiếp tục được đẩy mạnh, chuyển đổi mạnh mẽ, khẳng định sức mạnh của Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam 2015 - danh hiệu được Tạp chí The Asian Banker trao tặng.
Hiệu quả kinh doanh của BIDV tăng trưởng ổn định, dẫn đầu thị trường về kết quả thu dịch vụ ròng, lợi nhuận trước thuế 06 tháng đạt 3.016 tỷ, tăng trưởng ấn tượng 25% so với cùng kỳ năm trước và kết quả này càng được đánh giá và ghi nhận hơn trong điều kiện BIDV luôn tiên phong thực hiện các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua giảm lãi suất cho vay, miễn giảm lãi… theo chủ trương của Chính phủ, NHNN.
Thị phần của BIDV trong toàn ngành tăng mạnh: thị phần tín dụng đạt 12,7%, tăng 1,1% so với năm 2014, thị phần huy động vốn đạt 11,59%, tăng 1,28% so với năm 2014. Với những kết quả vượt trội, thị trường đã có những đánh giá cao và tích cực về BIDV, cổ phiếu BID và BIC lọt TOP “cổ phiếu vua” bứt phá mạnh, tốc độ tăng thị giá của 2 cổ phiếu so với đầu năm có thời điểm đạt 110% và 98% (bình quân thị trường tăng 14-16%), khối lượng giao dịch cổ phiếu luôn nằm trong nhóm cao nhất thị trường.
Song hành cùng nhiệm vụ kinh doanh, phát huy vai trò là định chế tài chính hàng đầu, tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, BIDV đã tích cực tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng ngay từ những ngày đầu tháng đầu: NHTMCP Nam Đô (1999), hỗ trợ hợp nhất 3 Ngân hàng cổ phần Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Sài Gòn (2011) và đặc biệt từ ngày 1/4/2015 trên cơ sở chấp thuận chủ trương của Thống đốc NHNN, phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo sáp nhập MHB vào BIDV theo Quyết định số 25/QĐ-NHNN đã được tổ chức triển khai và ngày 25/4/2015 Thống đốc NHNN có Quyết định số 589/QĐ-NHNN chính thức chấp thuận việc sáp nhập MHB vào BIDV. Với tinh thần nỗ lực và khẩn trương, BIDV và MHB đã thực thi nhiệm vụ trong 55 ngày “thần tốc” kể từ thời điểm hai ngân hàng chính thức thông báo lên kế hoạch sáp nhập. Đến nay có thể nói BIDV là Ngân hàng đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ sáp nhập trong giai đoạn 2 của Đề án tái cơ cấu các TCTD.
Đồng thời, quá trình tái cơ cấu nội bộ tiếp tục được triển khai quyết liệt với cách nghĩ, cách làm mới, sáng tạo và dự kiến đến cuối năm 2015 BIDV có thể hoàn thành cơ bản tất cả các chỉ tiêu đề ra: Lộ trình tái cơ cấu hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh các công ty con được thực hiện đúng tiến độ, các công ty đều hoạt động có lãi với tổng LNTT tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm trước; 02 đơn vị thành viên Tổng công ty CP bảo hiểm BIDV (BIC), Công ty chứng khoán BIDV (BSC) đẩy mạnh tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, trong đó BIC đã ký kết chính thức với Công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm toàn cầu Fairfax (Canada). Kết quả thoái vốn đầu tư ngoại ngành theo chủ trương của Chính phủ gắn với đảm bảo lợi ích kinh tế của nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực, từ năm 2013 đến hết Quý II/2015 BIDV đã thoái vốn hơn 700 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn tất thủ tục ghi nhận kết quả thoái vốn tại NHLD VID Public, hạch toán thặng dư khoảng 1.000 tỷ đồng để gia tăng hiệu quả hoạt động, bổ sung thêm vốn điều lệ.
Vốn điều lệ của Ngân hàng sau sáp nhập đạt 31.481 tỷ, tăng mạnh so với mức 28.112 tỷ thời điểm đầu năm thông qua việc tăng vốn 3.369 tỷ của MHB khi sáp nhập vào BIDV; trong thời gian tới BIDV sẽ hoàn tất các thủ tục tăng vốn thêm 2.692 tỷ theo phương án đã được ĐHĐCĐ BIDV thông qua và đã được NHNN chấp thuận, đồng thời sẽ tiếp tục thực hiện tăng vốn từ việc xúc tiến tìm kiếm nhà đầu tư tài chính/cổ đông chiến lược, phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2, phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu…
Cơ cấu và kiện toàn mạng lưới hoạt động trong và ngoài nước, chủ động hội nhập vào thị trường tài chính quốc tế. Trong 06 tháng đầu năm, BIDV đã tiếp nhận 44 chi nhánh, 187 phòng giao dịch từ MHB sau sáp nhập, đồng thời thành lập mới 09 chi nhánh tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Tp.HCM và 11 phòng giao dịch đưa tổng số điểm mạng lưới hoạt động của BIDV lên gần 1.000 điểm. Tại thị trường ngoài nước, BIDV đã thành lập công ty Tài chính BIDV Myanmar (BMF), đánh dấu bước tiến mới tại thị trường Myanmar; ký kết hợp tác thỏa thuận với các ngân hàng Nhật, bước tiến quan trọng trong việc thâm nhập, kết nối thị trường Nhật Bản-Việt Nam; ký kết Biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Ngoại Thương của Nga (VTB) triển khai Tuyên bố chung giữa Chính phủ hai nước hỗ trợ nâng cao vai trò tiềm lực của Ngân hàng liên doanh Việt Nga (VRB); thực hiện chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam – Liên Bang Nga, BIDV cùng Ngân hàng đối tác VTB đã đẩy mạnh đàm phán thanh toán song phương giữa đồng Rúp & VNĐ để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ ngoại thương giữa 2 nước và tháo gỡ điểm nghẽn trong thanh toán giữa doanh nghiệp của 2 nước.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh đạt kết quả tích cực, vượt trội, BIDV còn tập trung nâng cao năng lực quản trị, cải cách thể chế tiệm cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, chú trọng đổi mới và phát triển toàn diện các mặt hoạt động mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính gắn với yêu cầu hướng đến khách hàng, gia tăng tỷ trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các lĩnh vực hoạt động và quản trị điều hành.