Biểu tượng tình nghĩa vợ - chồng trên trống đồng Đông Sơn 

TẠ ĐỨC 16/07/2023 07:18

Khi nghiên cứu hai chiếc trống đồng Đông Sơn - hiện được coi là Bảo vật Quốc gia, tôi nhận ra có hai biểu tượng về tình nghĩa vợ - chồng.

Biểu tượng chim hồng hoàng trên trống Ngọc Lũ.

Biểu tượng thứ nhất là chim hồng hoàng được khắc trong một vành hoa văn trên mặt trống Ngọc Lũ - chiếc trống đồng Đông Sơn cổ và đẹp nhất hiện còn.

Quả thực, rất ít người, kể cả các học giả quan tâm đến loài chim này. Bởi từ lâu, với nhiều người Việt, dân trồng lúa nước vùng đồng bằng, biểu tượng cò trắng hay chim Lạc trên mặt trống Ngọc Lũ thân thuộc và gần gũi hơn. Đó là loài chim nước đã bao đời gắn bó với người Việt, trở thành một biểu tượng của người mẹ Việt cần cù, nhẫn nại.

Đầu thế kỷ 21, khi có cơ may tìm hiểu văn hóa của người Katu, một tộc ít người vùng núi Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, tôi mới hiểu ra tính biểu tượng cốt lõi, đích thực của loài chim này, vốn là vật tổ của những cư dân Đông Sơn vùng rừng núi.

Trong truyền thuyết Katu, vật tổ của họ lại là chó, như vật tổ của các tộc người Bru-Vân Kiều, Xơ Đăng, Dao. Nhưng trong văn hóa Katu, những biểu hiện của tín ngưỡng vật tổ chim hồng hoàng vẫn còn le lói hoặc thì thầm đây đó.

Trong nghệ thuật điêu khắc gỗ Katu, mô típ chim hồng hoàng rất nổi bật ở hai đầu bờ nóc, đầu vách gỗ phía trước nhà Gươl - trung tâm tín ngưỡng - văn hóa - xã hội của một làng Katu. Xưa kia, nó còn có ở hai đầu thanh ngang cổng làng, hai bên cột lễ - cột đâm trâu và trên hai đầu nóc nhà từng gia đình. Thường đó là mô típ thể hiện cách điệu cảnh chim trống phủ chim mái với nửa thân sau và đuôi hòa hợp. Điệu múa nam nữ Tung Tung - Da Dá rất nổi tiếng của người Katu cũng có gốc là điệu múa chim hồng hoàng.

Biểu tượng sam trên trống Kính Hoa.

Hỏi người Katu loài chim đó có ý nghĩa thế nào với họ, trong nhiều câu trả lời, một câu trả lời tôi thường nghe nhất là: Đó là loài chim biểu tượng cho tình nghĩa chung thủy vợ chồng, cho cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Câu trả lời trên đã kích hoạt tôi tìm đọc tư liệu sinh vật học về loài chim này và đến một ngày, tôi đã hiểu cụ thể hơn điều người Katu nói.

Hồng hoàng là loài chim sống một vợ - một chồng, hai vợ chồng cùng bay, cùng đậu, cùng ăn, cùng ngủ suốt đời. Con trống bắt đầu tán tỉnh con mái bằng cách theo đuổi và hàng ngày mang quả ngọt, mồi ngon mớm cho con mái cả tháng ròng để tỏ ra mình sẽ một chim chồng chân chính. Trước khi thành vợ thành chồng, đôi chim quấn quýt, bay lượn, nhào lộn, ca hát với nhau rất tưng bừng. Rồi một ngày, cả hai cùng nhau tìm một hốc cây như ý để chim vợ chui vào trong dùng đất, thức ăn thừa và phân bịt cửa hốc đó lại, chỉ để một cái cửa nhỏ, đủ để chim vợ thò mỏ ra. Chim chồng cũng tha đất về, khạc ra cho vợ xây tổ. Trong tổ đó, chim vợ không sợ nắng gió, rắn rết, yên tâm đẻ, ấp trứng và chăm con. Ở bên ngoài, chim chồng liên tục bay đi bay về kiếm thức ăn nuôi vợ. Mỗi khi chim vợ chìa mỏ ra cửa, chim chồng lại mớm thức ăn vào mỏ vợ. Trước mỗi lần bay đi kiếm ăn, chim chồng lại gõ nhẹ mỏ vào thân cây báo cho chim vợ biết. Sau 3 - 4 tháng, khi chim non đã có lông, chim vợ mới rời tổ. Cả hai vợ chồng tiếp tục nuôi nấng và bảo vệ con cho đến lúc con khôn lớn, có lông có cánh bay đi…

Không rõ người xưa có biết đầy đủ những điều ấy hay không, nhưng trong truyền thuyết của một số tộc người, hồng hoàng luôn là một tấm gương về tình nghĩa vợ - chồng gắn bó, tốt đẹp. Một truyền thuyết kể, khi chim vợ mất tích, chim chồng đi tìm hàng tháng cho đến khi thấy mới thôi. Một truyền thuyết khác lại kể, một chàng trai chết hóa thành một con chim hồng hoàng bay tìm người yêu để thả một chiếc lông của mình xuống vạt váy nàng. Người con gái giữ chiếc lông đó suốt đời, và mọi người có tục đính lông chim hồng hoàng vào mũ, áo như một biểu tượng về tình yêu vĩnh cửu…

Nụ hôn của cặp hồng hoàng.

Vào thời Đông Sơn, còn có một biểu tượng nữa cho tình nghĩa vợ chồng được đưa lên mặt trống đồng. Đó là loài sam biển trên trống Kính Hoa, một trống đồng thuộc sưu tập tư nhân.

Trên mặt chiếc trống này, chúng ta thấy rõ hình 10 con sam trong một vành riêng nằm giữa hai vành có hình cá sấu và hình rái cá. Đó là ba con vật tổ - biểu tượng của cư dân vùng biển.

Khác với hồng hoàng, sam không mấy xa lạ với người Việt. Hai thành ngữ “như vợ chồng sam” và “dính nhau như sam” đủ nói lên đặc tính của con vật này.

Sống ở đáy vùng biển nông, vào kỳ sinh sản, trùng với những ngày trăng non và trăng tròn, các cặp vợ chồng sam lại kéo nhau vào gần bờ để sinh sản. Đó cũng là lúc con người đi bắt sam, thường bắt luôn cả đôi vợ chồng đang dính nhau. Và sam trở thành một biểu tượng cho tình nghĩa vợ chồng bên nhau sống chết. Các truyền thuyết Việt, Thái, Nhật về sự tích loài sam đều có mô típ chồng ôm lưng hay bám cổ vợ bị chết đuối ở biển hóa thành đôi sam đực cái.

Ai đó sẽ hỏi vì sao người Đông Sơn lại coi hồng hoàng và sam, hai biểu tượng tiêu biểu cho tình nghĩa vợ chồng là vật tổ, tức con vật một thời là tổ tiên hay giờ mang hồn tổ tiên của họ?

Câu trả lời là: Vì xã hội thời Đông Sơn là một xã hội mẫu hệ, và một đặc tính chung của xã hội mẫu hệ là tính chất yếu ớt, lỏng lẻo của quan hệ vợ - chồng.

Trong xã hội đó, quyền lợi và trách nhiệm của người chồng chủ yếu gắn với dòng họ mẹ. Tài sản và quyền lực của người chồng cũng thường được truyền cho những đứa cháu gọi mình là cậu. Vì thế, người chồng có liên hệ mật thiết với chị em gái mình hơn với anh em nhà vợ. Thậm chí, nếu chồng bị ốm nặng ở nhà vợ, anh ta được mang về chăm sóc ở nhà mẹ mình và khi chết cũng được chôn trong khu mộ của dòng họ mẹ. Do có vị thế yếu ớt và không có nhiều ràng buộc bên nhà vợ, nếu có trục trặc, người chồng dễ dàng ra đi. Trong xã hội mẫu hệ, các cuộc hôn nhân không hạnh phúc dễ dàng chấm dứt hơn trong xã hội phụ hệ.

