Biên giới Tây Nam của Tổ quốc những ngày này nóng bỏng và mưa dầm.Tận mắt chứng kiến mới thấu hiểu hết những gian nan của Bộ đội Biên phòng khu vực biên giới tăng cường phòng chống dịch Covid-19 .
Thời điểm này ở Tây Nam bộ đang là mùa nắng nóng, nhưng vùng biên giới Tây Nam lại đón chúng tôi bằng những trận mưa phùn rả rích.
Hiện giao thương qua lại hai bên biên giới tạm dừng để chống dịch.
Đồn Biên phòng Thông Bình đóng tại ấp Thị, xã Thông Bình, huyện Tân Hồng. Đây là đồn biên giới xa nhất của tỉnh Đồng Tháp, nơi phân ranh biên giới chỉ tính bằng bước chân và được ngăn cách bằng con sông Sở Hạ rộng chừng 30m. Đồn quản lý hơn 7 km đường biên giới với 20 mốc, tiếp giáp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà và Đồn Biên phòng Sông Trăng, thuộc tỉnh Long An.
Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Võ Minh Thiện- Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thông Bình cho biết: Sau thời gian tạm thời lắng xuống khoảng hơn 3 tháng, người dân có phần hơi chủ quan. Tuy nhiên sau khi đợt dịch bùng phát trở lại, Chính phủ đã kích hoạt lại các hoạt động phòng chống dịch, người dân khu vực biên giới đang thực hiện Chỉ thị 19 rất nghiêm. Trước đây các điểm chốt chỉ làm theo kiểu dã chiến, nhưng lần này chủ trương yêu cầu xây dựng cố định các điểm chốt phòng chống Covid-19. Lực lượng còn phối hợp với các thành viên của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể thành lập các đoàn, tổ, đội công tác đến từng hộ gia đình để tuyên truyền. Từ đầu dịch đến nay ở đây đã phát hơn trên 7.000 khẩu trang miễn phí, cùng nhiều tờ rơi về cách phòng chống dịch bệnh Covid-19.
“Ngoài 2 chốt cố định chúng tôi thường xuyên cho lực lượng tuần tra 2 bên cánh gà, thường người dân lợi dụng chỗ này để đi lại. Đặc biệt ở Tổ 2 có đường biên giới dài trên 6km, mặc dù không có đường phía bên kia qua nhưng sau khi cắt lúa xong vẫn có một số người dân đi tắt qua khu vực biên giới qua bên kia trao đổi hàng hoá. Vì vậy chúng tôi chỉ đạo lực lượng cho anh em mắc võng nằm ngay ở điểm này canh gác 24/24. Bên cạnh đó trong dân cũng có tai mắt của lực lượng, có trường hợp đi lén sang bên kia sẽ đề nghị quay trở lại, nếu cố tình đi qua sẽ báo cho chúng tôi xử lý. Điều rất mừng là ở khu vực nơi chúng tôi đứng chân không có trường hợp nào cố tình vượt biên, chỉ có một số người từ mấy vùng khác định lợi dụng lối tự mở để qua nhưng bị phát hiện và yêu cầu quay trở lại”- Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thông Bình cho biết.
Qua câu chuyện với Đồn trưởng, được biết những trường hợp Việt kiều bên Campuchia tìm cách trở về Việt Nam đều được lực lượng vận động quay trở lại, song song đó cán bộ chiến sĩ còn hỗ trợ các dụng cụ phòng chống dịch, thậm chí là các nhu yếu phẩm để người dân chống chọi lại giai đoạn khó khăn kéo dài của dịch bệnh.
Vừa nói chuyện, Đồn trưởng bốc máy gọi cho một Việt kiều ở bên kia hỏi thăm tình hình tâm tư của bà con mình bên đó.
Cũng để tạo điều kiện cho bà con, Đồn biên phòng Thông Bình đã tổ chức một điểm trao đổi hàng hoá ngay tại cửa khẩu. Thượng uý Phan Đức Anh- Đội trưởng Đội kiểm soát Đồn Biên phòng Thông Bình cho biết: Người dân phải thực hiện nghiêm quy tắc khi trao đổi hàng hoá theo quy định, về công tác phòng dịch, các vật dụng hàng hoá trước khi giao dịch đều được sát khuẩn và đặt ở khu vực riêng, rồi đứng cách xa khoảng 8 đến 10m, sau đó người mua hàng phía bên Campuchia lại lấy hàng và để tiền ở đây. Tiền của người mua hàng sau khi thu về được sát khuẩn kỹ càng rồi cho vào túi ni lông mang về phơi khô. Mọi giao dịch trao đổi đều bằng điện thoại hoặc giữ khoảng cách theo quy định.
Được biết, khu vực biên giới Thông Bình cũng chuẩn bị sẵn 1 phòng cách ly, đặt trường hợp xấu có người biểu hiện nghi nhiễm bệnh sẽ cho cách ly ngay. Phòng cách ly này được đặt ngay tại Phòng khám Quân dân y. Y bác sĩ của phòng khám này cùng với lực lượng biên phòng tổ chức kiểm tra thân nhiệt người qua lại khu vực cửa khẩu.
Cách điểm trao đổi hàng hoá khoảng 300m là chợ biên giới Thông Bình. Hiện hoạt động buôn bán ở đây đìu hiu hẳn, các mặt hàng Campuchia ở chợ cũng giảm khoảng 90%. Ông Nguyễn Hoàng Phúc, tiểu thương tại chợ cho biết: “Từ khi dịch đến nay buôn bán bấp bênh lắm, trước đây một ngày bán cũng trung bình 2 đến 3 triệu đồng tiền hàng, nhưng từ khi dịch đến nay ngày chỉ bán vài trăm ngàn, chủ yếu bà con xung quanh chợ bên mình, không có khách bên Campuchia qua mua nên giảm hẳn. Cũng may, các anh trong đồn mở một điểm trao đổi hàng hoá nên cũng đỡ”.
Đêm xuống, chúng tôi cùng một số chiến sĩ Đồn biên phòng Thông Bình lên một chiếc tắc ráng tuyến đường sông Sở Hạ, nơi phân chia ranh giới Việt Nam và Campuchia. Điều khiển chiếc tắc ráng là một chiến sĩ trẻ măng, nhưng lái rất thuần thục. Chiếc tắc ráng rẽ nước băng băng dọc đường biên, lâu lâu Đại úy Phan Văn Hồng Thắng- Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ lại nhắc chiến sĩ lái tắc ráng đi sang phía bên ranh giới của mình, đừng đi sát sang phía bên kia.
Theo lời của các chiến sĩ, khi chưa có dịch thì dọc sông Sở Hạ náo nhiệt lắm, giao thương trao đổi hàng hoá và hoạt động đánh bắt thuỷ sản tấp nập. Nhưng từ khi có quy định phòng chống dịch, con sông này trở nên yên ắng và buồn thiu. Chạy cũng 20 phút mới thấy chiếc tắc ráng chạy ngược. Từ xa nhưng các chiến sĩ đi tuần đều biết được chủ tắc ráng đó là ai và họ đang đi đâu. Thế mới biết mọi hoạt động từ trên bờ đến khu vực đường sông đều ở “trong tầm mắt” của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Bình.
Chừng 30 phút chạy đường sông, chiếc tắc ráng đưa chúng tôi cập bến Đội kiểm soát kênh Tân Thành, đây là điểm chốt của Đồn biên phòng Thông Bình. Trung uý Nguyễn Văn Rượu- Đội trưởng Đội kiểm soát kênh Tân Thành cho biết: “Sau khi dịch trở lại cấp trên chỉ đạo phải chủ động hơn nữa, tăng cường tuần tra kiểm soát khu vực giáp ranh, ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Các anh em trong đội không ai xin về trong đợt này, tất cả tình nguyện ở lại để làm nhiệm vụ. Ngay như tôi cách đây không xa nhưng cũng hơn 5 tháng nay không về nhà, nhớ con thì chỉ biết gọi zalo”.
Bên nồi cháo khuya ngút khói, Đại úy Phan Văn Hồng Thắng, tâm sự: Xác định là lính biên phòng khu vực biên giới thì “đồn là nhà, biên giới là quê hương”, nhân dân là bạn nên ở đâu cũng là nhà, là quê hương của mình cả. Đợt dịch này, mọi hoạt động, sinh hoạt của anh em đều được đẩy cao nhất có thể, trên tinh thần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cùng đồng đội, nhân dân trên địa bàn bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch bệnh an toàn nhất...
Có tận mắt chứng kiến mới thấu hiểu được những gian nan kéo dài hàng tháng trời của Bộ đội Biên phòng trong những ngày cùng cả nước chống dịch. Ngày đêm bám biên cương, bám dân, ở đâu có dân là các anh đến. Họ đã chiến đấu kiên cường trên mặt trận không tiếng súng nhưng vẫn rất ác liệt dù ngay giữa thời bình…