Ngày 19/1, tại TP Hồ Chí Minh, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Y tế đã phối hợp tổ chức Hội nghị biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị.
Dự hội nghị có ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng đại diện các bộ ban ngành, các tổ chức thành viên và hơn 200 đại biểu, đại diện cho các tổ chức tôn giáo trên toàn quốc.
Đây là lần đầu tiên sau 44 năm đất nước giải phóng mới có một hội nghị biểu dương toàn quốc về tôn giáo trong công tác chăm lo sức khoẻ cho cộng đồng. Trước đó vào năm 2014, lần đầu tiên UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị toàn quốc phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non. Và năm 2017, cũng lần đầu tiên UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia phát triển hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề.
Tôn giáo là một hệ thống triết học bắt đầu từ cổ đại, hướng dẫn tín hữu dựa theo để có một tâm trí bình an sáng suốt, có một cộng đồng chia sẻ và gắn bó, để nương tựa và giúp đỡ nhau trong cuộc sống hiện hữu.
Cho nên cội nguồn của sự tử tế cũng giản dị như cội nguồn của niềm tin tôn giáo đó là yêu thương. Đó cũng là cội nguồn để các tín hữu thực thi niềm tin tôn giáo của mình bằng hành động cụ thể hơn là giáo điều trừu tượng- chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần là một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất.
Theo ông Lê Thành Tâm, Giáo hội Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam lấy Pháp Môn Niệm Phật làm cứu cánh, thực hành theo tôn chỉ Phước Huệ Song Tu, hoằng dương Phật Pháp, lấy Y Đạo làm phương tiện, thành lập Phòng Thuốc Nam Phước Thiện, bốc thuốc chữa bệnh cứu người theo phương châm: “Tu học - Hành thiện - Ích nước - Lợi dân”.
Đây là phương pháp tu hành phù hợp cho người cư sĩ tại gia, ngoài việc dùng kinh sách của nhà Phật khuyên dạy tín đồ ăn ngay ở thật, biết dung hòa đoàn kết, tương thân, tương ái, cùng chia sẽ mọi hoạt động đời sống hằng ngày; tuân thủ kỷ cương phép nước, giữ gìn giới luật, Hiến chương của Giáo hội đề ra.
Chính nhờ vào đó từ tỉnh hội đến các chi hội thuộc Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội tỉnh Đồng Tháp luôn thực hiện và xây dựng bộ máy tổ chức hoạt động bằng biện pháp vận dụng tình hình cụ thể của địa phương để phát triển cơ sở, tất cả các Phòng thuốc nam phước thiện hoạt động rất ổn định, tạo được sự tin tưởng cho đồng bào tín đồ và nhân dân đến điều trị bệnh.
Cũng theo ông Lê Thành Tâm với sự quan tâm của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam tỉnh Đồng Tháp từng bước xây dựng cơ sở vật chất và hoạt động hành nghề về chăm sóc, sức khỏe cho nhân dân bằng phương pháp y học cổ truyền của dân tộc.
Tính đến thời điểm hiện nay Tỉnh hội Đồng Tháp có 10 Chi hội, mỗi Chi hội đều có tổ chức xây dựng phòng khám, chữa bệnh miễn phí bằng phương pháp y học cổ truyền Phước thiện, có 11 cơ sở phòng khám bệnh nằm rải rác ở khắp các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị.
Ông Tâm cho rằng, hiện nay lòng tin của bệnh nhân về phương pháp điều trị bằng thuốc nam ngày càng đông, nhưng trình độ nhân viên phòng thuốc còn hạn chế nên việc khám chữa bệnh chưa đáp ứng được đúng nhu cầu của bệnh nhân.
“Nhà nước cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hành nghề y tế tư nhân, y sĩ phải qua thâm niên nhưng không phải thực tập tại các bệnh viện từ 2 năm trở lên vẫn được đăng ký, để tạo điều kiện cho y sĩ đông y hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo”, ông Lê Thành Tâm khẳng định.
Sự tồn tại và phát triển y học cổ truyền có một sự đóng góp rất to lớn của các thầy thuốc, lương y... từ nhiều cơ sở Đông y tôn giáo, trong đó có Phòng chẩn trị y học cổ truyền Chùa Phước An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.
Nhiều năm qua, Phòng chẩn trị y học cổ truyền Chùa Phước An đã phục vụ cho hàng vạn bệnh nhân khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Theo Ni sư Thích Nữ Từ Tâm, mỗi năm Phòng chẩn trị phục vụ từ bảy đến tám chục ngàn lượt bệnh nhân, cấp từ 700 - 800 ngàn thang thuốc trị giá khoảng 4 - 5 tỷ đồng. Tất cả đều là miễn phí.
Phòng chẩn trị y học cổ truyền Chùa Phước An có thế mạnh trong điều trị các bệnh về gan mật, xương khớp, tiểu đường...đã giúp cho rất nhiều bệnh nhân khỏi bệnh, cuộc sống được an vui.
“Đồng cảm, sẻ chia, nhân ái, từ thiện" chính là nguyện vọng và là việc làm của người tu sĩ, do đó Phòng chẩn trị y học cổ truyền Chùa Phước An còn thường xuyên kết hợp với Ủy ban MTTQ, các cơ quan đoàn thể xây dựng được trên 10 căn nhà Đại đoàn kết, trị giá hơn 400 triệu đồng, giúp các địa phương sửa đường, xây cầu giao thông nông thôn; tặng sách vở cho học sinh, trợ cấp học bổng, nuôi dạy trẻ mồ côi, người khuyết tật, cụ già neo đơn, tham gia xóa đói giảm nghèo…
“Nơi nào có khổ đau thì nơi đó có Phật giáo, chúng tôi luôn đồng hành cùng dân tộc, sẻ chia mọi lúc, mọi nơi, không phân biệt màu da, chủng tộc”, Ni sư Thích Nữ Từ Tâm khẳng định.
Đức Phật dạy "con người nước mắt cùng mặn, dòng máu cùng đỏ" nhắc tới điều này, Ni sư Từ Tâm cũng cho rằng, chúng ta đều cứu khổ ban vui, "cứu khổ chúng sanh là cúng dường chư Phật vậy".
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị.
Ni sư Từ Tầm tự nhủ rằng, niềm vui an lạc của người tu sĩ không chỉ đơn thuần tu để giải thoát là con đường cứu cánh, mà hiện thực chân lý đó là: đồng cảm, sẻ chia những cảnh đời bất hạnh, không phân biệt giới tính, tuổi đời, màu da, chủng tộc, thành phần trong xã hội, mà phải luôn đặt mình trong hoàn cảnh để thấu hiểu mọi hoàn cảnh, trên tinh thần đoàn kết, hòa hợp, như lời Bác Hồ đã dạy: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu"...
Nằm cách quốc lộ 22 không xa, cách TP Hồ Chí Minh 50 km, tại huyện Củ Chi, có một trung tâm đặc biệt- Trung tâm Mai Hoà- nơi nuôi dưỡng, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối. Trung tâm được thành lập từ tấm lòng của các Nữ tử Bác ái Vinh Sơn.
Đây là một cơ sở Công giáo đầu tiên được thành lập nhờ sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo tôn giáo, chính quyền và nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Với một khu đất yên tĩnh, rộng hơn 10.000m² trung tâm được chia thành các gian nhà biệt lập, sạch sẽ, được phân ra nhà ở cho bệnh nhi, nhà ở cho bệnh nhân nam - nữ, nhà ăn, nhà cho bệnh nhân nặng và cả nơi để thi hài người quá cố.
Hiện trung tâm có 6 nữ tu Nữ tử Bác ái Vinh Sơn và 10 nhân viên phục vụ đã tổ chức tiếp nhận và chăm sóc 70 mảnh đời bất hạnh bị bệnh xã hội, HIV/AISD giai đoạn cuối, trẻ em mang bệnh từ cha mẹ bị gia đình, người thân bỏ rơi hoặc không gia đình.
Theo Nữ tu Nguyễn Thị Lan, tất cả những sự tận hiến này chỉ nhằm giúp bệnh nhân hòa giải với chính bản thân mình với gia đình và xã hội để tâm hồn được bình an trong những ngày cuối đời.
Bệnh nhân đến đây từ rất nhiều nơi, rất nhiều độ tuổi khác nhau, người thì bị bệnh viện từ chối, công an đưa về, thậm chí có người tự đến trước cổng trung tâm, hoặc do người thân đưa đến. Cho nên Trung tâm đã trở thành ngôi nhà cuối đời cho những người bất hạnh.
“Ở nơi này bệnh nhân được đối xử đầy tình người, không có sự phân biệt, không còn mặc cảm bị bỏ rơi bởi vì sự tiếp đón, thái độ gần gũi, chăm sóc ân cần của các nữ tu”, nữ tu Nguyễn Thị Lan chia sẻ.
Cũng theo nữ tu Lan, làm những điều này, các nữ tu chỉ có một mong mỏi người thân của các bệnh nhân hãy hiểu rằng, bệnh này không dễ lây lan và người bệnh rất cần được an ủi của chính những người thân trong gia đình.
Với tinh thần bác ái yêu thương, coi những bệnh nhân như người thân của mình, trong nhiều năm qua, các nữ tu của Trung tâm Mai Hoà bằng tình yêu của những người chị, những người mẹ đã đã chăm sóc tận tình người bệnh.
Ni sư Thích nữ Từ Tâm phát biểu tại Hội nghị.
Có những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. Đó là bị nấm, phổi, ho, sốt, cơ thể suy kiệt, gầy mòn, CD4 chỉ còn 19 tế bào/ml máu (ở mức 200, bệnh nhân đã được xếp vào giai đoạn cuối- PV). Có những bệnh nhân mới chỉ hơn 2 tuổi vừa mắc bệnh HIV/AIDS vừa bị bại não….
“Nhưng bằng tất cả những gì có trong tay, chúng tôi đã giữ lại mạng sống cho bệnh nhân, sau đó bệnh nhân dần hồi phục và cho đến nay vẫn sống khỏe. Vui mừng nhất là có 3 em đã thi đậu vào trường Cao Đẳng nghề, 4 em đang theo học các lớp từ tiểu học đến trung học phổ thông trên địa bàn”, Nữ tu Nguyễn Thị Lan chia sẻ.
Đề cập đến vai trò của MTTQ trong việc quan tâm, phối hợp với Sở Y Tế, giúp đỡ các hoạt động khám chữa bệnh từ thiện của các tổ chức tôn giáo, ông Dương Đình Luân, Trưởng Ban Tôn giáo, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Mặt trận tỉnh đã tạo điều kiện cho nhiều chức sắc, nam nữ tu sỹ và tín đồ tôn giáo tham gia dự án “Tăng cường khả năng đáp ứng của tôn giáo trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam”. Đồng thời cũng tạo điều kiện để các vị chức sắc, các vị tu sỹ tham gia các lớp tập huấn về phòng chống HIV/AIDS tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà nẵng, Thái Lan…
Những kiến thức tiếp thu đã được các chức sắc các tôn giáo tích cực lồng ghép truyền thông rộng rãi trong tăng, ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, trường trung cấp phật học, Huynh trưởng và đoàn sinh gia đình phật tử, các thành viên trong Ban Hoằng pháp, Ban Trị sự Phật giáo các huyện và các đạo tràng, đoàn chúng phật tử; Đại chủng viện Huế và các xứ, họ đạo ...; các dòng tu, nhà thờ, chùa, niệm phật đường đã gắn các chương trình ngoại khóa cũng như những khóa tu tập, để chuyển tải kiến thức phòng chống HIV/AIDS và giảm sự kỳ thị phân biệt đối xử với người có HIV/AIDS, tạo điều kiện cho người có HIV/AIDS hòa nhập với cộng đồng, góp phần giảm thiểu sự kỳ thị của cộng đồng và sự lây lan của đại dịch HIV/AIDS tại tỉnh nhà.
Để các cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động hiệu quả, ông Dương Đình Luân cho rằng, các cơ sở khám chữa bệnh từ thiện tôn giáo cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về hoạt động khám chữa bệnh; các cơ sở có quy mô nhỏ, chưa đủ điều kiện để cấp phép hoạt động cần đẩy mạnh việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và chủ động liên hệ các cơ quan chức năng làm các thủ tục xin cấp phép.
Ông Lê Thành Tâm - Phòng khám Đông y Tịnh Độ, phát biểu tại Hội nghị.
Hiện nay trên toàn quốc có 60.000 cơ sở khám chữa bệnh của các tổ chức và cá nhân tôn giáo, trong đó bao gồm các cơ sở khám chuyên khoa và cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền. Các cơ sở này đã phục vụ ước tính 710.261 lượt người khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và hầu hết là miễn phí.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nói chung và đặc biệt là công tác khám bệnh, chữa bệnh cho các nhóm đối tượng người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, các chủ trương của Đảng và những văn bản pháp luật đã tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ và toàn diện để các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo và vận động hiến tặng mô, tạng; là công cụ pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động này.
“Qua triển khai thực hiện, vai trò của nhiều tổ chức, cá nhân tôn giáo bước đầu đã được phát huy trong việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần và vận động hiến tặng mô, tạng”, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng, công tác khám, chữa bệnh từ thiện của các tôn giáo mỗi khi được triển khai đều được Mặt trận các cấp phối hợp với ngành Y tế hướng dẫn và tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo triển khai các hoạt động khám, chữa bệnh và cấp thuốc từ thiện tại các địa phương đúng quy định và đem lại hiệu quả.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo tiếp tục phối hợp với ngành Y tế và các bộ, ngành, địa phương liên quan huy động nguồn lực để phát triển các hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh phong, tâm thần, vận động hiến tặng mô tạng.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.