Trong truyền thuyết Hồng Bàng, Lạc Long Quân sau khi lấy Âu Cơ thường “bỏ về thủy phủ”, tức quê của mẹ là con gái Long vương hồ Động Đình. Lạc Long Quân, như tự nhận “mang nòi rồng”, tức theo dòng mẹ. Do sống ở quê mẹ, phải lo việc cho chị em gái và các cháu của mình nên Lạc Long Quân “ít gặp vợ con và để vợ con buồn khổ”. Cuối cùng, dù đã có trăm mặt con với nhau, nhưng Lạc Long Quân và Âu Cơ vẫn phải chia ly, người đem con lên miền núi, kẻ đưa con xuống vùng biển. Vua Hùng là con cả cũng đi theo mẹ…

Hai trống đồng Ngọc Lũ và Kính Hoa là hai trống đồng Đông Sơn thuộc loại cổ nhất và đẹp nhất hiện còn, đều là Bảo vật Quốc gia. Chúng đã được đúc vào thời An Dương Vương, vua nước Âu Lạc, người đã cho đúc và ban phát những chiếc trống đồng Đông Sơn đầu tiên. Trong lịch sử, đó là thời nhiều trai gái Lạc Việt thành chồng thành vợ với gái trai Âu Việt, thời công chúa Âu Lạc kết hôn với hoàng tử Nam Việt. Nhưng đó cũng là thời của các cuộc chiến ác liệt Tần - Bách Việt, Âu Lạc - Nam Việt, khiến nhiều cặp vợ - chồng chia ly, người còn kẻ mất…

Trong hoàn cảnh đó, việc đưa hai vật tổ của dân vùng núi và vùng biển, tấm gương về tình nghĩa vợ chồng lên mặt trống đồng, vốn là biểu tượng cho vương quyền và thần quyền Âu Lạc có lẽ nhằm khẳng định sự thống nhất hòa hợp Âu Việt - Lạc Việt, tôn vinh và tâm linh hóa tình nghĩa chung thủy vợ - chồng, trách nhiệm của bố mẹ với con cái, hai nền tảng tinh thần của mọi xã hội.

Trong truyền thuyết Hồng Bàng, vì “thủy hỏa tương khắc”, vợ chồng Âu Cơ và Lạc Long Quân chia ly, mỗi người mang 50 con. Lạc Long Quân dặn Âu Cơ hễ có việc báo cho nhau hay, bảo các con khi có nguy cấp gọi bố thật to, bố sẽ đến ngay cứu giúp …

Trong truyền thuyết Thần Kim Quy, Mỵ Châu lấy Trọng Thủy để Âu Lạc và Nam Việt hòa giải, kết thân. Trọng Thủy ở rể nhà vợ và được Mỵ Châu yêu và tin cho xem nỏ thần, một bí mật quốc gia quan trọng. Nhưng Trọng Thủy, vì quyền lợi nước mình đã đánh tráo nỏ. Chiến tranh lại nổ ra, Cổ Loa thất thủ, cả hai vợ chồng Mỵ Châu - Trọng Thủy cùng chết thảm. Tuy nhiên, áo lông ngỗng, giếng nước, ngọc trai vẫn còn đó như các biểu tượng cho tình nghĩa vợ - chồng.

Ở mọi nơi, mọi thời, tình nghĩa vợ chồng vẫn luôn là một giá trị nhân bản, cao đẹp. Nhưng ở thời Đông Sơn, rõ ràng điều đó đã trở thành một giá trị thiêng liêng, một tín ngưỡng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biểu tượng tình nghĩa vợ - chồng trên trống đồng Đông Sơn 

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO