Cộng đồng diễn đàn mạng Otofun mấy ngày qua lại rộ lên bàn tán xôn xao bởi hình ảnh 5 chiếc ô tô từ hạng sang cho đến bình dân đều treo BKS: 36A-666.66. Đây không phải là lần đầu các xe ô tô cùng biển số “hội ngộ”, nhưng lại “hoành tráng” hơn hai lần trước ở Hà Nội (có hai chiếc trùng biển số), bởi lần này có tới 5 ô tô mang chung biển kiểm soát.
Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định, trong số 5 chiếc ô tô cùng đeo BKS: 36A-666.66 thì chỉ có chiếc xe Ford Ranger Raptor là chính chủ, còn lại là hàng nhái. Hơn nữa, chủ xe Ford Ranger Raptor cũng chỉ mới bấm được biển số này cách đây mấy ngày.
Vậy là chủ những chiếc kia ngay cả khi chưa có BKS 36A-666.66 tồn tại thì họ cũng đã “tiên đoán” được tương lai sẽ có biển số này để đi làm biển giả trước khi chính chủ được PC08 cấp. Chủ của 4 chiếc xe còn lại và những đối tượng làm biển số giả có tài tiên tri, hay có sự rò rỉ thông tin từ trong chính các cơ quan hữu trách, có trời mới biết!
Song, một sự thật hiển nhiên là chỉ có một chủ xe Ford Ranger Raptor được cấp biển số nói trên, nhưng lại có tới 5 chiếc ô tô cùng treo BKS đó. Vậy thì các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa làm gì, ở đâu khi có tới 5 chiếc xe cùng treo một BKS? Người dân còn phát hiện được, lẽ nào cơ quan quản lý nhà nước không biết?
Giả sử, chỉ là giả sử thôi, nhỡ một trong 5 chiếc xe ô tô đó gây tai nạn giao thông nghiêm trọng rồi bỏ chạy, trên đường lại không có camera an ninh (hoặc camera hành trình của những chiếc xe khác) để có thể trích xuất, người đi đường lại không để ý kiểu xe mà chỉ nhớ được biển số, liệu chính chủ BKS: 36A-666.66 có phải thế thân chịu tội?
Tất nhiên là không rồi, bởi với sự giỏi giang của lực lượng công an thì chắc chắn chính chủ BKS nói trên sẽ không vướng phải mối họa từ trên trời rơi xuống đâu. Song, chí ít thì cũng rất phức tạp, vất vả cho lực lượng điều tra vụ tai nạn khi đi xác minh, tìm hiểu. Như vậy há chẳng phải là rất phiền rồi sao?
Kể cả như Hà Nội “đất chật, người đông”, lượng xe nườm nượp như mắc cửi rất dễ để những người thích dùng biển giả trà trộn, lẫn trong đám đông, mà cũng chỉ có tới hai chiếc ô tô trùng biển số “gặp nhau”. Ấy vậy mà ở tỉnh Thanh Hóa lại có tới 5 chiếc “chạm trán” với cùng một BKS “ngũ quý”.
Dĩ nhiên là ngoài chính chủ bấm được BKS 36A-666.66, còn lại 4 chủ xe kia có hành vi treo biển số giả là đã vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý (nếu cơ quan chức năng phát hiện được). Song, vấn đề là chế tài đối với hành vi này hiện nay quá nhẹ, hầu như chỉ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nên chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa.
Chính vì hành vi treo biển số giả bị xử lý nhẹ nên nhiều lái xe không biết sợ, cố tình sử dụng biển giả để vi phạm giao thông trên các đường cao tốc có gắn camera an ninh. Lực lượng CSGT từ Trung ương đến địa phương đã nhiều lần cảnh báo hành vi treo biển số giả để “qua mắt” camera, tránh bị phạt nguội đã thành một thói quen khó bỏ của nhiều lái xe.
Vì thế, để không còn tái diễn nhiều ô tô cùng treo một BKS, lái xe chạy đường dài mặc sức treo biển số giả để lẩn tránh trách nhiệm trên đường, đã đến lúc cần sửa đổi quy định theo hướng tăng nặng về mức phạt, thậm chí có thể xem xét xử lý hình sự cả người sử dụng và kẻ sản xuất biển số giả. Có như vậy mới không còn ai dám giỡn mặt với pháp luật.