Một nghiên cứu của Oxfam cho biết miễn giảm thuế của Việt Nam vẫn rất nhiều, nhất là đối với thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhiều tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam có thể hưởng mức thuế suất là 10% thấp bằng một nửa so với mức thuế suất phổ thông là 20%.
Cần có sự cải cách hơn nữa về thuế.
Một kết quả từ Báo cáo Công bằng thuế Việt Nam năm 2017 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho biết: Hiện nhiều tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam có thể hưởng mức thuế suất là 10%, thấp bằng một nửa so với mức thuế suất phổ thông là 20%. Việc tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia cũng diễn ra khá nhiều và mới được điều tra xử lý từ năm 2010. Còn theo Báo cáo các chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của các thành phố trực thuộc trung ương năm 2017 và giai đoạn 2010 - 2016 do Tổng cục Thống kê cho biết doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) có tốc độ tăng doanh thu nhanh nhất trong các thành phần kinh tế nhưng DN FDI lại có tỷ lệ đóng góp vào ngân sách nhà nước thấp nhất trong các thành phần kinh tế.
Thừa nhận một điều rằng, các DN FDI góp phần tăng thu ngân sách, cải thiện cán cân thanh toán… Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, khu vực FDI cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề đáng quan ngại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế như câu chuyện về chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nhà nước đã khuyến khích đầu tư nước ngoài bằng cách miễn thuế, giảm thuế trong khoảng thời gian nhất định rồi nhưng nhiều địa phương còn “hứa” miễn thuế sau khi hết quy định.
“Cách ứng xử như vậy là không có lợi và bất bình đẳng trong nền kinh tế, bởi doanh nghiệp của quốc gia, dân tộc đầu tư, làm ăn kinh doanh sẽ để vốn lại xây dựng đất nước, nhưng doanh nghiệp FDI lại chuyển vốn lãi ra nước ngoài, chỉ tận dụng tài nguyên, nhân công và chính sách ưu đãi trong nước. Phải xác định thu hút FDI bằng các chính sách tạo môi trường kinh doanh chứ không thu hút mọi giá chỉ bằng chính sách ưu đãi thuế và đất đai như hiện nay” – ông Doanh nhấn mạnh.
Tại cuộc Hội thảo chuyên đề “Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: Thực trạng và giải pháp” được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10/7, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 đã có được những kết quả. Chính sách thuế không có sự phân biệt, đối xử giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước với DN FDI, bình đẳng về nghĩa vụ thuế cho tất cả các nhà đầu tư; tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng và một bước tiến quan trọng chung cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
Để nâng cao hiệu quả từ thu hút đầu tư cần tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế như: Ban hành chính sách mới; trong đó, có chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, các cam kết mà Việt Nam đã cam kết thực hiện với các tổ chức quốc tế… Cần đảm bảo đúng mục tiêu công bằng và không có sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước.