Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến năm 2021 sẽ được nhớ đến như một cột mốc đặc biệt trong lịch sử thể thao thế giới. Hầu hết các sự kiện thể thao hấp dẫn nhất hành tinh đã phải diễn ra lệch thời điểm. Thế nhưng, những cuộc đấu hấp dẫn, những gương mặt truyền cảm hứng, hay những câu chuyện đầy cảm xúc vẫn xuất hiện nhiều hơn…
Thế vận hội vắng bóng khán giả
Năm 2021 đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng sau gần một năm “đóng băng” của các sự kiện thể thao lớn trên thế giới. Việc tổ chức những sự kiện này trở thành “liều thuốc tinh thần” xoa dịu những lo âu trong thời đại dịch. Không khí sôi động trên các sân thi đấu, tại các buổi lễ khai mạc và bế mạc lộng lẫy chính là minh chứng cho thấy thế giới đã thích nghi với cuộc sống “bình thường mới”.
Sau 1 năm tạm hoãn, Olympic Tokyo 2020 đã chính thức khai mạc vào ngày 23/7, khởi đầu cho 17 ngày sôi động của thể thao thế giới. Diễn ra trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu và cả thủ đô Tokyo - nơi đăng cai sự kiện, thế vận hội năm nay vắng bóng khán giả, không có tiếng reo hò cổ vũ, ăn mừng chiến thắng, mọi nghi thức hoành tráng được rút gọn hay thay thế bằng các thủ tục đơn giản, những quy định giám sát phòng dịch khắt khe.
Ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đưa ra những quy định ngặt nghèo và chưa từng có trong lịch sử, trong đó có việc ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo, cắt giảm số lượng quan chức tham dự, không cho phép khán giả nước ngoài nhập cảnh để theo dõi các cuộc tranh tài và không cho khán giả ở Nhật Bản tới cổ vũ ở phần lớn các địa điểm thi đấu, cắt giảm tối đa hoạt động rước đuốc.
Điều này khiến cả hai sự kiện đi vào lịch sử khi trở thành kỳ thế vận hội đầu tiên vắng bóng khán giả trên các khán đài và là thế vận hội đầu tiên được tổ chức trong lúc thành phố đăng cai vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp. Theo ước tính, việc tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo không có khán giả có thể sẽ gây thiệt hại tới 2.413,3 tỷ yen (gần 23,5 tỷ USD) cho Nhật Bản…
Thế nhưng, vượt qua tất cả, Olympic và Paralympic Tokyo 2020 được mô tả như “sự kiện lịch sử”, “biểu tượng chiến thắng” hay “sự kiện của hy vọng”... khi quy tụ khoảng 15.000 vận động viên từ khắp nơi trên thế giới tới Nhật Bản tranh tài trong bối cảnh nhiều khu vực của nước chủ nhà được đặt trong tình trạng khẩn cấp để ứng phó dịch Covid-19. Nhìn từ góc độ thể thao, Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 là một thành công lớn không chỉ đối với Nhật Bản mà là chiến thắng của toàn thế giới trước những ảnh hưởng của dịch bệnh.
Kỳ EURO khó quên
Ở đó còn là một kỳ EURO khó quên khi các khán đài đã có sự trở lại cổ vũ của các cổ động viên trong lần đầu tiên được tổ chức đồng thời tại 11 thành phố của 10 quốc gia để kỷ niệm 60 năm giải đấu này ra đời. Những tiến bộ trong nỗ lực bao phủ vaccine ngừa Covid-19 trước thềm EURO 2020 đã giúp công tác tổ chức giải đấu này được thuận lợi hơn. Tuy số lượng khán giả vào sân có phần hạn chế so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát và được cân đối dựa trên tỷ lệ tiêm phòng của người dân ở thành phố đăng cai, nhưng thế giới vẫn được chứng kiến không khí náo nhiệt trên cầu trường.
Tại giải đấu năm nay, trong một giai đoạn mà Pháp, Anh và Bỉ đều đang sở hữu lứa cầu thủ “thế hệ vàng”, tuyển Italia một lần nữa lại tạo nên bất ngờ. Euro 2020 không phải là một tuyển Italia nặng nề phòng ngự như thương hiệu họ đã tạo dựng trước đây mà trở thành đội bóng chơi tấn công tưng bừng nhất giải đấu. Với đội tuyển Italia, từ việc không vượt qua vòng loại World Cup 2018, Azzurri biến đổi dưới bàn tay của Roberto Mancini để vô địch EURO 2020 một cách thuyết phục. Cũng như tuyển Italia, Đan Mạch mang đến cảm xúc mạnh mẽ cho giải đấu bằng lối chơi tấn công rực lửa, không hề e ngại những đối thủ mạnh, trở thành đội bóng được yêu mến nhất sau khi họ đứng dậy mạnh mẽ từ bi kịch của Christian Eriksen - người đã đột quỵ ở trận ra quân.
Cũng trong tháng 7, các trận đấu tại Copa America diễn ra không khán giả, ngoại trừ trận chung kết tại “thánh địa” Maracana. Những người tới sân sẽ phải xuất trình giấy xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2, bắt buộc phải đeo khẩu trang và tuân thủ biện pháp giãn cách. Toàn bộ 10 đội bóng tham gia giải đấu được xét nghiệm định kỳ. Việc di chuyển của các đội bị hạn chế nghiêm ngặt. Copa America có thể không phải là một giải đấu được xem trọng, nhưng ít ra nó cũng đủ để Messi vơi đi ít nhiều mặc cảm mắc nợ với dân tộc.
Ghi dấu nhiều gương mặt trẻ
Cùng với đó, hàng loạt sự kiện thể thao lớn trên thế giới tiếp tục được diễn ra và ghi nhận nhiều kỷ lục, nhiều gương mặt trẻ đầy ấn tượng trong năm 2021. Đây là một năm đầy thành công của tay vợt Novak Djokovic cho dù anh bỏ lỡ cơ hội điền tên vào lịch sử khi không thể giành Huy chương Vàng Olympic Tokyo hay trọn bộ Grand Slam trong cùng một năm.
Làng quần vợt nữ năm nay đã ghi nhận một gương mặt trẻ nổi bật. Raducanu một bước vụt sáng thành siêu sao nổi bật khi đăng quang Giải Mỹ mở rộng 2021 ở tuổi 18. Trước giải đấu này, làng quần vợt hầu như không biết đến tên tuổi của cô. Lần đầu tiên vô địch một giải Grand Slam, lần đầu tiên lọt vào top 25 thế giới, Emma Raducanu đã khiến cả giới banh nỉ phải đi hết từ bất ngờ này tới ngạc nhiên khác với sự thăng tiến đến chóng mặt.
Thể thao thế giới cũng ghi nhận nhiều gương mặt đầy ấn tượng trong năm 2021. Kình ngư Caeleb Dressel, người được mệnh danh là Michael Phelps thứ hai của bơi Mỹ, đã rực sáng dưới ánh đèn sân khấu ở Olympic Tokyo khi giành 5 Huy chương Vàng, phá 2 kỷ lục thế giới và 2 kỷ lục Olympic.
Những sự kiện thể thao lớn trên thế giới diễn ra trong bối cảnh đại dịch càng ngày càng phức tạp với những biến chủng mới đầy nguy hiểm. Các vận động viên thể thao ngoài thi đấu vì màu cờ sắc áo, vì những danh hiệu cá nhân còn đã hướng tới một mục tiêu cao hơn, đó là thể hiện quyết tâm, lòng dũng cảm và sức mạnh của con người trước đại dịch.