Trước những thách thức chưa từng có đối với đất nước ta do tác động kép từ biến đổi khí hậu, thiên tai cùng với dịch Covid-19, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho rằng, MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ động, tích cực, biến nguy thành cơ, triển khai thực hiện có kết quả toàn diện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2020.
Bày tỏ sự đồng tình với báo cáo tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ tư, khoá IX, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, năm qua là một năm rất khó khăn, đầy thách thức chưa từng có đối với đất nước ta do tác động kép từ biến đổi khí hậu, thiên tai cùng với dịch Covid-19 đối với người dân, nhất là ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước tình hình đó, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã chủ động, tích cực, biến nguy thành cơ, triển khai thực hiện có kết quả toàn diện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2020, nhiều kết quả có tính chất đột phá, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
“Yếu tố nổi trội đó chính là sự chủ động, vào cuộc sớm cùng hệ thống chính trị, các cấp, các ngành đối với những việc khó, việc phát sinh, hoặc việc chưa có tiền lệ, hết sức kịp thời, mau lẹ, và rất hiệu quả thông qua ứng dụng công nghệ thông tin triệt để, qua đó cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sức mạnh niềm tin trong các tầng lớp nhân dân không ngừng được củng cố, tăng cường”, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu khẳng định.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cũng cho biết, trong năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã có sự quan tâm, tập trung công tác phối hợp tham gia chăm lo và giải quyết nhu cầu, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với một số chức sắc cấp cao của tôn giáo được tăng cường, bài bản, nề nếp và hiệu quả.
Từ đó, vai trò cầu nối của Mặt trận và các tổ chức thành viên với Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân tôn giáo ngày càng được phát huy tốt hơn, góp phần làm cho mối quan hệ giữa các tôn giáo được cởi mở, chặt chẽ hơn. Tổ chức tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng ngày càng thể hiện rõ vai trò là thành viên tích cực của Mặt trận, đồng hành đối với nhiệm vụ chung của đất nước.
Để nâng cao vai trò công tác Mặt trận trong thời gian tới, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu đề xuất, MTTQ Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò tập hợp, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới đa dạng hóa các phương thức vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sự phối hợp, thống nhất hành động của Mặt trận với các tổ chức thành viên và phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, nhất là Ủy viên Ủy ban là chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo, các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời tổ chức hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước của MTTQ Việt Nam trong đồng bào các tôn giáo.
Cũng tại Hội nghị, bà Hà Thị Liên, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, trong năm qua, MTTQ Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết các tôn giáo trong nước để bảo vệ môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội,...Bên cạnh đó cũng đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ những người có uy tín tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có kế hoạch, tổ chức lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của người tiêu biểu, người có uy tín để truyền tải chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đặt ra là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang phải đối mặt với hiện tượng sói mòn, lở đất, diện tích rừng đầu nguồn đang bị tàn phá. Chính vì vậy, với vai trò của mình, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cần có tiếng nói về vấn đề này để kịp thời ổn định đời sống cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2020 khác biệt hơn so với mọi năm do sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, mưa lũ tại miền Trung, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân. Tuy nhiên, bà Hà Thị Liên cũng khẳng định, trong khó khăn đó lại nổi lên vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam.
Cụ thể, MTTQ Việt Nam đã phát huy vai trò chủ động của mình khi huy động được sự vào cuộc của nhân dân, kêu gọi được sự ủng hộ từ những tấm lòng nhân ái, nhiều mô hình, cách làm hay được áp dụng trong thực tế như cây ATM gạo,...Tất cả hướng đến mục tiêu chăm lo đời sống nhân dân, đồng hành cùng với đất nước vượt qua khó khăn, thách thức.
Nhắc tới vai trò của Mặt trận trong phòng chống tham nhũng, trong những năm qua, MTTQ Việt Nam đã duy trì được việc tổ chức Giải báo chí phòng chống tham nhũng, đã huy động được sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn, báo chí để phản ánh những vụ việc xảy ra tại địa phương.
“Có thể nói, để có được những tác phẩm này, phóng viên đã phải căng mình xâm nhập vào thực tế, đối diện với hiểm nguy. Chính vì vậy, MTTQ Việt Nam cùng với các tổ chức thành viên cần có những cơ chế bảo vệ những người làm báo, những con người thầm lặng bám đuổi từng vụ việc, từng hành vi tiêu cực, tham nhũng”, bà Hà Thị Liên đề xuất.