Làm mới nhạc xưa không có nghĩa thích làm gì thì làm. Khi tham gia vào một cuộc chơi sáng tạo hoặc đồng sáng tạo, vẫn có những “ngưỡng” giới hạn mà người chơi (dù muốn hay không) vẫn phải tuân thủ nguyên tắc.
Giờ đây, việc hòa âm, phối khí mang lại hơi thở mới cho ca khúc nhạc xưa không còn là điều xa lạ đối với thế hệ ca sĩ trẻ. GenZ (nhóm người được sinh trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2012) thường thích nghe những bản phối mới bắt tai, giai điệu sôi động đi kèm với vũ đạo.
“Khoác” áo mới cho những ca khúc có “tầm”
Những ca khúc mang ý nghĩa, có tầm ảnh hưởng đang được các ca sĩ trẻ phối với nhiều giai điệu khác nhau qua đó mang đến sự tươi mới cho bản gốc. Những bản phối mới giúp người trẻ dễ tiếp cận hơn với các ca khúc gốc qua đó tạo hứng thú, kích thích thị hiếu cho người nghe.
Chắc hẳn khán giả vẫn chưa quên hình ảnh một Tùng Dương trên sân khấu chương trình “Bài hát yêu thích”. Nam ca sĩ gây ấn tượng khi trình diễn sáng tác “Chiếc khăn piêu” của nhạc sĩ Doãn Nho với bản phối mới, tràn ngập hơi thở hiện đại.
“Chiếc khăn Piêu” mang chất liệu âm nhạc dân tộc miền Núi phía Bắc với giai điệu tương đối trúc trắc, khó hát. Hơn nữa, trước đấy đã có nhiều nghệ sĩ thể hiện đặc biệt thành công như danh ca Kiều Hưng. Nhưng Tùng Dương đã thổi một làn gió âm nhạc hoàn toàn mới vào ca khúc này.
Bản phối đầy sáng tạo của Nguyên Lê cộng với giọng hát đầy nội lực của Tùng Dương đã tạo cho “Chiếc khăn Piêu” một sắc thái hoàn toàn khác so với những gì khán giả đã biết về ca khúc này, khiến người nghe liên tưởng tới một bản nhạc World Music chứ không đơn thuần là một ca khúc mang chất liệu dân gian.
Đây cũng là ca khúc gây hiệu ứng mạnh trên các trang mạng xã hội, diễn đàn những người yêu âm nhạc. Bản phối mới này ngay lập tức chinh phục khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ và trở thành bài hát yêu thích trong tháng 11.
Cùng với Tùng Dương, Hà Lê cũng từng khoác “áo mới” cho những ca khúc nhạc Trịnh. “Ở trọ” và những sản phẩm âm nhạc trước đó (phải kể đến như: MV “Diễm xưa”, “Mưa hồng”…) của Hà Lê không chỉ mang đến cho người nghe những thanh âm mới, một sự phá cách mà còn gợi ra câu chuyện. Từ đó chạm được vào trái tim khán giả, mang đến cảm xúc lắng sâu.
Sự sáng tạo của Hà Lê đã mang lại những âm thanh vui nhộn, tô vẽ một gam màu tích cực cho những đôi tai đang tìm kiếm một sự tươi mới ở một kho tàng nhạc đã từng được nhiều thế hệ thể hiện theo những cách khác nhau, khiến nhiều khán giả thích thú, góp phần mang nhạc “Trịnh” đến gần hơn với đời sống của người trẻ.
Không chỉ Tùng Dương, Hà Lê, thời gian gần đây, cùng với xu hướng phát triển, nhiều chương trình, gameshow về âm nhạc cũng gây chú ý nhờ những bản phối mới lạ, độc đáo. Mới đây, chương trình The Heroes - thần tượng đối thần tượng đã mở ra bữa tiệc âm nhạc mùa hè hoành tráng dành cho khán giả. Chương trình đã để lại nhiều ấn tượng khi đem đến cho người nghe những bản phối đã tai cùng với sự đầu tư kỹ lưỡng về chất xám.
Những phần thi của các thí sinh trong chương trình được nhiều khán giả đón nhận, đặc biệt là với những thế hệ Gen Z. Sau các vòng thi, những bản nhạc đến từ các phần thi của các ca sĩ tại The Heroes cũng nhanh chóng "gây bão" trên Tik Tok. Cư dân mạng sử dụng lại những bản nhạc nền từ chương trình áp dụng vào video trên Tik Tok của mình, đặc biệt là bắt trend theo các vũ đạo các phần thi của ca sĩ cũng rất được ưa chuộng.
Vậy nên, chung quy lại biến tấu hay làm mới tác phẩm đều xuất phát từ thị hiếu của người nghe? Vậy, người trẻ hiện nay đang chạy theo xu hướng âm nhạc như thế nào?
Thị hiếu của người nghe thay đổi
Trong đời sống xã hội, quá trình tiếp nhận nghệ thuật, thị hiếu thẩm mỹ của từng cá nhân rất đa dạng, có một số nét khác nhau phụ thuộc vào văn hóa vùng miền, môi trường sống, sở thích cá nhân… Tuy khác nhau nhưng thị hiếu về âm nhạc vẫn có mẫu số chung giúp con người hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ, tiếp nhận nghệ thuật không chỉ để thỏa mãn nhu cầu mà qua đó thu nạp những giá trị có ý nghĩa xã hội - con người, tri thức, sự hiểu biết, làm phong phú đời sống tinh thần.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, thị hiếu âm nhạc của lớp trẻ vì thế mà thay đổi theo thời gian. Hơn chục năm trở lại đây, đời sống âm nhạc Việt Nam rất đa dạng với khá nhiều thể loại, xu hướng độc lạ. Bên cạnh âm nhạc chính thống với các tác phẩm được đánh giá có chất lượng tư tưởng - nghệ thuật, là sự tồn tại song song của những bản phối mới lạ, độc đáo, mang tính tươi trẻ, hợp thời đại.
Xu hướng này đã có từ lâu thế nhưng những năm gần đây thu hút đông người xem - nghe, chủ yếu là giới trẻ. Về hình thức, sự xuất hiện, tồn tại của những bản phối mới là khó tránh khỏi, bởi đó là một trong nhiều hệ quả của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa và nghệ thuật diễn ra trên toàn cầu, của quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, cùng với sự thăng hoa cảm xúc.
Thực tế cho thấy, không phải bản phối nào cũng mang lại hiệu ứng tích cực, hướng khán giả đến những điều tốt đẹp. Có những bản phối dù đã rất nỗ lực thế nhưng vô tình lại tạo ra sự phản cảm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa, đời sống của giới trẻ.
Nói về xu hướng nghe nhạc hòa âm, phối khí trên thị trường hiện nay, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho biết không chỉ ở Việt Nam mà việc biến tấu các ca khúc âm nhạc còn diễn ra phổ biến ở nước ngoài. Cùng với những thay đổi của lịch sử, xu hướng âm nhạc cũng phải thay đổi để phù hợp với thị hiếu của người nghe.
“Âm nhạc là một dòng chảy, việc biến tấu những tác phẩm âm nhạc không chỉ diễn ra trong những năm gần đây mà xuyên suốt quá trình lịch sử phát triển của cả nền âm nhạc thế giới. Vì vậy, những người sau luôn kế thừa và phát triển âm nhạc giống như nhiều bộ môn nghệ thuật khác. Việc biến tấu chỉ là sự tiếp bước của người đi sau nhằm thỏa mãn sự sáng tạo của bản thân người nghệ sĩ cũng như là để phù hợp với thị hiếu của người nghe”, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh khẳng định.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho rằng: “Không riêng gì nghệ thuật mà với tất cả các môn nếu đặt ra biên độ cho người nghệ sĩ trong việc sáng tạo sẽ tạo nên những rào cản khiến người nghệ sĩ không thỏa mãn được cảm xúc thăng hoa của mình. Tuy nhiên, trong quá trình biến tấu những ca khúc âm nhạc sẽ có những lần thất bại và sẽ có những lần thành công, điều này phụ thuộc vào khả năng của người nghệ sĩ”.