Ngày 10/6/2015, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức Hội thảo quốc tế "Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) - Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam”. Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 khách mời đến từ Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp (đặc biệt là DN khách hàng của BIDV), định chế tài chính, Viện nghiên cứu, Trường ĐH và các Hiệp hội. Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng nước CHXHCN VN đã quan tâm gửi bà
Năm 2015 là năm hội nhập sâu rộng của Việt Nam với hàng loạt các FTA đã, đang được kết thúc đàm phán và ký kết. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký hai FTA với Hàn Quốc (ngày 5/5) và Liên minh kinh tế Á-Âu (ngày 29/5) và dự kiến trong tháng 6 này sẽ ký FTA với Liên minh EU. Tại khu vực Đông Nam Á, theo lộ trình, Việt Nam sẽ cùng với các quốc gia ASEAN hình thành Cộng đồng kinh tế (AEC) ngày 31/12/2015. Đây là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập toàn diện các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, tiến tới hình thành một cộng đồng chung, dựa trên 3 trụ cột là kinh tế - chính trị, an ninh – văn hóa, xã hội. Chính phủ Việt Nam đã sớm nhận thức sâu sắc cơ hội cũng như thách thức của AEC đối với nền kinh tế đất nước nói chung và với cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, nhiều quyết sách và chương trình hành động đã được ban hành và triển khai trên quy mô lớn nhằm chủ động hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT) thành công.
Ông Phan Đức Tú – Tổng Giám đốc BIDV
Ông Phan Đức Tú – Tổng Giám đốc BIDV cho rằng: Hội nhập KTQT là một xu thế tất yếu và tác động của hội nhập được đánh giá là rất sâu, rộng. Đối với nền kinh tế, hội nhập tạo cơ hội mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, tạo động lực thúc đẩy thu hút nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam cũng như đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài. Hội nhập cũng tạo cơ hội tìm kiếm đối tác, liên kết kinh doanh, giao lưu, học hỏi, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý giữa các nước tham gia. Tuy nhiên, hội nhập KTQT cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, đó là: (1) Nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn trong khi quy mô nền kinh tế, doanh nghiệp còn nhỏ bé và năng lực cạnh tranh còn thấp; (2) Các dòng vốn đầu tư, hàng hóa thâm nhập mạnh vào Việt Nam ở quy mô lớn, nếu không có sự điều tiết hợp lý, sẽ có thể làm tăng mất cân đối vĩ mô; (3) Tham gia các hiệp định chung (nhất là cộng đồng kinh tế chung) sẽ ảnh hưởng đến quyền tự quyết của mỗi nước trong việc ban hành một số chính sách phát triển kinh tế; và (4) Những thách thức về nguồn nhân lực (rủi ro chảy máu chất xám), tranh chấp thương mại-đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ….cũng là những rủi ro cần tính đến.
Do đó, để có một cái nhìn toàn diện, nâng cao nhận thức về AEC cũng như tạo một diễn đàn để các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các hiệp hội, chuyên gia trong và ngoài nước và cộng đồng doanh nghiệp, ngân hàng sẻ chia những thông tin, kinh nghiệm, nhìn nhận cơ hội, khó khăn, thách thức trong quá trình Việt Nam gia nhập AEC nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ về con đường hội nhập, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược hoạt động phù hợp và hiệu quả nhằm tận dụng cơ hội cũng như xoay chuyển thách thức, BIDV tiến hành tổ chức Hội thảo quốc tế này.
Với tham luận: "Việt Nam và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế”, Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng nước CHXHCN VN đã phân tích những lý do và thực trạng hội nhập tại Việt Nam thời gian qua. Theo Ông Khoan, sở dĩ Việt Nam quyết định hội nhập kinh tế quốc tế là để mở rộng thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ từ bên ngoài và cùng với quá trình đổi mới về mọi mặt, Việt Nam đã có sự đổi mới tư duy về thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, Việt Nam vẫn gặp một số hạn chế như: (1) Nhiều cán bộ quản lý các cấp lẫn lãnh đạo DN chưa nắm sâu, còn nhiều lúng túng trong hành động; (2) Hệ thống pháp luật vẫn còn nhiều sự chồng chéo, không thật rõ ràng, minh bạch và nhất quán; (3) Cơ sở hạ tầng còn yếu kém; (4) Chất lượng, hiệu quả xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước vẫn hạn chế; (5) Dòng vốn FDI tăng cao nhưng tỷ trọng công nghệ cao chưa nhiều; (6) Kinh nghiệm điều hành nền kinh tế thị trường vốn còn hạn chế.
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu
quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có bài tham luận "Cộng đồng kinh tế ASEAN: Nhìn nhận từ Việt Nam và cơ hội kinh doanh”. Theo Ông Thành, AEC sẽ bao gồm 4 trụ cột: Một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; Một khu vực kinh tế cạnh tranh; Sự phát triển kinh tế công bằng; Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Để nắm bắt và tận dụng cơ hội kinh doanh, Ông Thành kiến nghị một số nội dung:
(1) Cần học quản trị sự bất định, cụ thể: Hiểu và sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro biến động; Nhận thức và đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn các hàng rào kỹ thuật; nhận thức vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô và thay đổi chính sách;
(2) Cần tìm kiếm cơ hội sản xuất kinh doanh: Mở rộng thị trường xuất khẩu; "Chen chân” sản xuất kinh doanh theo phân khúc, theo mạng, cụm, chuỗi; Tham gia phát triển kết cấu hạ tầng; Kinh doanh lĩnh vực ngành nghề mới phát triển;
(3) Chấp nhận cạnh tranh cùng học kết nối: Chuyển dần từ cách thức cạnh tranh "bằng giá" sang chú trọng cạnh tranh "phi giá"; Phát triển, toàn cầu hóa quá trình tích tụ và phân khúc cụm, mạng, chuỗi;
(4) Đồng hành với Chính phủ và biết "đối thoại" pháp lý: Nắm thông tin về hội nhập cùng chính sách, cải cách của Chính phủ; Trao đổi, đối thoại đây đủ, sâu sắc doanh nghiệp - Chính phủ; Hiểu biết cơ sở pháp lý/cơ chế, qui trình giải quyết tranh chấp, tranh luận và thực thi đảm bảo hợp đồng kinh doanh và quyền lợi doanh nghiệp.
Ông cũng cho rằng vai trò Chính phủ đối với AEC là: Hài hòa hóa các tuyến hội nhập với vấn đề cải cách/phát triển; Xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế đáp ứng cam kết TPP, RCEP, VN-EU FTA,...; Giảm thiểu phí tốn điều chỉnh; Xây dựng "hình ảnh" tốt về ứng xử Nhà nước/Chính phủ…/.
Ông Jeffrey Pirie, Giám đốc điều hành Deloitte Singapore
Ông Jeffrey Pirie, Giám đốc điều hành Deloitte Singapore có bài tham luận giúp người nghe hiểu hơn về Vị thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Ông cho rằng việc thành lập AEC hàm ý: Một nền kinh tế trở nên kết nối hơn bao giờ hết với hàng hóa trong khu vực; Việc hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên gần hơn và chắc chắn hơn; Các mạng lưới sản xuất và phân phối được mở rộng - với mức độ tập trung sâu và các mô hình kết nối nhiều hơn so với trước kia; Khối lượng giao dịch thương mại sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Theo kết quả khảo sát ý kiến các lãnh đạo DN trong khu vực do Deloitte tiến hành thì Indonesia, Thái Lan và Việt Nam là ba nước được cho rằng sẽ có lợi nhất khi AEC thành lập. Trong đó, những ngành hàng mà DN Việt Nam có thể được hưởng lợi nhiều là kinh doanh hàng tiêu dùng, y tế, sản xuất, bất động sản, công nghệ, truyền thông và viễn thông.
TS. Cấn Văn Lực, Hàm Phó Tổng Giám đốc BIDV
TS. Cấn Văn Lực, Hàm Phó Tổng Giám đốc BIDV với tham luận "Định chế tài chính đồng hành cùng doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập AEC” cho biết: Tại Việt Nam, theo lộ trình đã cam kết, đến năm 2015, Việt Nam phải mở cửa hơn trong ngành ngân hàng, bảo hiểm và thị trường vốn, nhằm thực hiện cam kết, theo đó, các nước sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ với mức sở hữu nước ngoài có thể lên đến 70%. Hiện nay, đối với lĩnh vực ngân hàng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 30% (nếu nhiều hơn, cần có chấp thuận của Chính phủ), đối với lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán là 49%. . Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) của các nước ASEAN, kể cả các NHTM Việt Nam đã có hiện diện thương mại ở các nước trong khối ASEAN, với nỗ lực mở rộng cơ hội đầu tư ra ngoài lãnh thổ, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch giữa các nước thành viên. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng lên khi AEC chính thức đi vào hoạt động.
Ông cũng đưa ra những khả năng hỗ trợ, cung ứng dịch vụ của các định chế tài chính đối vớiDoanh nghiệp, bao gồm: Thanh toán quốc tế; Tài trợ thương mại; Phòng ngừa rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất, rủi ro giá chứng khoán; Bán chéo sản phẩm ngân hàng-bảo hiểm-chứng khoán; Tư vấn thông tin, cung cấp báo cáo phân tích thị trường, xu thế; Xúc tiến đầu tư, thương mại trong nước và qua các hiệp hội; thiết kế và tổ chức các chương trình đào tạo, nhất là đối với DN vừa và nhỏ.