Biến đổi để gần gũi

NAM TRUNG 26/06/2023 09:23

Đưa một di sản văn hóa phi vật thể từ không gian thực hành, diễn xướng truyền thống sang không gian phi truyền thống, hẳn không còn quá xa lạ. Song, mỗi khi đưa vào không gian mới, bên cạnh sự tán thành, cũng thường vấp phải những phản ứng trái chiều.

Biểu diễn quan họ bên trong Nhà hát Quan họ Bắc Ninh.

Dù đã khánh thành và bắt đầu biểu diễn từ năm 2019, nhưng trong thời gian gần đây, câu chuyện Nhà hát Quan họ Bắc Ninh đưa vào sử dụng trong khán phòng bộ bàn ghế gỗ được tạo tác tại làng nghề Đồng Kỵ (thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh), thay vì lắp đặt ghế gấp như trong các hội trường, nhà hát hiện đại khác, bỗng được bàn luận xôn xao trên mạng xã hội.

Đáng chú ý không kém là vấn đề xoay quanh việc biểu diễn quan họ trong nhà hát hoành tráng như vậy có thực sự hợp lý. Bởi có nhà nghiên cứu văn hóa đã đưa ra lời nhận định trên trang Facebook cá nhân rằng, quan họ là hát giao duyên, mặt đối mặt, lời đối lời, UNESCO ghi danh “Không gian Văn hóa Quan họ”; việc xây dựng nhà hát như vậy không khác nào “quay lưng” lại với UNESCO.

Trên thực tế, tên chính thức được UNESCO ghi danh là “Dân ca Quan họ Bắc Ninh”. Thông tin thiếu chính xác mà vị này cung cấp vô hình trung đã tác động đến nhận thức của một bộ phận khán giả theo dõi Facebook của ông, khiến họ có những nhìn nhận còn phiến diện. Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của vị này, và cho rằng, quan họ nên được biểu diễn tại các không gian truyền thống như trên thuyền, trong đình, chùa, trên đồi Lim…

Sự trân trọng của nhà nghiên cứu này đối với môi trường diễn xướng mà quan họ vốn dĩ thuộc về, cho thấy ông đã nhận thức được tầm quan trọng của không gian văn hóa truyền thống trong việc bảo tồn di sản, mà không phải người làm công tác văn hóa nào cũng để tâm tới.

Song, quan họ không tự nhiên mà sở hữu cho mình nhiều không gian trình diễn đến thế, đằng sau đó là cả một quá trình phát triển và mở rộng phạm vi thực hành trong lịch sử. Tư duy về những không gian diễn xướng ấy được hình thành và truyền thừa từ nhiều thế hệ đi trước, nên hậu thế chúng ta ngày nay sẽ đặt định đấy là truyền thống.

Sang đến giai đoạn nước ta kháng chiến chống Mỹ, Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh sau khi thành lập vào năm 1969, đã cử những văn công tham gia đội Nghệ thuật xung kích đi biểu diễn phục vụ bộ đội Trường Sơn vào ngay năm sau. Những năm tiếp đó, đoàn tổ chức nhiều đợt biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân trong các tỉnh bị bom B.52 tàn phá. Có thể nói, chiến trường ác liệt là “sân khấu hiện đại” đầu tiên, đánh dấu sự bước chân ra khỏi không gian truyền thống quen thuộc của làn điệu dân ca quan họ.

Hiện nay, khi mà điều kiện của các khán thính giả nâng cao, nhiều người có nhu cầu được thưởng thức âm nhạc trong một không gian mới, khang trang, hiện đại, tiện nghi hơn. Nhất là với những người con của đất Bắc Ninh, đã quá quen với những không gian truyền thống của quan họ, nếu được thưởng thức làn điệu ở môi trường diễn xướng mới, hẳn nhiên sẽ là một trải nghiệm thú vị. Cùng với đó, hoạt động biểu diễn trong nhà có thể khắc phục được những điều kiện thời tiết xấu hay tình trạng chen lấn xô đẩy. Vì thế, sẽ có phần hơi bảo thủ, nếu cho rằng, quan họ chỉ nên diễn xướng trong các không gian văn hóa truyền thống, và phản đối việc biểu diễn ở một không gian mới.

Bên cạnh các loại hình nghệ thuật dân gian, việc quảng bá và phát huy giá trị của nghề truyền thống đang là vấn đề được nhiều tỉnh thành trên cả nước chú trọng đẩy mạnh.

Theo thống kê, Bắc Ninh hiện đang có hơn 60 làng nghề, trong đó, 30 làng nghề đạt tiêu chí làng nghề truyền thống. Việc đưa vào sử dụng trong nội thất nhà hát những bộ bàn ghế từ làng gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ đang góp phần giới thiệu đến công chúng, đặc biệt du khách thập phương thêm một di sản nghề thủ công truyền thống. Đồng thời, đây cũng là việc làm tận dụng được lợi thế của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế làng nghề.

Soi chiếu vào các loại hình văn hóa truyền thống khác của Việt Nam sẽ thấy, chẳng phải mỗi dân ca quan họ mới được đưa vào biểu diễn ở một không gian phi truyền thống. Cũng gắn liền với đời sống của nhân dân lao động, trước kia, sân khấu của chèo thường chỉ là tấm chiếu trải ở sân đình, sân chùa - nơi những người nông dân thường xuyên lui tới. Loại hình nghệ thuật này dần được tầng lớp có địa vị trong xã hội đón nhận, rồi từ đó tìm được “sân khấu mới” tại tư gia của họ. Sau này, Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần (tiền thân của Nhà hát Chèo Quân đội) đã nhiều lần biểu diễn phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tại chiến trường miền Nam.

Hay nghi thức hầu bóng trong tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ vốn tưởng rằng chỉ có thể thấy tại các phủ, đền, điện, cũng đã bước lên sân khấu cách nay khoảng 30 năm. Đầu những năm 1990, Nhà hát Chèo Việt Nam đã dàn dựng thành công vở “Ba giá đồng”, và xuất sắc được chọn lựa làm tiết mục “đinh” thường xuyên được biểu diễn trên sân khấu nhà hát. Tiết mục tái hiện nghi thức hầu đồng do Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng còn có cơ hội sang Pháp biểu diễn tại Festival sân khấu thế giới, và được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.

Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền kể thêm, sau thành công của chương trình “Ba giá đồng”, nhiều đơn vị nghệ thuật khác cũng tiếp tục đưa hầu đồng lên sân khấu, phải kể đến như “Tâm linh Việt” – là sự kết hợp giữa múa dân gian với nghệ thuật đương đại được Đoàn kịch Hình thể thuộc Nhà hát Tuổi trẻ giới thiệu tới công chúng, rồi “Ngũ biến” do Nhà hát Kịch Việt Nam trình bày, tiếp sau đó là các tiết mục của một số nhà hát chèo ở các tỉnh thành như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội…

Tuy các nghi thức tâm linh được tái hiện trên sân khấu có phần giản lược so với nghi lễ thông thường, nhưng cũng đã giúp cho khán giả có những cái nhìn đầy đủ về một nét văn hóa mà trước đây từng bị hiểu chưa đúng đắn, đặc biệt là với những người chưa có dịp đến các cơ sở tín ngưỡng để quan sát trực tiếp.

Thậm chí, trong vài năm trở lại đây, các loại hình nghệ thuật truyền thống còn được đưa vào các tụ điểm thu hút giới trẻ như: quán cà phê, nhà hàng… Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy các bạn trẻ hiện nay đang dần quan tâm nhiều hơn tới truyền thống của cha ông và tìm hướng đi mới giúp giá trị xưa cũ có thể kết nối với thế hệ hiện đại.

Các di sản văn hóa phi vật thể sẽ còn tiếp tục được “tái sinh” ở những không gian mới, là nhờ vào tư duy sáng tạo, khả năng tiếp thu và vận dụng tinh hoa văn hóa thời đại của người làm công tác văn hóa, nhằm tạo cho chúng sức sống mới, đồng thời, cũng đem đến cho khán giả những trải nghiệm, hướng tiếp cận mới. Song, cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa di sản đã “bén rễ” với không gian truyền thống thực hành tại một không gian văn hóa mới, liệu rằng có thực sự tôn vinh được giá trị của loại hình ấy hay không.

Không chỉ xuất hiện tại những không gian diễn xướng mới, bản thân chính làn điệu dân ca quan họ cũng có sự biến đổi để phù hợp với thị hiếu âm nhạc của khán thính giả thời đại mới. GS.TS Đặng Hoành Loan chia sẻ, ngay từ khi thành lập, Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã bắt đầu đưa dàn nhạc vào trong biểu diễn quan họ, và chỉnh lại các nhịp điệu, quãng nghỉ để thống nhất về lối hát. Dù vận dụng nhiều kỹ thuật thanh nhạc hiện đại vào quan họ, nhưng đoàn vẫn đảm bảo được các kỹ thuật đặc trưng như vang, rền, nền, nảy trong biểu diễn.

Vốn là một dòng nhạc nặng tính bác học, ca từ hàm chứa nhiều từ ngữ Hán-Việt do thường được hát từ những bài thơ cổ của các danh nhân sống vào thế kỷ XIX, nên ca trù khó tiếp cận đối tượng thính giả trẻ hiện nay.

Năm 2012, Giáo phường Ca trù Hải Phòng đã phát động phong trào làm thơ ca trù hiện đại, thu hút được hơn 20 nhà thơ từ các câu lạc bộ văn nghệ trên toàn thành phố tham gia, và chọn ra được 128 bài thơ, trong đó có các thể cách thổng, ngâm thơ, hát nói. 58 bài thơ ấn tượng nhất được các nghệ sĩ, nghệ nhân lựa chọn, đưa vào xuất bản trong cuốn “Ca trù Hải Phòng - Ngàn năm vọng lại”. NSƯT Đỗ Quyên - Chủ nhiệm Giáo phường Ca trù Hải Phòng cho hay, những bài thơ trên giấy sẽ có hồn hơn, bay bổng hơn khi được cất lên qua giọng hát của cô đào, quyện vào đó là tiếng đàn đáy da diết.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, văn hóa truyền thống luôn vận động, biến đổi để có thể hiện diện một cách gần gũi hơn trong cuộc sống đương thời. Dẫu vậy, mọi sự vận động vẫn nên xuất phát từ những đặc tính căn cốt nhất của loại hình văn hóa ấy. Việc lưu giữ những đặc tính này làm nền tảng cho sự tiếp biến, sáng tạo, giúp chính chủ thể sở hữu văn hóa ấy và mỗi chúng ta - những người thụ hưởng có thể nhận diện được đâu là văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong bối cảnh giao lưu văn hóa ngày càng được tăng cường sâu rộng. Để từ đó, ngăn chặn những yếu tố văn hóa xấu độc xâm hại đến vốn quý của cha ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biến đổi để gần gũi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO