Biên soạn SGK lớp 2: Cẩn trọng không thừa

Thu Hương 07/11/2020 08:39

Từ 15/11 - 30/11/2020, Bộ GDĐT nhận hồ sơ đề nghị thẩm định đợt 2 sách giáo khoa (SGK) lớp 2. Đợt thẩm định lần 1 đã diễn ra từ giữa tháng 8 và đến nay đã xong vòng 1, các tác giả cũng đã chỉnh sửa và Bộ đã bắt đầu thu sách để chuẩn bị triển khai thẩm định vòng 2.

Quá trình biên soạn SGK tới đây, Bộ GDĐT yêu cầu các thành viên Hội đồng Thẩm định tập trung vào việc trao đổi và tăng cường thảo luận.

Tăng cường tranh luận

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GDĐT, ở vòng 2, Bộ yêu cầu các thành viên Hội đồng Thẩm định tập trung vào việc trao đổi và tăng cường thảo luận, thậm chí có thể tranh luận giữa các tác giả với Hội đồng thẩm định.

Đối với SGK lớp 2 ở vòng thẩm định đầu tiên, Bộ GDĐT đã nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định của 4 NXB với 33 bản mẫu SGK của 9 môn học, hoạt động giáo dục lớp 2.

Trong đó, môn Toán có 4 bản mẫu; các môn Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm, mỗi môn có 3 bản mẫu; môn Tiếng Anh có 8 bản. Trong đó, NXB Giáo Dục Việt Nam đăng ký thẩm định 2 bộ SGK lớp 2 đầy đủ dù trước đó, NXB và các đơn vị thành viên đã tiến hành biên soạn SGK lớp 2 theo hướng 4 bộ độc lập.

Như vậy, đây là 2 bộ chọn lọc được trình thẩm định trước và 2 bộ còn lại, liệu có tham gia nộp hồ sơ thẩm định trong đợt 2 này? Câu trả lời sẽ có trong vài ngày nữa song điều dư luận mong mỏi là mỗi bộ SGK khi đến tay học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh là một sản phẩm hoàn chỉnh, không còn sạn, còn lỗi.

Để làm được điều đó, trước hết trách nhiệm thuộc về tác giả cần cẩn trọng trong quá trình biên soạn. Sau đó là vai trò phản biện của Hội đồng Thẩm định quốc gia.

Tại buổi khai mạc Hội đồng quốc gia Thẩm định SGK lớp 2 hồi giữa tháng 8, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý, do chương trình thiết kế theo hướng mở nên đề nghị các thành viên Hội đồng Thẩm định cần vận dụng linh hoạt các tiêu chí để đánh giá khách quan, chính xác, nhưng tôn trọng các ý tưởng sáng tạo và triết lý của mỗi bản mẫu SGK.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phân định đâu là các lỗi sai cần sửa và không phải lỗi?

Đây cũng là băn khoăn của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) khi cho rằng lỗi trong SGK thì chỉ có sai hoặc đúng chứ không có lỗi “nội dung chưa phù hợp”.

Trước đó, những hạt sạn trong SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều khiến dư luận bức xúc cũng đã được Hội đồng Thẩm định yêu cầu nhóm tác giả thay ngữ liệu này bằng ngữ liệu khác nhưng sau đó, các tác giả được quyền bảo vệ quan điểm của mình.

Quan điểm này được chấp nhận và các thành viên trong Hội đồng Thẩm định đã đánh giá cuốn sách ở mức độ “đạt”.

Như vậy, nếu không phải Hội đồng dễ dãi cho qua thì là vấn đề nhận thức, quan điểm và nhất là quy định về nội dung thẩm định vẫn chưa đủ chặt chẽ, rõ ràng để xác định lỗi cần sửa, nội dung chấp nhận được…

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, cần quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng trong việc thẩm định. Không để quả bóng trách nhiệm đẩy qua đá lại nếu phát hiện ra sai sót sau này khi dùng sách.

Bởi rút kinh nghiệm từ việc SGK lớp 1 đang được sử dụng trong năm học này, khi đề cập đến trách nhiệm để “sạn” xuất hiện trong SGK, người thì cho rằng nhóm tác giả phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những “hạt sạn” trong cuốn sách đó vì Hội đồng đã khuyến cáo, nhưng nhóm tác giả vẫn giữ quan điểm của mình. Người thì đặt câu hỏi về trách nhiệm của Hội đồng…

Hãy để giáo viên chọn sách

Liên quan đến quy trình chọn SGK sắp tới, ông Nhĩ cũng cho rằng cần thay đổi để tránh lặp lại sai lầm như năm nay. Đó là cần để giáo viên chọn sách họ dạy một cách kỹ lưỡng, đủ thời gian nghiên cứu và có thể thí điểm ở chính nhóm lớp của mình trước khi đưa ra quyết định chính thức.

Như vậy, mới biết có phù hợp hay không. Hơn nữa, chỉ khi bắt tay vào giảng dạy, thiết kế bài học, giáo viên mới nhận ra những hạt sạn để góp ý, chỉnh sửa trước khi chính thức đi vào giảng dạy.

Đồng tình quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm- thành viên tổ tư vấn cho Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục cho rằng việc chọn lựa SGK bản chất là của giáo viên và các nhà trường.

Dù là thực hiện theo luật nào, quy trình chọn sách cũng cần bắt đầu từ giáo viên đứng lớp, từ các nhà trường. Sắp tới, việc chọn sách theo quy định sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định liệu có xảy ra những bất ổn hay không nếu không phải là giáo viên trực tiếp đứng lớp chọn sách?

Bên cạnh đó, ông Nhĩ lưu ý nếu để xảy ra lỗi sai trong SGK lớp 2, lớp 6 trong năm học sau, việc yêu cầu giáo viên mạnh dạn thay đổi dữ liệu giảng dạy cho phù hợp là rất khó.

Bởi tư duy SGK là pháp lệnh chưa thể thay đổi ở tất cả các giáo viên. Chưa kể, những ngữ liệu, nội dung đã được thẩm định, phê duyệt qua bao nhiêu cấp còn có sai sót, ai đảm bảo những nội dung giáo viên chọn là đúng, là đảm bảo tính chính xác, khoa học và phù hợp?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biên soạn SGK lớp 2: Cẩn trọng không thừa