Với tốc độ đô thị hóa nhanh, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đang chịu áp lực rất lớn về vấn đề rác thải sinh hoạt.
Biên Hòa là một trong những thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông ở nước ta hiện nay. Là “thủ phủ” công nghiệp lớn của Đồng Nai và khu vực Đông Nam Bộ.
Dân số tăng kéo theo lượng rác thải sinh hoạt cũng tăng theo, trong khi năng lực thu gom rác thải vẫn chưa đáp ứng kịp xu hướng phát triển.
Ngoài những điểm tiếp rác cố định, gần như các xã, phường trên địa bàn thành phố Biên Hòa nơi ít thì vài điểm, nhiều thì khoảng vài chục điểm tập trung rác thải sinh hoạt tự phát do người dân đem đổ.
Trong đó, những phường tập trung đông công nhân sinh sống như: Long Bình, An Bình, Trảng Dài, Tam Hiệp, Tân Phong, Bình Đa… thì áp lực rác thải sinh hoạt là vô cùng “khủng khiếp”.
Ghi nhận tại tuyến Quốc lộ 1A (đoạn trước trung tâm siêu thị quốc tế máy xây dựng - ô tô chuyên dùng phụ tùng và dịch vụ bảo hành, phường Bình Đa, TP Biên Hòa), phóng viên bắt gặp một người phụ nữ vừa quăng túi rác. Phóng viên hỏi tại sao chị vứt rác ở đây?
Người phụ nữ thản nhiên đáp “không đổ đây thì đổ đâu, rác thu gom không kịp, 3-4 ngày mới đi gom một lần, nhiều rác quá nên đem ra đây đổ bớt”.
Theo một số người dân, điểm tập kết rác tự phát này đã có từ rất lâu rồi và không thấy đơn vị nào thu gom. Rác ngập đường kéo dài một đoạn khoảng 100m. Người dân khi đi xe qua đây đều chịu không nổi với mùi hôi thối do rác đọng lại lâu ngày không được thu gom.
Không chỉ khu vực nói trên, rảo quanh các tuyến đường lớn như: Phạm Văn Thuận, Bùi Văn Hòa, Phạm Văn Khoai, Nguyễn Ái Quốc… phóng viên ghi nhận có rất nhiều điểm tập trung rác tự phát. Rác đủ chủng loại, từ rác thải sinh hoạt hàng ngày, xác động vật, đến phế thải vật liệu xây dựng (xà bần), cáp viễn thông...
Nhiều nơi rác tập trung lâu ngày, chất đống, bốc mùi hôi thối không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị mà còn cản trở giao thông (do rác quá nhiều tràn ra mặt đường).
Theo quan sát của phóng viên, tại các đường lớn, số lượng thùng đựng rác cũng rất ít. Thiếu thùng rác, người dân chỉ biết gói thành từng túi để tràn ra vỉa hè, thậm chí lề đường, vô hình chung làm xấu mĩ quan đô thị.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thành phố Biên Hòa hiện đang hợp đồng thu gom rác với Công ty cổ phần môi trường Sonadezi.
Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, bà Quách Ngọc Bửu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần môi trường Sonadezi cho biết, đơn vị chỉ chịu trách nhiệm thu gom ở những điểm tiếp rác lớn trong hợp đồng với thành phố Biên Hòa. Toàn thành phố hiện có khoảng 4-5 điểm tiếp rác cố định.
Theo bà Bửu, những điểm tập trung rác nhỏ lẻ là do người dân không đóng tiền rác đem đổ, lâu ngày thành điểm tập kết rác tự phát.
“Những điểm tập trung rác nhỏ lẻ phát sinh như thế này thì trách nhiệm chính vẫn thuộc về địa phương sở tại (xã, phường -PV). Công ty luôn sẵn sàng hỗ trợ các địa phương thu gom ở những điểm phát sinh rác thải nhỏ lẻ này. Tuy nhiên trách nhiệm chính là thuộc về các địa phương, không nên để phát sinh, tái diễn thêm rác sau khi công ty thu gom, làm sạch”, bà Bửu nói.
Liên quan đến vấn đề này, chiều ngày 15/3, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã liên hệ ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa để nắm thêm thông tin về công tác quản lý thu gom rác vệ sinh môi trường trên địa bàn. Tuy nhiên, ông Nguyên không phản hồi.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại một số tuyến đường, khu vực có điểm tập kết rác tự phát ở Biên Hòa: