Thời gian gần đây, xuất hiện rất nhiều biểu hiện hoạt động ma túy đã và đang quay trở lại “len lỏi” vào trường học, đa dạng hơn, sử dụng cũng đơn giản hơn rất nhiều khiến không ít học sinh, sinh viên, thầy cô và gia đình các em khó phát hiện, đặc biệt là ma túy dạng trà sữa.
Biến chủng mới… trẻ hóa
Mới đây nhất là vụ việc xảy ra tại Lâm Đồng, được biết, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Lâm Đồng) phối hợp cùng Công an TP Đà Lạt đã bắt giữ, tịch thu tang vật (thùng trà sữa trộn cần sa đã pha chế) của Nguyễn Thị Thái Dung (23 tuổi), ngụ P.8, TP Đà Lạt khi đang trên đường vận chuyển đi bán.
Theo đánh giá của Bộ Công an, tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp, trong đó tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, chủ yếu tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Thống kê gần đây cho thấy, trong số hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cả nước, dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%, nếu tính đến độ tuổi 35 thì tỷ lệ này thậm chí lên đến 76%.
Trong số những người sử dụng trái phép chất ma túy, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 tuổi đến 25 tuổi. Đặc biệt ngày nay với sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại, giá thành ngày càng rẻ, dễ cất giấu, sử dụng, tính độc hại cao của ma túy tổng hợp, nhiều em 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy.
Các loại ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng, vì thế chúng len lỏi vào học đường dưới những cái tên mỹ miều, gây tò mò. Đồng thời, các loại hình vui chơi, giải trí như quán bar, karaoke, vũ trường… phát triển nhanh chóng nên số lượng người sử dụng ma túy là thanh thiếu niên ngày càng tăng. Các loại ma túy tổng hợp thường trở nên kích thích hơn khi sử dụng kèm với rượu, bia trong môi trường âm nhạc mạnh nên các quán bar, karaoke, vũ trường thường là nơi các đối tượng và thanh thiếu niên lợi dụng để tổ chức, sử dụng trái phép ma túy.
Đây là một thực trạng đáng lo ngại, cần có những giải pháp sớm, căn cơ, bảo đảm thực chất, hiệu quả để tiến tới đẩy lùi hoàn toàn tệ nạn ma túy ra khỏi xã hội nói chung và môi trường học đường nói riêng.
Cơ quan chức năng nói gì?
Vừa qua, tại hội nghị tổng kết 5 năm về “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng”, Bộ Công an cho biết, ma túy dạng “trà sữa” đã và đang len lỏi vào học đường.
Báo cáo tại hội nghị, bà Ngô Hoài Thu, đại diện Bộ Công an, cho biết thời gian gần đây, tình hình hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp, đã xảy ra nhiều vụ phạm pháp hình sự có tính chất rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả tác hại lớn; có nơi, có lúc gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
Đã xuất hiện phương thức mới, thủ đoạn phạm tội mới, gây khó khăn cho công tác đấu tranh của cơ quan chức năng; tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật, vấn đề về ma tuý, tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên là mối lo trong toàn xã hội.
Theo bà Ngô Hoài Thu, thời gian qua, tình hình tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, mặc dù các lực lượng chức năng đã rất nỗ lực, quyết tâm, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma tuý, bóc gỡ nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, song số vụ, số đối tượng và số vật chứng bị phát hiện và bắt giữ năm sau đều cao hơn năm trước.
Ma túy tổng hợp tác dụng mạnh, gây nghiện nhanh đang là “mốt” cho đối tượng thanh thiếu niên sử dụng, có chiều hướng lan nhanh, khó kiểm soát. Nguy hiểm là một số thanh thiếu niên tham gia hoạt động phạm tội ma túy có vai trò đáng kể trong các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia.
Theo thống kê, trong số 47 bị can thuộc 10 vụ án đặc biệt nghiêm trọng về ma túy do Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đang thụ lý điều tra, số đối tượng từ 18 - 30 tuổi là 20, chiếm tỷ lệ 42,55% tổng số đối tượng.
Trong khoảng 230.000 người nghiện có hồ sơ quản lý của cả nước, dưới 16 tuổi chiếm 0,1%; từ 16 - 30 tuổi chiếm 48%; cả nước hiện có khoảng 2.000 điểm, 300 tụ điểm phức tạp về ma túy và gần 1.600 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự có biểu hiện liên quan đến hoạt động ma túy.
“Hoạt động mua bán lẻ ma túy, tổ chức sử dụng trái phép ma túy diễn ra ở hầu hết các địa phương, nhất là việc lợi dụng các quán bar, vũ trường, karaoke... (vốn là các địa điểm vui chơi giải trí tập trung đông thanh thiếu niên) để tổ chức sử dụng ma túy. Đáng lo ngại, ma túy tổng hợp dưới các dạng: tem giấy, nước vui, trà sữa, ma tuý dạng khô gà... đã và đang len lỏi vào học đường, tấn công trực tiếp vào các đối tượng học sinh, sinh viên”, bà Thu cho hay.
Theo bà Thu, Bộ Công an sẽ đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để tội phạm, tệ nạn xã hội xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ tiêu cực, tham nhũng phải khẩn trương tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu.
Đồng thời, sẽ tiếp tục chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ GD-ĐT chủ động, làm tốt hơn nữa công tác nắm tình hình, tăng cường trao đổi thông tin, nhất là thông tin liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường, đặc biệt là ma túy.
Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho rằng, hiện nay tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng, nghiện ma túy gia tăng vì tội phạm ma túy đủ độ tinh ranh để biết học sinh, sinh viên đang ở độ tuổi hình thành nhân cách, dễ bị kích động, lôi kéo, rủ rê nên tìm đủ cách đưa ma túy vào học đường thông qua những điểm, tụ điểm xung quanh nhà trường và từ chính học sinh, sinh viên. Trong đó nổi lên gần đây là việc mua bán ma túy qua mạng và đa cấp, lợi dụng các học sinh, sinh viên nghiện ma túy. Hình thức đa cấp nguy hiểm ở chỗ phát tán nhanh, người bán ma túy là học sinh, sinh viên do đó sự rủ rê, lôi kéo và đưa bạn của mình vào con đường ma túy rất nhanh.
Theo Đại tá Vũ Văn Hậu, để ngăn chặn ma túy học đường, đầu tiên phải nhận thức và nhận diện đúng, đầy đủ về ma túy. Lực lượng công an đang tăng cường triệt xóa các đường dây, tụ điểm buôn bán, tổ chức, sử dụng ma túy, không để ma túy sản xuất trong nước, đồng thời quan tâm quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy, cũng như chỉ đạo toàn lực lượng vào cuộc cùng cấp ủy, chính quyền, địa phương, nhà trường ngăn chặn ma túy học đường.
"Lực lượng công an đã, đang và sẽ sát cánh với Bộ GD&ĐT, các hệ thống giáo dục từ công tác tuyên truyền pháp luật đến các giải pháp trong phòng ngừa cũng như thường xuyên kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, đấu tranh, xử lý các vi phạm về sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực trường học, trong quán bar, karaoke, vũ trường… để làm sao nhà trường phải trở thành pháo đài ngăn chặn ma túy, học sinh, sinh viên, giáo viên phải là những người nhận diện đúng, nhận thức đầy đủ và tự có sức đề kháng, không bị cám dỗ về ma túy và đặc biệt vai trò của phụ huynh, gia đình là rất quan trọng", Đại tá Vũ Văn Hậu cho hay.
Trong khi đó, theo Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT), ngành giáo dục cũng đang nghiên cứu xây dựng hệ thống thu nhận thông tin, thống kê, phân nhóm đối tượng trong toàn ngành về học sinh phổ thông liên quan hoặc có nguy cơ liên quan đến vi phạm pháp luật, tội phạm, tệ nạn xã hội và bạo lực học đường. Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin với các cơ quan, ban, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương để hoạch định chính sách, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm, tệ nạn xã hội, ma túy và bạo lực học đường.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các tài liệu, học liệu về tuyên truyền, giáo dục tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm trong trường học. Tăng cường xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình, hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống và cai nghiện ma túy, đặc biệt là tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ phụ trách công tác phòng, chống ma túy trong trường học.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội nói chung và phòng chống, cai nghiện ma túy nói riêng tại các cơ sở giáo dục, các trường học.